“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?”, câu đố từ ngàn xưa trong kho tàng ca dao Việt đã có lời giải đáp. Một công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đưa ra con số: 4,36 tỷ năm.

TIN LIÊN QUAN

Trong khuôn khổ Chương trình Apollo 16, theo yêu cầu của các nhà thiên văn, họ đã nhận được từ NASA một mẫu đá Mặt trăng nặng không đến 2 gam. Tiến hành những phân tích cần thiết, họ đã xác định: Hòn đá cuội ấy được tạo thành trên Mặt trăng trong thời gian đông cứng kéo dài.

Hình ảnh minh họa về sự va chạm giữa Trái đất và hành tinh Theia.

Chúng ta hãy nhớ lại rằng, hiện nay các nhà khoa học cho rằng Mặt trăng được hình thành là nhờ sự kiện Trái đất va chạm với hành tinh Theia, có kích thước tương đương sao Hoả, làm bắn ra xung quanh rất nhiều mảnh vụn ở trạng thái nóng chảy. Mảnh lớn nhất đông cứng dần và trở thành vệ tinh của Trái đất, tức Mặt trăng hiện nay.

Trước đây, các nhà thiên văn không thể xác định chính xác ngày tháng xảy ra sự kiện đó, mà mãi đến bây giờ người ta mới ấn định con số đó là 4,36 tỷ năm (với sai số là -/+ 3 triệu năm).

Để xác định tuổi của vệ tinh thiên nhiên của chúng ta, trong công trình của mình, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp xác định niên đại trên cơ sở tỷ lệ các đồng vị khác nhau của 3 kim loại là chì, neođim và samari. Kết quả của tất cả các lần phân tích đều cho cùng một kết quả, cho phép kết luận rằng việc xác định như vậy là tương đối chính xác.

Theo các nhà thiên văn, số liệu họ thu được chứng tỏ rằng thời gian Mặt trăng đông cứng dần từ thể lỏng thành thể rắn diễn ra là khá nhanh chóng, ít hơn khoảng 100 triệu năm so với những đánh giá trước đây. Điều này được xem là mâu thuẫn với những lý thuyết hiện đại về sự hình thành lớp vỏ của Mặt trăng.

Bảo Châu (Theo KM)