Vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã thông báo về sự xuất hiện của 19 trang thông tin điện tử mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội đi kèm với 36 tên miền quốc tế.

Thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho hay, 36 tên miền quốc tế của các trang thông tin điện tử mạo danh kể trên đều được đăng ký tại tổ chức ở nước ngoài và sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin chủ thể tên miền.

Các trang thông tin điện tử này được thiết kế với giao diện giống nhau và cùng đăng tin, bài tổng hợp về hoạt động của Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, gây hiểu lầm đây là các trang thông tin điện tử chính thức của Quốc hội. Các hành vi giả mạo này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm nhiễu loạn thông tin, mất an toàn an ninh xã hội.

Qua sự việc trên, có thể thấy những vi phạm phần lớn xuất phát từ việc các chủ thể lợi dụng đăng ký các tên miền quốc tế và xây dựng trang thông tin điện tử tại các tổ chức ở nước ngoài để thực hiện lừa đảo qua mạng, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, cá độ, đánh bạc... “Việc xử lý các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin trên mạng đối với các website mạo danh sử dụng tên miền quốc tế này là vấn đề không đơn giản do khó xác định được chủ thể tên miền nên không thể can thiệp, xử lý đối với các trang thông tin điện tử sai phạm. Đây chính là nguyên nhân gây trở ngại trong công tác quản lý nhà nước về tên miền quốc tế dạng này”, đại diện VNNIC chia sẻ.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về xử lý thông tin xấu độc trên mạng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu rõ cần phải nhận diện được vi phạm trên không gian mạng và việc đấu tranh xử lý vi phạm đòi hỏi có sự tham gia không chỉ của một số cơ quan chức năng mà của tất cả mọi người và toàn xã hội.

Để đấu tranh loại trừ thông tin xấu độc, thông tin xuyên tạc, sai sự thật đòi hỏi phải “nhận diện” được đâu nguồn thông tin chính thống đâu là không chính thống trên Internet. Những dấu hiệu nhận diện có thể xem xét trên các yếu tố như: tên miền được sử dụng cho website; nội dung, cấu trúc website; địa chỉ IP lưu trữ nội dung của website, website có xác thực số...

Liên quan đến tên miền, theo quy định pháp luật, báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử/ trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 1 tên miền “.VN” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.

Cụ thể, Điều 17 của Luật Báo chí đã quy định 1 trong những điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động báo chí đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.VN” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam. Khoản 9 Điều 2 Nghị định 72 ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ cũng quy định rõ: “Báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 1 tên miền “.VN” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam”.

Ảnh minh họa: Internet

Với quy định này, tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” là một trong những dấu hiệu tin cậy để người dùng có thể xác định nguồn tin chính thức. Các nguồn tin chính thống, đặc biệt là tin tức chính trị, luật pháp của Việt Nam được đăng, phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước với “nhận diện” là sử dụng tên miền “.VN” theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, các website chính thống của các cơ quan, tổ chức thường có đầy đủ các chuyên mục tương ứng với chức năng nhiệm vụ, có giới thiệu về cơ cấu tổ chức, thông tin liên hệ, chứng thực rõ ràng.

Liên quan đến vi phạm trong sử dụng tên miền Internet thời gian qua, trong trao đổi trong chương trình tọa đàm công tác quản lý tên miền Internet hội trung tuần tháng 8/2018 tại TP.HCM, đại diện VNNIC cho hay, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên Internet, vấn đề nổi bật khó xử lý là vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng liên quan tới sử dụng tên miền quốc tế. Số liệu thống kê của VNNIC cho thấy, tính đến giữa tháng 8/2018, tổng số Nhà đăng ký tên miền quốc tế được công bố trên trang thongbaotenmien.vn là 50, tổng số tên miền quốc tế được chủ thể thông báo là 171.945 tên miền; và tổng số tên miền quốc tế được báo cáo bởi nhà đăng ký 203.172 tên miền.

Cũng theo đại diện VNNIC, thực tiễn phối hợp với Thanh tra TT&TT cho thấy phần lớn vi phạm trong cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng là xuất phát từ sử dụng tên miền quốc tế. Tính từ tháng 1/2017 tới hết giữa tháng 8/2018, đã có 200 tên miền quốc tế vi phạm quy định đăng ký sử dụng. Trong đó, 39 tên miền đã bị yêu cầu tạm ngừng cung cấp dịch vụ. Các vi phạm chủ yếu là không có giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng vi phạm về thiết lập trang tin điện tử; có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài chính; đăng tải nội dung vi phạm, tổng hợp tin bài không đúng với quy định của Luật Báo chí; giả mạo thông tin, sao chép thông tin bất hợp pháp, vi phạm về bản quyền hoặc đăng tải thông tin có nội dung không đúng sự thật, gây mất an toàn, an ninh thông tin, đăng tải link phim đồi trụy…