Nếu các nhà thầu Hàn Quốc, Nhật Bản thi công vành đai 3 Hà Nội được nhận thưởng gần 90 tỷ đồng thì sẽ là trường hợp cá biệt. Nhiều chuyên gia khuyến nghị phải làm rõ hiệu quả tiết kiệm và quy chế khen thưởng từ nguồn ODA.

Bộ Giao thông muốn thưởng, Bộ Tài chính sợ phạm luật

Sự lên tiếng của Bộ Tài chính về khoản thưởng "khủng" gần 90 tỷ đồng cho các nhà thầu thi công vượt tiến độ theo đề xuất của Bộ GTVT đã gây tranh cãi khá lớn.

TS Vũ Đình Ánh chia sẻ: "Trước đây, cũng đã từng có vụ tranh cãi lớn về nguồn tiền thưởng. Có trường hợp được nhận Bằng khen từ Trung ương nhưng quyết định lại yêu cầu nguồn chi thưởng là từ ngân sách địa phương. Sau đó, địa phương này đã "khiếu nại" nếu là quyết định thưởng của Trung ương thì ngân sách Trung ương phải trả chứ không thể bắt ngân sách địa phương trả thưởng được".

Ông phân tích: "Vấn đề đặt ra ở đây là nguồn khen thưởng cho nhà thầu lại lấy từ tiền ngân sách, từ vốn ODA thì phải xem, việc này có phù hợp với các khoản cân đối thu - chi ngân sách và vốn đầu tư công hay không? Hiện nay, chúng ta đã có Luật Thi đua khen thưởng. Nếu các quyết định khen thưởng có kèm theo giá trị bằng tiền thì cũng có quy định nêu rõ bao nhiêu và nguồn lấy từ đâu".

{keywords}
Đường trên cao có ý nghĩa lớn với giao thông Thủ đô

Hồi tháng 1, Bộ GTVT đã đề xuất một khoản tiền thưởng tới gần 90 tỷ đồng dành cho hai nhà thầu ở dự án giai đoạn 2, đường Vành đai 3, Hà Nội.

Trong đó, Liên danh Samwhan (Hàn Quốc) -Cienco 1 được thưởng hơn 38,85 tỷ đồng do vượt tiến độ đoạn đường Mai Dịch- Trung Hoà 263 ngày. Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Suimitomo Mitsui (Nhật Bản) được thưởng trên 51,1 tỷ đồng, do vượt tiến độ 454 ngày đoạn Trung Hoà- Thanh Xuân.

Tổng số thưởng trên đã giảm 50% so với đề xuất ban đầu của chủ đầu tư- Ban quản lý dự án PMU Thăng Long. Nguồn thưởng cũng là từ vốn vay ODA của dự án.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng, vấn đề này chưa được quy định rõ ở Luật Quản lý nợ và Luật Ngân sách. Dù vậy, Bộ cũng vẫn đề nghị Thủ tướng có thể coi đây là trường hợp cá biệt để đồng ý chi thưởng từ nguồn vay ODA của dự án.

Trước đó, Bộ GTVT cho rằng, bản chất không phải là đề xuất thưởng mà chỉ là thực hiện đúng cam kết hợp đồng đã ghi. Theo đó, nhà thầu sẽ được thưởng tới 1,12% giá trị hợp đồng cho mỗi 28 ngày rút ngắn. Để vượt tiến độ, nhà thầu đã phải bỏ thêm chi phí thi công nên bản chất đây là việc bổ sung chi phí xây lắp.

Về điều này, ông Ánh bình luận, rõ ràng, nếu luật chưa quy định rõ ràng thì việc thưởng có thể là phạm luật. Hợp đồng ký với nhà thầu có điều khoản thưởng như vậy cũng sẽ là hợp đồng vi phạm luật. Bộ Tài chính lúng túng, lại đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng. Nếu vẫn muốn thưởng mà không phạm luật thì chỉ có cách là sửa luật.

Cho đến nay, căn cứ pháp lý "rõ" nhất được Bộ GTVT đưa ra là Nghị định 12/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Nghị định này có quy định rõ: "Khuyến khích việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên cơ sở bảo đảm chất lượng công trình.Trường hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án thì nhà thầu xây dựng được xét thưởng theo hợp đồng".

Song, Thông tư số 03/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn sau đó lại không nhắc gì đến quy định này.

Các luật khác như Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Thi đua khen thưởng... chỉ quy định về các trường hợp phải đảm bảo đúng tiến độ và xử phạt, kỷ luật chậm tiến độ, chứ không đề cập đến trường hợp hoàn thành sớm tiến độ công trình.

Cần có quy chế khen thưởng từ nguồn ODA

"Ở góc độ kinh tế, giả định vượt tiến độ dự án công trình làm tiết kiệm ngân sách rõ ràng 100 tỷ thì chủ đầu tư có thể có quyền trích vài chục tỷ thưởng là bình thường. Như vậy mới tạo động lực, khuyến khích tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, phải quy ra là vượt tiến độ như vậy là bao nhiêu tiền, vấn đề chất lượng ra sao thì mới tính chuyện thưởng", TS Ánh nói thêm.

Về thông tin này, PMU Thăng Long đã tính toán, việc vượt tiến độ của các nhà thầu đã mang lại tổng giá trị lợi ích lên khoảng 1.499 tỷ đồng. Trong đó, 1.441 tỷ đồng là lợi ích kinh tế xã hội, ngoài ra, dự án tiết kiệm được 9,6 tỷ đồng chi phí điều chỉnh giá và 48 tỷ đồng chi phí dịch vụ tư vấn. Nếu tính theo tỷ lệ 12% tổng giá trị tiết kiệm được thì giá trị tiền thưởng tối đa cho nhà thầu là 179,919 tỷ đồng.

{keywords}
Nhanh đòi thưởng, chậm ai phạt.

TS Lê Đăng Doanh đánh giá: "Khoản tiết kiệm được mà chủ đầu tư tính thì cần phải có một hội đồng thẩm định độc lập xác định lại chính xác. Nếu các nhà thầu giúp chúng ta tiết kiệm được, giảm số tiền mà đáng lẽ chúng ta phải trả cho họ thì có thể thưởng cho họ từ nguồn tiết kiệm được. Việc này sẽ tạo ra tiền lệ, ai làm tốt thì được thưởng, ai làm không tốt thì bị phạt".

"Chúng ta cần có có một quy chế rõ ràng về thưởng phạt với các công trình sử dụng vốn ODA này. Bởi vốn ODA là vốn đi vay, không phải cho không. Nếu vốn vay lại đem dùng để đi thưởng là điều cần suy nghĩ", TS Doanh cho biết.

Một chuyên gia ngành tài chính cho biết, cái khó nhất là tính ra hiệu quả dự án khi vượt tiến độ. Như công trình thuỷ điện Sơn La, về đích sớm 3 năm, người ta tính ra làm lợi 45.000 tỷ đồng, cũng sẽ là trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ. Ở dự án đường giao thông này, việc tính toán lợi ích xã hội ra sao là không dễ. Ở đây mới thấy chủ đầu tư tự công bố con số, khó nhất là việc chứng minh số tiền tiết kiệm đó bằng cách nào.

Trên thực tế, việc chi thưởng dự án này có thể là vụ thưởng khủng đầu tiên trong mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài ở dự án đầu tư công.

Trong khi đó, chuyện các nhà thầu ngoại, đặc biệt như nhà thầu Trung Quốc thi công chậm tiến độ dự án các công trình lớn nhưng chưa bao giờ thấy phía chủ đầu tư Việt Nam phạt tiền cỡ hàng trăm tỷ cho nhà thầu. Đối với các dự án nhỏ, việc phạt chậm tiến độ khá phổ biến nhưng chỉ với mức vài chục đến cao nhất là vài trăm triệu đồng.

Ngược lại, hồi tháng 1/2013, chính Bộ GTVT đã bị nhà thầu Tokyu, Nhật Bản "phạt" gần 156 tỷ đồng vì chậm giải phóng mặt bằng, làm dự án chậm 27 tháng. Ngay sau đó, đại diện Bộ này và cả nhà thầu lên tiếng rằng, đây chỉ là khoản điều chỉnh chi phí phát sinh cho nhà thầu do kéo dài thời gian thực hiện.

Dù gọi tên là "tiền phạt" hay tiền phát sinh thì ngân sách Nhà nước cũng đã phải chịu oan ở vụ việc này mà lỗi cũng là do ba chữ "chậm tiến độ".

Phạm Huyền