Trước đây, từng có thời điểm giá dịch vụ ăn uống ở sân bay bị khách hàng than phiền, bức xúc vì quá cao. Sau đó, Bộ GTVT ban hành thông tư để quản lý giá cả tại các sân bay, cảng hàng không. Thông tư này quy định mức giá, khung giá một số chuyên ngành tại sân bay, trong đó có dịch vụ cung cấp đồ ăn, đồ uống.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đề xuất sửa quy định này theo hướng không kiểm soát giá trần với những mặt hàng này.

Đề xuất bỏ quản lý giá phở, mì, nước… tại sân bay

Trong dự thảo đề xuất sửa đổi Luật Hàng không dân dụng, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc Nhà nước quy định khung giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay như hiện nay không còn phù hợp.

“Theo quy định hiện hành, dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay bao gồm một số đồ ăn và đồ uống. Thế nhưng trên thực tế, các sân bay hiện đều lắp đặt máy cung cấp nước miễn phí cho hành khách. Bên cạnh đó, tại các nhà ga nội địa, khách có thể mang theo nước uống, sữa vào khu vực cách ly” - Cục Hàng không Việt Nam lý giải.

Cơ quan này cũng cho rằng thời gian khách làm thủ tục và chờ lên máy bay đi nội địa thường không dài, bình quân khoảng 2-3 giờ. Với thời gian lưu lại sân bay như vậy, khách có nhiều lựa chọn như ăn uống trước khi đến sân bay; mang theo đồ ăn và sử dụng tại khu vực ngoài khu cách ly; sử dụng dịch vụ ăn uống trên máy bay…

Chính vì vậy, Cục Hàng không đề xuất giao các doanh nghiệp tự quyết định mức giá dịch vụ và niêm yết giá theo quy định (ngoài các dịch vụ Nhà nước định giá trần được liệt kê trong luật). Điều này cũng đồng nghĩa những mặt hàng như chai nước, tô phở, bát cháo… bán tại sân bay được thả nổi về giá do nhà kinh doanh tự quyết định thay vì được Nhà nước định giá trần như hiện nay. Khi đó, một tô phở bò có thể bán với giá 20.000 hoặc 60.000 đồng tùy chất lượng sản phẩm, tùy nhà kinh doanh...

{keywords}
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh doanh thức uống, đồ ăn tại sân bay Tân Sơn Nhất khá ế ẩm. Ảnh: Hoàng Giang

Sức mạnh của khách hàng quyết định

Theo quan sát của PV, trong gần hai năm qua do dịch COVID-19 nên lượng khách đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh, chỉ trừ một số ngày cao điểm như dịp lễ 30-4 và 1-5. Vì vậy, các dịch vụ ăn uống tại sân bay không còn sôi động như trước đây. Tại sân bay đông đúc nhất cả nước là Tân Sơn Nhất, các dịch vụ ở nhà ga quốc tế đóng cửa hoàn toàn. Ở ga quốc nội, một số dịch vụ ăn uống trong và ngoài khu vực cách ly vẫn còn duy trì nhưng khách ít.

Hầu hết đơn vị kinh doanh tại đây đều niêm yết giá đầy đủ, ví dụ nước suối có giá bán thấp nhất 18.000 đồng/chai, các loại thức uống khác giá trên 30.000 đồng. Cá biệt, có đơn vị ngay cửa ga đến sân bay Tân Sơn Nhất để lẫn nước suối với các loại nước ngọt niêm yết đồng giá 33.000 đồng/chai. Ngoài ra, một số sân bay hiện có nhiều kiốt bán thức uống tự động với giá cả khá mềm để khách lựa chọn.

Vậy Nhà nước có cần quản lý giá hộp sữa, tô phở hay ổ bánh mì nữa hay không? Bà Đoàn Mai Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, đơn vị cung cấp các dịch vụ trong sân bay gồm cửa hàng miễn thuế, nhà hàng cà phê, phòng chờ hạng thương gia…), cho hay: Hiện các đơn vị cung cấp dịch ăn uống tại sân bay khá nhiều, với các dịch vụ rất phong phú, phù hợp với chi tiêu của khách đi lại bằng đường hàng không.

Ngoài ra, khu vực lân cận sân bay cũng có nhiều dịch vụ để khách lựa chọn thay vì vào sân bay ăn uống. Chưa kể các sân bay đã trang bị quầy nước miễn phí để khách không tốn tiền mua. Đó là chưa kể hàng loạt mặt hàng tại sân bay cũng có mặt bằng giá bán lẻ tương đương các trung tâm thương mại ở bên ngoài.

Từ thực tế trên, lãnh đạo SASCO cho rằng việc niêm yết giá dịch vụ thiết yếu tại sân bay không còn phù hợp nữa. “Sức mạnh của người mua là tiên quyết chứ không nhất nhất lấy các chi phí đầu vào chi ly để áp lên sản phẩm. Hơn nữa, thời gian khách làm thủ tục lưu lại sân bay ngắn, 2-3 tiếng nên nhu cầu tiêu dùng có hạn, từ đó các đơn vị cung cấp dịch vụ tính toán những món ăn nhanh, tiện dụng có giá 30.000-40.000 đồng, tương đương suất cơm, chứ không thể thổi giá cao hơn được” - bà Hương phân tích.

{keywords}
Khách sử dụng dịch vụ ăn uống tại sân bay chủ yếu là giới trẻ và trung niên. Ảnh: CTV

Nên bỏ để phù hợp kinh tế thị trường

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một sân bay khu vực miền Trung phân tích: Đồ uống và thức ăn nằm trong danh mục thiết yếu bán tại sân bay nhằm phục vụ khách bị trễ chuyến bay hoặc vì các lý do khác ảnh hưởng dẫn đến chậm chuyến bay. Tuy vậy, theo quy định hiện hành, trên đường bay nội địa thì không cấm khách mang sữa, nước… vào khu vực cách ly nên khách vẫn có cái để dùng khi chờ chuyến bay.

Do vậy, theo vị lãnh đạo này, việc bỏ hay duy trì niêm yết khung giá dịch vụ thiết yếu tại sân bay cần khảo sát và tính toán cẩn trọng. Bởi vì các đơn vị cung cấp thức ăn, đồ uống tại sân bay phải qua đấu thầu công khai, chi phí mặt bằng, nhân công…

“Trong đó, riêng khâu đấu thầu do nhà khai thác sân bay tổ chức để lựa chọn đơn vị đủ năng lực, chống độc quyền. Khi trúng thầu, đơn vị kinh doanh và nhà khai thác sân bay phải hiệp thương và niêm yết giá, sau đó gửi bảng niêm yết giá đến cảng vụ hàng không giám sát” - vị này chia sẻ.

ThS Nguyễn Việt Khoa, bộ môn Kinh tế Khoa luật ĐH Kinh tế TP.HCM, nói thẳng rằng “không nên duy trì niêm yết khung giá dịch vụ thiết yếu tại sân bay”. Bởi quan trọng nhất là Nhà nước tạo sự cạnh tranh minh bạch, công bằng thông qua việc cho phép nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại sân bay để hành khách có nhiều lựa chọn. Nói cách khác, khi có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chất lượng cao cạnh tranh với nhau thì giá sẽ “dễ thở” và người tiêu dùng hưởng lợi.

Cũng theo ông Khoa, hiện nay các sân bay đã cung cấp nước miễn phí để ai có nhu cầu thì sử dụng, không cần bỏ tiền ra mua. Ngoài ra, một bộ phận khách khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ thì họ định tính nên dùng thức ăn, đồ uống nào phù hợp với túi tiền của mình.

“Không nên quy định cứng giá các loại dịch vụ tại sân bay như hiện nay vì không phù hợp với kinh tế thị trường. Hãy để các doanh nghiệp tự tính toán các loại chi phí đầu vào, nhân công, giá cả mặt bằng thuê nhà khai thác sân bay… rồi quyết định giá bán bao nhiêu” - ông Khoa nói.

Tuy nhiên, ông Khoa lưu ý Nhà nước nên có công cụ kiểm soát chất lượng sản phẩm và có hành lang pháp lý phù hợp để đo lường khi đơn vị cung cấp dịch vụ thổi giá quá mức và có dấu hiệu độc quyền.

{keywords}
Mặt hàng nước bán tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: PĐ

 

Chai nước, hộp sữa… không được bán quá 20.000 đồng

Khung giá dịch vụ thiết yếu tại sân bay do Bộ GTVT ban hành năm 2019 quy định: Nước lọc đóng chai dưới 500 ml/chai giá tối thiểu là 3.500 đồng, tối đa là 20.000 đồng; sữa hộp các loại dưới 180 ml/hộp giá tối thiểu 4.500 đồng, tối đa là 20.000 đồng. Còn tại nhà ga quốc tế, nước giá tối thiểu 0,35 USD/chai, tối đa 2 USD/chai.

Dịch vụ cung cấp đồ ăn ở ga quốc nội gồm phở ăn liền, mì ăn liền, cháo ăn liền và bánh mì không bổ sung thêm thực phẩm giá tối thiểu là 5.000 đồng/tô/cái, tối đa là 20.000 đồng/tô/cái. Còn tại ga quốc tế, những mặt hàng trên có giá tối thiểu là 0,5 USD và tối đa là 2 USD.

Khung giá này chưa gồm chi phí phục vụ. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cơ bản thiết yếu tự quyết định chi phí phục vụ nhưng không vượt quá 15% so với giá tối đa.

Bà Đoàn Mai Hương, Tổng giám đốc SASCO, cho hay các loại thực phẩm phục vụ ăn uống tại sân bay ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn vệ sinh thực phẩm, còn phải đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn cao và buộc các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hơn một năm rưỡi qua, các đơn vị kinh doanh tại sân bay buôn bán cầm cự do dịch bệnh kéo dài, khách tiêu dùng giảm mạnh khiến nhà kinh doanh gặp không ít khó khăn.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)