Những lời ca oai hùng và bi tráng của “Tiến quân ca” đã được ca sĩ Mỹ Linh trình diễn với phong cách hoàn toàn mới, nghe lạ tai, với những điệu rung ngân trầm bổng, đã gây nên nhiều tranh luận trái chiều. Có người cho là sự sáng tạo, nhưng cũng nhiều ý kiến gọi đó là cách hát “phá nát” tác phẩm bi hùng, “quốc hồn” của dân tộc và mất đi thần thái, ý nghĩa vốn có của Quốc ca.

{keywords}
Ca sĩ Mỹ Linh hát Quốc ca trước bài phát biểu của TT Obama tại HN trưa 24/5.

Hát Quốc ca xin đừng “trưng, trổ”

Trưa 24.5, ca sĩ Mỹ Linh đã có vinh dự trình bày Quốc ca Việt Nam không có nhạc nền, dàn nhạc trước khi Tổng thống Hoa Kỳ B.Obama có bài phát biểu trước giới trẻ, doanh nhân và các đại biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội)... Trong trang phục áo dài truyền thống, Mỹ Linh một mình trên sân khấu tự tin hát “Tiến quân ca” theo phong cách opera. Mỹ Linh khi trình bày xong đã rất xúc động và chia sẻ niềm tự hào. Trong giây phút thiêng liêng đó, cô nhớ tới người cha thân yêu đã mất của mình, những thế hệ cha ông đã đổ xương máu để giành lại sự tự do, hòa bình cho dân tộc.

Tuy nhiên, những clip về phần trình diễn của Mỹ Linh sau khi được đăng tải lên các trang mạng đã tạo nên luồng tranh cãi trái chiều. Nhiều khán giả và nhạc sĩ cho rằng Mỹ Linh hát theo phong cách opera đã làm mất đi sự bi hùng của Quốc ca.

“Quốc ca ở mọi nước đều là quốc hồn của dân tộc, đó không còn là một sản phẩm nghệ thuật thuần túy nữa. Trên thế giới có rất nhiều bài quốc ca mềm mại như của Mỹ chẳng hạn, nhưng cũng có nhiều bài Quốc ca hùng tráng, thường xuất phát từ những cuộc đấu tranh cách mạng như của Pháp, Liên Xô, Việt Nam… Nhưng người ta chỉ làm mềm những ca khúc vốn mềm sẵn, chứ chưa bao giờ tôi thấy họ làm mới Quốc ca và biến nó từ hùng tráng thành mềm mại cả. Mỹ Linh hát như thế là không chấp nhận được, chẳng khác nào một thảm họa âm nhạc, mà còn là “thảm họa quốc thể” nữa. Nghệ thuật có thể thay đổi, làm mới, biến đổi, tìm tòi, nhưng phá cách với Quốc ca là không được, như thế là xúc phạm truyền thống của dân tộc, trái với tâm hồn dân tộc” - nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Lưu bức xúc trước việc làm mới Quốc ca của Mỹ Linh.

Nhạc sĩ Cát Vận cũng khẳng định việc sáng tạo của Mỹ Linh là không nên: “Người ta có thể phá cách, tìm các cách biểu diễn khác nhau, nhưng không thể phá cách với Quốc ca. Đừng lấy cớ hát theo phong cách opera hay acappella gì đó để khoe, hay trưng trổ giọng hát. Vì Quốc ca không phải là tác phẩm nghệ thuật thuần tuý nữa, mà nó đã đổi lại bằng xương, bằng máu của hàng vạn người”. Khi còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã luyến tiếc vì phải sửa một số chữ trong tác phẩm của mình, vì nó làm mất khí thế hùng tráng của ca khúc. Nhiều khán giả cho rằng, việc sửa chữ đã khiến Văn Cao đau lòng như vậy, nói chi là làm mới cả giai điệu và tiết tấu.

Cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi

Từ trước tới nay có nhiều ca sĩ từng là tâm điểm khen - chê về những thử nghiệm của mình với nhạc cách mạng, như việc Đức Tuấn đã phá cách, hy sinh chất “hùng” để đẩy mạnh cảm xúc về tình yêu đất nước, những câu hát hùng tráng được thay bằng lối trình diễn nhẹ nhàng, hay Tùng Dương, Thanh Lam hát nhạc cách mạng theo phong cách mềm mại.

Theo nhạc sĩ Thanh Phương (Giám đốc âm nhạc của Giai điệu tự hào - một chương trình làm mới nhạc cách mạng thường xuyên gây tranh cãi bởi sự phá cách của những người trẻ) thì “cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi”. Anh cho rằng việc Mỹ Linh sáng tạo hát theo phong cách opera là rất hay và phù hợp nhất trong điều kiện phải hát Quốc ca không có nhạc nền và hợp xướng.

“Tôi nghĩ do khán giả chưa quen nên nghe lạ tai và nói làm mất ý nghĩa. Chứ Quốc ca dù sao cũng là ca khúc, một bài hát và có thể thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Tôi đã từng nghe Quốc ca theo kiểu nhạc rock, bản thân tôi cũng từng làm mới bài Quốc ca bằng cách cho trẻ em hát, đúng là không có được sự hào hùng thường thấy, nhưng với sự tươi mới vẫn khiến khán giả xúc động và cổ vũ” - nhạc sĩ Thanh Phương bày tỏ quan điểm.

Theo Lao Động