Từ châu Phi cho tới vùng Arctic ở Bắc cực, hai quốc gia đông dân nhất thế giới liên tục đụng đầu nhau khi tìm kiếm các nguồn lực và thị trường mới.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Bức ảnh chụp ngày 5/5 vừa qua tại Ladakh, trong đó binh lính Trung Quốc giương tấm biển ghi rằng: "Các bạn đã vượt qua đường biên giới, xin hãy quay trở lại". Ảnh; AP |
Sự ganh đua của họ tràn sang cả ngoại giao toàn cầu và các thể chế quốc tế nơi mà Bắc Kinh và Delhi đều tranh giành các nguồn vốn phát triển và chiếc ghế cho Ấn Độ vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Có thể nhìn thấy rõ điều này trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia như Ghana – nơi rất giàu tài nguyên như vàng, cocoa và gỗ sản xuất, cũng là nhà sản xuất dầu mỏ mới. Chính phủ Ghana đã chuyển sang dinh Tổng thống mới do Ấn Độ cấp vốn hồi tháng Hai. Một tháng sau đó, Trung Quốc chuyển giao cho họ một tòa nhà mới cho Bộ Ngoại giao.
Đụng độ giữa hai quốc gia là điều khó xảy ra. Nhưng những vụ cãi vã nhỏ trên trường quốc tế có thể khiến các cơ quan như Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc hoạt động kém hiệu quả hơn.
“Nếu họ bắt đầu đánh nhau, mối nguy hiểm sẽ lớn hơn và ảnh hưởng của họ cũng tăng. Họ chiếm 1/3 dân số nhân loại; đó không phải là một con số nhỏ. Họ không chỉ là những quốc gia” - nhận định của Ashwin Kaja, một luật sư Mỹ đứng đầu sáng kiến thiết lập học viện Trung - Ấn tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh và Jindal ở Sonipat, Ấn Độ.
Mặc dù hai quốc gia từng chia sẻ tầm nhìn chung của các lãnh đạo vào những năm 1950, tình hữu nghị đó vẫn bị chia cắt bởi cuộc chiến biên giới năm 1962 vẫn bao phủ lên quan hệ giữa hai nước. Cuộc khủng hoảng gần đây bắt đầu từ ngày 15/4 khi mà 50 binh sĩ Trung Quốc đóng trại trên vùng lãnh thổ mà cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền.
Hôm thứ Hai tuần trước, Bắc Kinh và Delhi đều tuyên bố chấm dứt ba tuần đối đầu, đồng ý rút quân trước khi cuộc cãi lộn buộc hai bên phải có các cuộc gặp cấp cao.
Cả hai chính phủ đều tìm cách giữ thể diện trong mối quan hệ chung, đặt lợi ích thương mại và hợp tác ngoại giao làm trọng tâm. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã tới Bắc Kinh hôm thứ Năm tuần trước để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Lí Khắc Cường tới Ấn Độ trong tháng này.
Không bên nào muốn đe dọa tới quan hệ kinh tế đang bùng nổ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ từ năm 2011 khi thương mại hai chiều đạt gần 75 tỉ USD (so với 5 tỉ USD trong năm 2002). Con số này giảm đi chút ít vào năm ngoái vì kinh tế toàn cầu sụt giảm, và nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn.
Nhưng giữa đôi bên còn đầy nghi hoặc. Trung Quốc là đồng minh lâu đời và là nguồn cung vũ khí cho Pakistan, nhưng Pakistan lại là đối thủ gay gắt của Ấn Độ. Pakistan đã xây dựng quan hệ mạnh mẽ với Nepal, Bangladesh và Sri Lanka khiến Ấn Độ sợ rằng mình đang bị ‘bao vây’. Trung Quốc lại sợ Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ.
Trong khi đó, con đập mà Trung Quốc xây phía thượng nguồn sông Brahmaputra khiến Ấn Độ lo ngại rằng một ngày nào đó, Bắc Kinh sẽ giảm hoặc cắt nguồn cung nước. Vụ tranh cãi chủ quyền tại Arunachal Pradesh năm 2009 dẫn tới việc Bắc Kinh cố gắng phong tỏa một phần khoản vay cho Ấn Độ từ Ngân hàng Phát triển dành riêng cho dự án kiểm soát ngập lụt tại đây.
Cuộc ganh đua giữa hai bên còn vượt xa hơn biên giới của họ.
Cả hai đều đang ra sức giành chỗ đứng ở Arctic khi mà các tảng băng tan dần, mở đường cho các con tàu ra vào và tạo tiền đề cho một sự bùng nổ khai thác các tài nguyên và khoáng sản. Cả Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác và Liên minh châu Âu đều nộp đơn làm quan sát viên tại Hội đồng Arctic.
“Trung Quốc và Ấn Độ đều không có cơ sở nào để trở thành quốc gia Arctic, nhưng vì họ cần khoáng sản và tài nguyên ở đó nên có một nỗi sợ hãi là chúng ta sẽ bị rớt lại nếu như không đưa ra tuyên bố ở những vùng đất xa xôi đó” - Sreeram Chaulia – Hiệu trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế Jindal cho biết.
Cả hai quốc gia đều tăng cường hải quân để mở rộng ảnh hưởng, và sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương sẽ còn gia tăng hơn nữa. Cựu đại sứ Mỹ tại châu Phi hiện đang giảng dạy tại Đại học George Washington là David Shinn cho rằng Hải quân Trung Quốc sẽ có thêm nhiều chuyến thăm thường xuyên tới các thành phố cảng dọc Ấn Độ Dương - ở Nam Á, phía nam Trung Đông và bờ biển phía tây châu Phi – trong vòng 10 năm tới và mở rộng tầm với tới các cảng Nam Phi ở Địa Trung Hải.
“Việc Trung Quốc gia tăng hiện diện tại tây Ấn Độ Dương sẽ khiến Ấn Độ lo ngại hơn vì họ vẫn coi đây là khu vực bảo hộ của mình. Họ cho phép Mỹ hiện diện đáng kể tại đây, nhưng chưa bao giờ họ coi Mỹ là kẻ thù” – ông Shinn cho biết.
Ông Shinn nói thêm: Trung Quốc hiện diện tại đây thường trực hơn sẽ ‘buộc Ấn Độ phải có quân đội tốt, đặc biệt là quan hệ với Hải quân với toàn bộ các quốc gia ở tây Ấn Độ Dương và dọc bờ biển phía đông châu Phi’.
Trong những cuộc đối đầu gần đây tại biên giới, cả hai bên phần nhiều chỉ làm bộ với nhau.
“Họ mới chỉ giương mắt lên nhìn nhau. Do đó tôi cho rằng đây chỉ là một phép ẩn dụ cho quan hệ giữa hai bên” – Chaulia nhận định. “Ấn Độ và Trung Quốc không đời nào là đồng chí, hay là huynh đệ với nhau. Tôi không nghĩ là chúng ta có thể ‘tô hồng’ cho mối quan hệ này. Nhưng chắc chắn là họ có thể kiểm soát được các vấn đề”.
Lê Thu (theo AP)