2019 chứng kiến sự bùng nổ nhiệt tình của việc công nghệ hiện diện trong mọi góc cạnh của cuộc sống, từ những thiết bị trong nhà dần trở nên thông minh mọi chỗ cho tới cả các ngành nghề được update mới mẻ hơn. Trong đó, công việc của một “influencer” cũng dần xuất hiện, được công nhận như một thuật ngữ chỉ những người nổi tiếng trên mạng xã hội, sống và làm việc kiếm tiền từ danh tiếng của mình trên đó.
Tạm thời không tính đến những celeb đình đám chuyển nghề, hãy chỉ nói tới những gương mặt trẻ vô danh dần nổi lên thông qua cầu nối duy nhất mang tên mạng xã hội này, hầu như chưa chứng tỏ được chuyên môn hoặc ngành nghề chính nào khác trong cuộc sống. “Liệu đó có thật sự là một công việc nếu như mọi thứ bạn làm thì là chụp ảnh và đăng lên tài khoản Facebook, Instagram... của mình?” - đó là một câu hỏi hiện diện trong đầu rất nhiều người, phần nào tạo nên tranh cãi về giá trị và chỗ đứng của những influencer ngày nay.
Để hóa giải thắc mắc đó, hãy cùng lắng nghe câu chuyện của những influencer tự thân thông qua lời chia sẻ của trang tin UNILAD, để thấy được từng góc khuất hoặc quan điểm riêng của họ về công việc của mình.
1. Sherrie Webster (24 tuổi, sống tại London) là gương mặt đầu tiên xuất hiện, được nhiều người biết đến vì những tấm ảnh chuyên về cách chăm chút thời trang, sắc đẹp hàng ngày của mình. Hiện tại, cô đang có hơn 55.000 follow trên Instagram - tuy chưa thực sự khủng nhưng cũng là thành tích đáng nể với một người trẻ tự gây dựng từ con số không.
Webster cho biết mình đã đầu tư thời gian cho Instagram của mình từ năm cuối đại học, sau một thời gian kiên trì đã có thể thu được kha khá thành công cũng như sự ổn định mà nó đem lại. Sau cùng, cô quyết định sẽ coi đó như một công việc toàn thời gian của mình, dành trọn công sức của mình kể từ khi ra trường tới nay. Bấy nhiêu cố gắng đó đã giúp cô gây dựng từ vài trăm người bạn quen biết follow cho tới hàng chục nghìn người theo dõi hiện tại.
“Tôi phải đăng ảnh liên tục hàng ngày, đôi khi nhiều gấp đôi số lượng thông thường, đảm bảo rằng mình hiện diện thường xuyên trong tâm trí mọi người, cũng như những nội dung và hình ảnh đó được nhiều người tương tác. Việc này tiêu tốn của tôi rất nhiều tiền và số đó vẫn đang không ngừng tăng lên để mua quần áo mới, phối đồ đẹp cho chuẩn rồi mới chụp đăng ảnh. Các tên tuổi và tài khoản thương hiệu cũng được tính toán để tag sao cho hợp lý, đủ tinh tế để thu hút cả người xem lẫn việc may mắn được các thương hiệu đó liên hệ trở lại.
Đây không hẳn là một tài khoản Instagram sống ảo cá nhân nữa rồi, mà đó là một hình ảnh đại diện cho tôi cũng như công việc của mình. Lượng tương tác và follow là hiệu suất làm việc, dần dần chúng phải được tổng hợp và thống kê thành một bản thông tin, sau đó gửi tới các thương hiệu ưa thích để gây ấn tượng.”
2. Bec Watkinson, influencer 70.000 follow từ Manchester (Anh) cũng ủng hộ quan điểm trên của Sherrie, đồng thời làm rõ thêm nhiều công việc không tên khác đi liền với nghề nghiệp đang gây tranh cãi này.
“Làm influencer đồng nghĩa với việc bạn đang tự điều hành một ‘doanh nghiệp bản thân’. Hàng đống thời gian sẽ bị tiêu tốn một cách chóng vánh chỉ để làm đẹp cho bộ mặt đại diện trên mạng xã hội. Dù không có giờ làm việc chính thức nhưng điều này thậm chí còn gây căng thẳng hơn những công việc 9h sáng đến 5h chiều thông thường hàng ngày, bởi nhiều khi có những thứ kéo dài không kể ngày đêm.
Dốc sức tìm kiếm các hợp đồng hợp tác khi đã đủ danh tiếng, tiếp tục duy trì độ nổi tiếng để làm hài lòng nhiều người thông qua việc chụp ảnh thật đẹp để thuyết phục họ làm việc với mình, trích dẫn mọi số liệu về việc mình giỏi ‘kiếm Like’ thế nào, hiệu quả phát sinh từ đó ra sao… Bấy nhiêu những thứ phức tạp đó chỉ là một phần quá trình phải làm khi muốn hợp tác với ai đó, và chúng sẽ lặp lại liên tục với những đối tác tiếp theo, hoặc đôi khi là cùng lúc nếu như tôi chịu đựng được. Khi ấy, cứ như thể tôi đang làm mọi vị trí của một công ty vậy, từ quản lý thời gian, công việc cho tới chào hàng, sản xuất nội dung…, đi liền với rất nhiều áp lực đó.”
Bec cũng thừa nhận mình chưa đạt đến trình độ đăng một tấm ảnh là đủ trả tiền ăn chơi cả tháng, cũng như rất nhiều người khác đều như vậy. Thay vào đó, những bức ảnh của họ dù có mặc đồ hiệu đắt tiền tới đâu, góc ảnh mê ly ảo diệu đến nhường nào thì cũng do họ tự bỏ tiền đầu tư chụp, sau đó trở thành một phần nội dung “chào hàng” cho các đối tác muốn tìm tới sau này. Sau cùng, họ sẽ phải tự cạnh tranh với nhiều influencer khác để thu hút thương hiệu, từ đó mới có thể hy vọng kiếm được tiền, với các chiến dịch PR và truyền thông là lĩnh vực thường dễ liên quan nhất.
Những shot hình của Bec được đầu tư khá kỹ lưỡng về màu chủ đề, concept sao cho hài hòa tổng thể lẫn nhau.
Áp lực không tên đè nặng dài ngày
Instagram có những đặc điểm nhỏ và đủ tinh tế để khuyến khích người dùng tương tác nhiều hơn, trong đó có tính năng thông báo khi một người bạn lâu lâu chưa post ảnh nào nhưng mới đây bỗng hoạt động trở lại. Đối với một người dùng thông thường, đó chẳng là chuyện to tát gì nhưng đối với một influencer, đó thật sự là một cơn ác mộng, không ai muốn lọt vào thông báo đó lần nào cả.
Càng xuất hiện ít trên News Feed của người khác, tính chất ưu tiên của họ trong tâm trí cộng đồng càng giảm đi. Họ càng phải “nổi” càng cao càng tốt, khiến cho thời gian nghỉ ngơi kéo dài quá 1 ngày gần như là bất khả thi nếu còn đang quay mòng mòng giữa nhiều đầu việc và chưa kịp lên lịch up ảnh cho từng ngày. Đó là chưa kể tới việc lập kế hoạch chọn đồ, địa điểm và chụp ảnh, chỉnh sửa kết quả cuối (nếu như lĩnh vực được chọn là thời trang, mỹ phẩm…).
“Influencer làm việc thế nào ư? Điều đó không thực sự cần định nghĩa cặn kẽ, điều bạn cần biết là chúng tôi phải luôn luôn nỗ lực xuất hiện mọi lúc mọi nơi nếu muốn thành công hơn. Từ giây phút ngủ dậy cho tới lúc đi ngủ đêm tiếp theo, lúc nào cũng phải nghĩ xem sẽ đăng gì lên mạng, làm gì với cái điện thoại…
Influencer cũng chưa chắc đã có ngay thu nhập mơ ước dễ dàng trong tay.
Những ngày cuối tuần sẽ tràn ngập lịch chụp, quay, tìm kiếm event mới và sắp xếp công việc cho tuần sau. Đôi khi vài dịp ngày nghỉ lễ, tôi cũng chỉ biết quẹt lên quẹt xuống màn hình điện thoại để tìm concept, quần áo mới cho những ngày tiếp theo. Người khác có thể coi đó là vài hành động tiêu khiển, nhưng với tôi, đó thực sự là công việc, phải làm vậy mới phục vụ được mục đích cuối cùng của mình. Chính những ngày nghỉ đó lại là một dịp mới để chúng tôi tiếp tục bỏ sức ra nhiều hơn mà nghĩ ra các kế hoạch độc đáo khác ngày thường, chứ không có chuyện đi làm 8 tiếng rồi nghỉ cuối tuần như mọi người,” trích lời Sherrie.
Nhìn chung, có thể thấy công việc của các influencer khá giống với một nhà sáng tạo nội dung ngày nay trên Internet, chỉ khác đôi chút về cách thực hiện. Thay vì viết blog chữ nghĩa như truyền thống ngày trước hay làm video về một chủ đề trên kênh YouTube, họ thể hiện chủ yếu qua những hình ảnh về bản thân hàng ngày. Có lẽ chính việc chụp ảnh đăng post với vài dòng caption ngắn ngủi dễ bị coi là nhẹ hơn những hình thức như video chỉn chu, khiến nhiều người thực sự bị chú tâm và xoáy sâu vào khía cạnh đó, quên đi những góc khuất đằng sau công việc của họ.