- Cùng trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 22, tuyển thủ Đỗ Xuân Tâm ngã khụy xuống đường đua rồi ra đi mãi mãi, còn tuyển thủ judo Trần Thanh Ngời trải qua 95 ngày nằm viện, trước khi nhắm mắt, để lại nỗi tiếc thương và cả sự ám ảnh…

Tai nạn trên sàn tập

Trong các kỳ SEA Games, judo luôn là một trong những mỏ vàng của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, để có được vị thế dẫn đầu khu vực, các võ sĩ Việt Nam đã đổ biết bao mồ hôi, máu và cả tính mạng. Đến giờ, những người thầy, đồng đội của Trần Thanh Ngời vẫn không thể quên cái ngày anh ngã xuống trên sàn tập và gần 100 ngày chiến đấu với tử thần trên giường bệnh. Nhưng anh vẫn ra đi, đi nhanh như những thế đòn của môn võ mà Thanh Ngời đã nhiều lần mang vinh quang về cho tổ quốc.

Một buổi tập bình thường như bao buổi tập khác chuẩn bị cho SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà Việt Nam, các võ sĩ của đội tuyển judo mướt mồ hôi với các miếng đánh, quật, hất. Thanh Ngời sau khi giành HCV hạng 55 cân tại giải quốc tế TP.HCM năm 2002, trở thành niềm hy vọng vàng của judo Việt Nam tại SEA Games 1 năm sau đó. Ngời không phải là võ sĩ có thể hình tốt, nhưng anh thường chọn những đối thủ to hơn mình để tập luyện.

{keywords}

Trần Thanh Ngời nằm viện 95 ngày trước khi ra đi mãi mãi

Buổi tập hôm đó, Ngời xin tập với một võ sĩ nặng hơn mình 20kg. Anh muốn thử sức với các đối thủ mạnh, để vượt qua mọi giới hạn trong thi đấu. Thế nhưng, ai ngờ rằng đó lại là lần cuối cùng Ngời đứng trên sàn tập. Anh gặp phải một tai nạn rất nặng phải nhập viện cấp cứu.

Chẳng là sau khi Ngời vào đòn hông sode sturi komi goshi, anh bị vuột tay áo nắm, khiến đầu cắm thẳng xuống nệm. HLV Lê Thanh Vĩnh và các đồng đội hét lên thất thanh, nhưng chẳng ai kịp ra đỡ được cho Ngời khi anh tiếp đất. Ngời được đi cấp cứu trong tình trạng đốt xương cổ bị lệch, tủy sống bị tổn thương nghiêm trọng. Trước khi hôn mê trên giường bệnh, anh vẫn kịp nói với thầy rằng đó là lỗi của mình, mọi người tiếp tục tập luyện để chuẩn bị cho giải đấu.

Nỗi ám ảnh của người ở lại

Các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn đã làm tất cả để cứu sống Thanh Ngời. Kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc bệnh viện Xanh Pôn, trực tiếp phụ trách đã tiến hành phẫu thuật xem xét thực trạng chấn thương đốt sống cổ cho anh.

Ca mổ thành công, các bác sĩ đã giải phóng nhanh ống tủy chèn do trật đốt sống cổ số 4 và 5, nối xương gãy, bắt vít cố định. Rất may là ống tủy của Thanh Ngời chưa đứt hẳn nên có khả năng phục hồi tốt, nhất là trong điều kiện bệnh nhân còn trẻ và thể trạng tốt.

Tưởng như sức khỏe của Ngời tiến triển tốt, nhưng vào một buổi sáng ngày 16/6/2003, anh kêu mệt, rồi sau đó mãi mãi ra đi dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa.

95 ngày Thanh Ngời nằm trên giường bệnh, là những ngày anh chiến đấu với số phận của mình. Ngời phải tiêm rất nhiều thuốc, phải thở máy và nằm cố định. Các đồng đội của anh, cũng đã kêu gọi một cuộc ủng hộ tiền để đưa Ngời ra nước ngoài chữa trị. Dù bận tập luyện, nhưng tất cả vẫn chia nhau tới bệnh viện chăm sóc cho Thanh Ngời.

Ngời ra đi bất ngờ khi mà tất cả đều hy vọng anh sẽ qua khỏi, đã tạo nên cú sốc, nỗi ám ảnh. HLV Lê Thanh Vĩnh vì quá thương tiếc cậu học trò xấu số, đã mất ngủ nhiều đêm, rồi ông nộp đơn xin rút lui khỏi đội tuyển Judo. Đến giờ, ông Vĩnh vẫn không thể quên được cú ngã của Ngời, không thể quên được những ngày anh nằm trên giường bệnh và lúc nhắm mắt.

Người đấu tập với Thanh Ngời hồi đó, giờ là HLV trưởng đội tuyển judo –Lê Duy Hải, cũng ám ảnh không kém.

SEA Games 22, judo Việt Nam lên ngôi số 1 Đông Nam Á với 6 HCV. Trên bục nhận huy chương, cả thầy và trò đội tuyển judo đều òa khóc. Họ dành những tấm huy tặng cho Thanh Ngời – người đáng lẽ cũng phải đứng ở đó để hát quốc ca và hưởng niềm vinh quang chiến thắng.

Bằng Lăng