- Thông tin về chương trình du lịch giáo dục giới tính dành cho sinh viên của một công ty du lịch ở TP.HCM đang được mổ xẻ, không phải ở hành trình, cách tổ chức,v.v...mà ở cách gọi tên: chuyến du lịch dạy giáo dục giới tính hay chuyến du lịch dạy làm "chuyện ấy"?




Chương trình này được giới thiệu với cái tên "Sex Training Tour 2011".

Theo giới thiệu, ở chương trình này, những học sinh, sinh viên Đà Nẵng sẽ được các chuyên gia y tế cộng đồng giới thiệu, tư vấn về giới tính thông qua các hoạt động vận động, trò chơi, đặc biệt là trực quan sinh động về văn hoá, giới tính và bộ phận sinh dục con người thông qua văn hoá phồn thực thần thánh Chămpa tại bảo tàng Chăm.

Ngoài ra, còn đi tham quan một số nơi, tham gia các hoạt động ngoài trời, các trò chơi tập thể về giáo dục giới tính được lồng ghép tư vấn biện pháp đảm bảo an toàn tình dục lành mạnh.

Chương trình miễn phí dành cho 80 người, từ giữa tháng 3.

Lập tức, có người thắc mắc: “Sex training” hàm ý huấn luyện kỹ năng "chuyện ấy", còn "giáo dục giới tính" phải gọi là “sex education”.

Trên blog NVP, nhà báo Nguyễn Vạn Phú ở TP.HCM dẫn giải, ở Mỹ cũng tranh cãi về hai khái niệm “training” và “education”.

Câu nói thường được đem ra để minh họa cho sự khác nhau giữa hai khái niệm này là câu: “Do you want your 14 year old daughter to attend a sex EDUCATION class, or a sex TRAINING class?” (tạm dịch: Bạn muốn con gái 14 tuổi của mình dự lớp học giáo dục giới tính hay kỹ năng làm chuyện ấy")

Tức là, cho dù có nghĩ “training” với “education” giống nhau đi nữa thì người ta cũng không thể bỏ qua yếu tố khác nhau giữa chúng khi dùng trong ngữ cảnh “sex training” và “sex education” - NVP giải thích thêm.

GS y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên Cứu Garvan, ĐH New South Wales, Sydney – Úc)  phân tích thêm: Tuy hai chữ education và training có cùng một phạm trù về nghĩa, nhưng education là hàm ý nói đến lí thuyết, khái niệm, khoa học; còn training là chủ yếu đề cập đến thực hành, kĩ năng, dạy nghề. (Bộ Giáo dục và Đào tạo là Ministry of Education and Training).

Còn danh từ sex có nhiều nghĩa, nghĩa đơn giản nhất là giới tính; nghĩa phức tạp hơn là giao phối.

Ở Việt Nam, nói sex thì chắc nhiều người đã hiểu và sex có khi trở thành một từ trong từ vựng tiếng Việt (?), còn tour là chuyến đi du lịch, đi chơi. Bởi vậy sẽ không tránh khỏi có cách hiểu "sex training tour" là "chuyến du lịch về tập luyện giao cấu".

Ông bổ sung: "Sex tour hay sex tourism là một loại hình du lịch hàm ý tiêu cực. Nói đến du lịch sex người ta nghĩ ngay đến du lịch kèm theo các hành vi mua bán dâm với đĩ điếm ở nước sở tại". Trong khi đó, giáo dục giới tính là một thuật ngữ chung để nói đến những chương trình giáo dục về sinh lí, tái sản sinh, sức khỏe giới...

"Các chuyên gia thường khuyến khích nên viết tiếng Anh đơn giản. Tôi nghĩ tiếng Việt cũng thế: chọn chữ nào càng đơn giản và dễ hiểu càng tốt. Tránh những cái tựa đề hay câu chữ lâu lâu chen vào mấy chữ Anh như teen, top hit, album, hay vô duyên hơn là sex training" - GS Nguyễn Văn Tuấn khuyến nghị.

  • Vân Phong