UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua Tỉnh Bình Định, chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định khẳng định, Chương trình xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng thực sự, trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho rằng, qua theo dõi, vẫn còn những mặt tồn tại, cần phải có biện pháp khắc phục.
Một số cấp ủy, chính quyền vào cuộc chưa quyết liệt, chưa tạo được khí thế, động lực thực sự để người dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay các địa phương còn thiên về đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ bản.
Nhưng cốt lõi nhất trong xây dựng nông thôn mới là phải tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, đời sống văn hóa, tình làng nghĩa xóm, môi trường, xây dựng củng cố tổ chức… thì lại "bỏ ngỏ".
Nhiều địa phương làm rất tốt công tác tuyên truyền, nhân dân sẵn sàng hiến đất, thậm chí huy động cả nhân công. Song thực tế, có địa phương đụng đâu thì dân kiện đó. Việc này chứng tỏ, câu chuyện tuyên truyền vận động của nơi này không tốt, chưa tạo đồng thuận cao từ người dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn nhìn nhận, việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới ở một số địa phương, còn có biểu hiện "bệnh thành tích". Khi đoàn thanh kiểm tra về thì cố làm cho được, làm cho xong, đến khi công nhận nông thôn mới rồi thì buông.
"Điển hình nhất là môi trường, nông thôn mới mà rác nhiều thì làm sao chấp nhận được. Trước khi đoàn kiểm tra về thì sạch, cờ rợp trời nhưng xong rồi thì một số xã không duy trì. Đây là trách nhiệm các xã, cần ra quy chế nông thôn mới để thực hiện", ông Thanh nói.
Để thực hiện các chương trình trên đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.
Các địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với từng lộ trình, tiến trình để triển khai, kèm theo việc cân đối, bố trí nguồn lực. Nếu không có kế hoạch cụ thể thì không thể làm được.
Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân thấy được mục đích, ý nghĩa và giá trị đem lại của công cuộc xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.