Internet phát triển bùng nổ giúp chúng ta dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin trên các ứng dụng, công cụ tìm kiếm trực tuyến. Trẻ em giờ đây cũng tiếp xúc với không gian mạng hàng ngày, ở độ tuổi rất nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những kiến thức lành mạnh, có giá trị trong học tập và cuộc sống, nhiều thông tin độc hại cũng tràn lan trên mạng xã hội, chưa được kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành động, đặc biệt là sự an toàn của thiếu niên, trẻ em.

Khi chưa có những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân, nhiều em nhỏ đã trở thành nạn nhân của bạo hành, xúc phạm trên mạng. Do vậy, việc trang bị kỹ năng số là biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia không gian mạng.

Trang bị kỹ năng để bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng internet

 Số liệu từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em - số 111 Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay, năm ngoái, Tổng đài đã tiếp nhận 419 ca báo cáo liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong đó, có 398 ca tư vấn và 21 ca can thiệp liên quan đến các kênh, đường link, clip xấu, độc hại với trẻ em).

Đồng thời, Báo cáo ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức quốc tế về Chấm dứt bóc lột tình dục trẻ em (ECPAT) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) năm 2022 cho thấy, 23% số trẻ độ tuổi 12 đến 17 sử dụng internet, tham gia khảo sát cho biết, các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát), 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn, 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi chưa có sự đồng ý, 2% bị yêu cầu trò chuyện về tình dục...

Điều đáng quan ngại là phần lớn trẻ nói các em từng bị xâm hại tình dục trên mạng, đã không tiết lộ việc bị bóc lột và xâm hại với ai, hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc và/hoặc một kênh chính thức, như công an hoặc đường dây trợ giúp…

Điều này cũng đã được thảo luận tại tọa đàm "Ngày An toàn internet 2023 - Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi các nội dung tình dục độc hại trên môi trường mạng", tổ chức mới đây nhằm hưởng ứng ngày An toàn Internet.

Tại sự kiện này, Phó Cục trưởng Trẻ em Nguyễn Thị Nga nêu vấn đề, hiện nay nhiều thanh, thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung tình dục độc hại khi gặp vấn đề thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, e ngại tìm đến những kênh tiếp nhận và trợ giúp…

Bởi vậy, bà Hoàng Thu Giang (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh việc cần phải có giải pháp.

Ví dụ, cha mẹ có thể sử dụng một số giải pháp chặn lọc nội dung độc hại để bảo vệ con em. Những giải pháp kỹ thuật sẽ giúp người dùng chủ động thích ứng kịp thời với nguy cơ trên mạng. 

Theo bà Giang, hiện nay, các ứng dụng, các nền tảng, mạng xã hội đã có rất nhiều công cụ để có thể giúp người dùng kiểm soát những nội dung độc hại, mất an toàn khi sử dụng internet.

"Chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực mở rộng các kênh để người dùng báo cáo những nội dung độc hại, hỗ trợ người dùng khi đối mặt với các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Người dùng có thể tìm đến các kênh như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an các cấp hoặc gọi hotline 113, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng,… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp ứng phó.

Để "thiết lập lá chắn" bảo vệ trẻ em, thiếu niên trên môi trường không gian mạng internet, điều quan trọng hơn cả là không ngừng trang bị những kiến thức, những kỹ năng giúp chúng nhận diện được các tương tác an toàn, các tương tác không an toàn để có thể phòng, tránh. Việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng về sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ hoàn hảo nhất" - bà Hoàng Thu Giang nhấn mạnh.

Bảo Ngân