- Liên quan đến việc góp ý Dự thảo đề án “Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Đối tượng được điều chỉnh của đề án là “phương tiện cá nhân tham gia giao thông”, là một khái niệm mới, chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Xe cá nhân: Một khái niệm mới

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, đối tượng được điều chỉnh của đề án là “phương tiện cá nhân tham gia giao thông” là một khái niệm mới, chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Ông Hùng cho rằng, khái niệm trên được quy định trên đề án có thể được hiểu là ôtô con dưới 10 chỗ ngồi, xe máy đăng ký sở hữu cá nhân, không tham gia kinh doanh. Do đó, trong đề án phải làm thật rõ khái niệm này.

Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đặt ra câu hỏi: “Phương tiện các nhân là loại nào? Xe doanh nghiệp tư nhân, xe bệnh viện tư biển trắng có phải là phương tiện cá nhân?...”.

Ông Liên cho rằng, trước mắt, xe máy chưa nên hạn chế mà là hạn chế xe ô tô nhưng theo một số giờ, một số tuyến đường và cần có lộ trình thực hiện cụ thể.


Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Liên đưa ra ví dụ cụ thể, trong đề án, taxi không phải là phương tiện vận tải hành khách công cộng, không phải là xe cá nhân. Vậy taxi thuộc loại xe nào?

Đại diện các doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng, việc đưa taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng và làm rõ khái niệm tách biệt giữa xe cá nhân - xe kinh doanh để không cào bằng và đánh đồng chung mức phí cũng là vấn đề cần làm rõ.

Đại diện hãng taxi Sao Mai kiến nghị, Nhà nước cần xem xét lại và đưa taxi vào diện vận tải hành khách công cộng để có chế độ, ưu đãi, bởi taxi không thua kém gì với xe buýt về vận tải khách.

Các hãng đã đưa ra dẫn chứng, tại một số nước Châu Âu đã đưa taxi vào vận tải công cộng nên giá cước taxi rẻ hơn nhiều, bởi khi mua xe được Nhà nước bù giá tới 40% trong khi nước ta hiện phí lại cào bằng, đặc biệt là phí trước bạ cao.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị taxi Thành Công, việc cấm taxi, xe du lịch đi lại trong một số tuyến phố là không thể chấp nhận được.

“Taxi là phương tiện phục vụ tận nhà người dân, phục vụ 24/24, bây giờ cấm đi vào tuyến phố thì phục vụ người dân thế nào? Có ai đi bộ ra đầu phố để đi xe taxi? Thêm nữa, taxi cấm vào các tuyến phố trong khi đó xe buýt cồng kềnh lại được ưu tiên như thế là bất hợp lý!”, ông Quân nói.

Cần nghiên cứu sâu hơn 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, trước mắt, xe máy chưa nên hạn chế mà là hạn chế xe ô tô nhưng theo một số giờ, một số tuyến đường và cần có lộ trình thực hiện cụ thể.

“Vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường đông người tham gia giao thông dứt khoát phải cấm xe cá nhân cho xe buýt đi. Bởi, nếu không cấm xe lấn hết đường thì xe buýt đi sao được”, ông Liên nói. 

Về lộ trình phương án hạn chế phương tiện cá nhân, ông Liên cho rằng: Không thể cứ vạch lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân làm ngay được. Đến năm 2015 chúng ta nên bắt đầu thực hiện đề án này. 

Tuy nhiên, ông Liên cũng cho rằng, cơ quan Nhà nước cần thành lập các tiểu ban dự án nghiên cứu sâu đề án này đồng thời tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách kết hợp với tiến hành xử phạt vi phạm giao thông quyết liệt để đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Hùng lại cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước khi đưa ra chủ trương chính sách cần thận trọng bởi sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác. Việc ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân, ôtô con không phải là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc.

Do vâỵ nếu vội vàng đưa ra các chính sách hạn chế ôtô con thì sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô và các ngành công nghiệp phù trợ phục vụ cho ngành này, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Ngoài ra, ông Hùng cũng băn khoăn trong việc hạn chế sở hữu phương tiện theo thời gian sinh sống tại các thành phố lớn (hộ khẩu ít nhất 5 năm tại một thành phố mới được đăng ký xe) vừa vi phạm hiến pháp, vừa không khả thi vì phương tiện sở hữu ở các tỉnh, thành phố khác vẫn có quyền tham gia giao thông ở các thành phố lớn. 

Gia Văn