Câu thành ngữ hiện đại khó hai con mắt, không chỉ  ám vào BV Mắt HN, hay ngành y tế. Nó đang "ám" vào cả cơ chế quản lý kinh tế xã hội...

"Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy"

Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra

Dân gian xưa có câu thành ngữ: Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, để nói cái giàu hay cái khó đều do đôi mắt (tầm nhìn), và bàn tay (sức lực) con người quyết định. Đó là cái thuận của đạo lý sống.

Thế nhưng, thời hiện đại, e rằng câu thành ngữ trên đang được đổi thành Khó hai con mắt, giàu hai bàn tay. Bởi cái... nghịch của đạo lý sống, cũng đang khiến dư luận xã hội phải ồn ào, thậm chí chấn động.

Sơ suất hay đánh tráo?

Ngọn nguồn của sự chấn động, ở đây là Bệnh viện Mắt Hà Nội, xoay quanh vụ việc lá đơn của bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, tố cáo 07 vấn đề chị cho là sai phạm.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, từ năm 2011, BV Mắt HN đã mổ cho khoảng 3.000 ca (giá mỗi ca mổ khoảng 6,5 triệu đồng). Với số tiền này, lẽ ra người bệnh phải được dùng toàn bộ chất liệu của Mỹ. Nhưng trên thực tế, Giám đốc BV Vũ Thị Thanh đã cho đấu thầu các chất liệu rẻ tiền, từ dịch nhầy, đến thể thủy tinh nhân tạo để tráo đổi lúc phẫu thuật.

Có khoảng 800 ca mổ "được" đánh tráo kiểu này. Mỗi ống dịch nhầy của Ấn Độ- 245.000 đồng /hộp (lẽ ra là của Mỹ- 600.000 đồng/ hộp), dùng cho một người bệnh, lại được chia ra, dùng cho 4-5 người bệnh (có khoảng 3000 ca) bị tráo dịch nhầy. Chưa kể, trước khi mổ, bệnh nhân không được xét nghiệm HIV, viêm gan B, nguy cơ lây nhiễm rất cao. (VietNamNet, ngày 27/09)

Chưa kể, gian lận trong vật tư tiêu hao ca mổ: Hệ thống máy Infinity khi vận hành cần một bộ phận catsset infinity có giá trên 2,3 triệu đồng/cái, trung bình 01 catsset dùng cho 20 ca mổ, lại được xây dựng định mức chỉ với 04 ca mổ/catsset.

Chưa kể, những bệnh nhân có thẻ BHYT thì tiền catsset và dao mổ đã được BHYT thanh toán, Giám đốc Vũ Thị Thanh vẫn thu thêm 01 triệu đồng/ ca mổ. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, số tiền này không nhỏ, phải lên hàng tỷ đồng.

{keywords}
Bệnh viện mắt Hà Nội

Liệu có phải, mọi con đường tính toán của Giám đốc Vũ Thị Thanh đều xoay quanh mỗi chữ ...tiền?

Vụ việc xảy ra từ năm 2011. Thanh tra Sở Y tế HN đã vào cuộc, cũng đã có kết luận hẳn hoi. Nhưng bác sĩ nguyễn Thị Thủy cho rằng không thỏa đáng...

Có câu, cứt trâu để lâu hóa bùn. Hai năm đã trôi qua. Dù vậy, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy không chịu để hóa bùn, mà quyết tâm ... "hóa báo". Vì sao? Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, kết luận của Thanh tra Sở Y tế HN không thỏa đáng. Cứ theo như kết luận của Thanh tra Sở Y tế HN, thì đó chỉ là sơ suất.

Thật ra, hai khái niệm sơ suấtđánh tráo khác hẳn nhau về bản chất và động cơ, tâm lý sai phạm: Sơ suất, chỉ là sự sai phạm không cố ý trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhưng đánh tráo khác hẳn, đó là sự cố ý để kiếm lợi nhân danh thi hành nhiệm vụ. Vậy đâu mới là sự thật?

Cũng vẫn theo VietNamNet, UBND TP Hà Nội cũng kết luận việc đúng như kết luận của Sở Y tế và nói rõ sơ suất nằm ở chỗ bác sỹ điều trị không đưa cho bệnh nhân ký xác nhận khi thay đổi thủy tinh thể trong quá trình phẫu thuật.

Không hiểu gần 800 bệnh nhân kia họ có biết thủy tinh thể của họ không phải của Mỹ như họ đã lầm tưởng khi đóng tiền?

Thế nhưng, sự cực kỳ tinh vi còn là ở chỗ này. Ngoài cái sơ suất đó, tại sao bệnh viện lại dùng dịch nhầy với giá thấp 245.000 đồng, cho một ca mổ trọn gói 6, 5 triệu đồng, thay cho dịch nhầy của Mỹ- 600000 đồng (mà có tới 3000 ca bị tráo dịch nhầy). Vậy số "tiền cao" trong khi "giá cả dịch nhầy thấp" nó đi đâu? Chưa kể hàng loạt vấn đề bác sĩ Nguyễn Thị Thủy đã nêu ra, mà phải là người trong nghề, trong cuộc mới có thể biết.

Sơ suất một vài trường hợp có thể hiểu được, nhưng đến gần 800 trường hợp thì số lượng sơ suất hơi... cao. Và còn 3000 trường hợp bị " suất" dịch nhầy, mức chênh lệch lên tới 355.000 đồng/ hộp, ai là người biết rõ sự thật này nhất, ngoài chính Giám đốc BV Vũ Thị Thanh. Hay chính mắt của Giám đốc BV Vũ Thị Thanh cũng khó, nên không nhìn ra?

Một câu hỏi của dư luận đặt ra khá nhiều, liệu bác sĩ Nguyễn Thị Thủy có bị trù úm, hay mâu thuẫn với Giám đốc BV Vũ Thị Thanh không? Câu trả lời từ phía BV Mắt HN là không. Trong khi bác sĩ Nguyễn Thị Thủy khẳng định là có bị trù úm. Nếu đúng như BV Mắt nói- bác sĩ Nguyễn Thị Thủy không hề bị trù úm- mà vẫn quyết liệt đưa ra và lật lại vụ việc, hẳn bác sĩ Nguyễn Thị Thủy ý thức rất rõ sai trái của BV Mắt HN?

Chưa biết rồi đây, Hà Nội sẽ điều tra và kết luận ra sao.

Nếu như việc tố cáo của bác sĩ Nguyễn Thị Thủy là sai, không đủ cơ sở, chắc chắn bác sĩ phải chịu trách nhiệm, trước hết là với tòa án lương tâm dư luận.

Nhưng nếu bác sĩ Nguyễn Thị Thủy đúng, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái sự ... khó hai con mắt này?

Đặt câu chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Thủy trong bối cảnh xã hội quá nhiều bất an, cái tích cực sợ cái tiêu cực, người ngay sợ kẻ gian, và hệ lụy của chuyện "đấu tranh- tránh đâu" muôn đời vẫn là lời cảnh báo cay đắng, cho thấy t/p HN cần có sự cẩn trọng, công bằng, công tâm- cần có hai con mắt tinh đời trong vụ việc lằng nhằng này.

Bởi xã hội đang hết sức quan tâm đến vụ việc. Và bởi khi nhìn vào kết cục buồn của dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, nhân viên Phòng Giám định Y khoa (Sở Y tế Bình Phước) mới đây đã chính thức bị sa thải. Điều trớ trêu, người chủ trì cuộc họp, có quyền sinh quyền ... sát dược sĩ Kiều Oanh, cũng chính là ông Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng GĐYK- người bị Kiều Oanh tố cáo hàng loạt tiêu cực sai phạm nhiều năm qua.

Vừa đá bóng vừa thổi còi, phương pháp "tiếp thu" ý kiến đấu tranh của Phòng GĐYK, đã không khiến cho dư luận tin ở sự chính nhân quân tử.

Câu chuyện... khó hai con mắt liệu có phải là chuyện riêng của BV Mắt HN, hay còn là câu chuyện của cả ngành y tế, trước hàng loạt sai phạm về y đức đã và đang diễn ra ngày càng nhiều, trong hàng triệu con mắt của xã hội? Rõ ràng, cả ngành y tế và giáo dục, đều phải gấp rút cải tổ, để chấn hưng.

Ngành giáo dục đang quyết liệt "trận đánh lớn". Còn ngành y tế, chẳng lẽ vẫn đang khó hai con mắt?

Giàu vì... xin- cho

Ở vế bên kia của câu thành ngữ đương đại, giàu hai bàn tay- là gì? Xin thưa, đó là hai bàn tay tham nhũng.

Có lẽ hiếm có một... "ngành" nào sống ký sinh được nói nhiều đến như tham nhũng. Với rất nhiều khái niệm ấn tượng, lòng khinh bỉ, khinh ghét, bất bình. Mới đây, tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, vị quan chức cấp cao lãnh đạo Đảng đã có một phát ngôn ấn tượng: Tham nhũng như ngứa ghẻ, rất khó chịu!

Cũng tại cuộc tiếp xúc, ông Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) cử tri của quận Ba Đình có một phát ngôn ấn tượng không kém: Tham nhũng như những vòi bạch tuộc trong chính các cơ quan công quyền, khiến người lương thiện e ngại, ngày càng ít dám đứng lên chống tham nhũng.

Sau bầy sâu, giờ tham nhũng là con ghẻ, và bạch tuộc. Và còn là con gì gì nữa?

Một minh họa gần: Đến ngay ngành giáo dục, ngành phải là sạch sẽ nhất, giờ đây, cũng đang lên... cơn "ngứa ghẻ". Báo Đại Đoàn Kết, ngày 3/10 cho biết, một khảo sát mới đây của Thanh tra Chính phủ tại 03 thành phố lớn Hà Nội, t/p HCM và Đà Nẵng cho thấy, có 71% ông bố bà mẹ cho biết, họ phải bỏ tiền để xin cho con em mình vào học (trái tuyến) ở trường tốt.

Đặc biệt, tham nhũng trong tuyển sinh rất nặng nề, phổ biến ngay từ cấp học ban đầu. Chi phí hối lộ có thể lên tới 3.000 USD Mỹ để vào một trường tiểu học danh tiếng, 300 - 800 USD Mỹ vào một trường "thường thường bậc trung". Một khi, giáo dục- "trồng người", y tế- cứu người, đều là những ngành mang đậm chất nhân văn, cũng bị sâu mọt gặm nhấm không thương tiếc, thì dân tộc Việt sẽ đứng ở đâu trong nền văn minh, văn hóa nhân loại?

Nhưng nếu chống tham nhũng chỉ bằng lời hô hào hiệu triệu, trống giong cờ mở, mà kết quả không những không giảm, còn tăng hơn, thì người dân còn... khó chịu hơn.

Liệu người dân có "dễ chịu" không nếu thông tin từ cuộc hội thảo về chặng đường kinh tế 05 năm đã qua (giai đoạn 2011-2015) vừa được Ban Kinh tế TƯ phối hợp Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức, cho thấy, kinh tế VN đang tụt hậu ngày càng xa, so với các nước trong khu vực.

Theo Gs Trần Thọ Đạt (ĐH Kinh tế Quốc dân), tốc độ tăng trưởng trung bình của VN bắt đầu xu thế suy giảm nhanh và liên tục từ giai đoạn cuối năm 2007, đến giai đoạn cuối năm 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, tăng trưởng các nước ASEAN- 5 đều khởi sắc hơn kể từ cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu (VietNamNet, ngày 24/09).

Câu thành ngữ hiện đại khó hai con mắt (tầm nhìn), không chỉ là ám vào BV Mắt HN, hay ngành y tế. Nó đang "ám" vào cả cơ chế quản lý kinh tế của xã hội VN. Và nó cũng góp phần sinh sản ra loại sống ký sinh- tham nhũng.

Bởi sự lạc hậu và tụt hậu của kinh tế VN không chỉ ở những con số, tỷ lệ % đáng buồn, mà còn ở chính cơ chế quản lý kinh tế mang tầm vĩ mô. Theo Ts Võ Trí Hảo (ĐH Kinh tế t/p HCM), mặc dù đã 07 năm gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), hiện mới chỉ có ASEAN và Ucraina, Nga, Trung Quốc, Venezuela, Nam Phi công nhận VN là nền kinh tế thị trường, các thành viên chủ chốt của WTO vẫn chưa công nhận. Vì sao?

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo Wikipedia tiếng Việt định nghĩa, cơ chế thị trường là qúa trình tương tác lẫn nhau giữa các chủ thể hoạt động kinh tế... Mặt khác để cơ chế thị trường hoạt động tốt, thị trường phải có sự cạnh tranh hoàn hảo, không có các ảnh hưởng ngoại lai...

Thực chất đó là sự cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể (thành phần kinh tế).

Tuy nhiên, sự cạnh tranh bình đẳng liệu có... "bình đẳng" được không, nếu như các doanh nghiệp Nhà nước luôn được ưu ái, mà cách đây 02 năm, người viết bài đã từng gọi là "con trưởng" của nền kinh tế? Cái tư duy bao cấp một thời, lẽ ra phải bị xóa bỏ không thương tiếc, thực ra vẫn ngự trị bệ vệ trong nền kinh tế thị trường VN.

Bản chất của sự ưu ái các DNNN, đã đẻ ra sự "bất công" trong cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh, và cả sòng phẳng nữa giữa các thành phần, khu vực kinh tế.

Trong khi, theo Ts Võ Trí Hảo, đóng góp của kinh tế Nhà nước tại t/p HCM 05 năm qua, giảm dần đều theo thời gian: Kinh tế Nhà nước (năm 2006- 2010) là 26,6%; đến năm 2013 còn 17,3%. Trong khi tỷ lệ này ở kinh tế ngoài Nhà nước tăng lên: Từ 50,6% lên 58,9%. Còn kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, từ 22,8% lên 23%.

Bản chất của sự ưu ái các DNNN còn tai hại ở chỗ này: Nó gắn rất chặt với cơ chế xin- cho. Đã có xin- cho tất yếu nảy sinh hối lộ, nảy sinh tham nhũng, nảy sinh nhóm lợi ích. Đó là gót chân Asin của cơ chế quản lý kinh tế thị trường hiện nay trong xã hội ta. Nhưng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, mà gót chân Asin- bản thân khái niệm mang nghĩa là "chỗ yếu, chỗ sơ hở"- vẫn đủ... mạnh để ngăn cản tiến trình tái cơ cấu DNNN?

Giàu hai bàn tay ... tham nhũng, bởi khó hai con mắt đã đành, còn khó bởi cái tâm tham sân si.

Vì thế, người viết bài rất chú ý đến ý kiến của Ts Lê Đăng Doanh, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu diễn ra ở Huế. Khi ông thẳng thắn đề cập đến câu chuyện cốt lõi. Đó là phải cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị, để góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm các cơ quan chính quyền Nhà nước các cấp không tùy tiện can thiệp hành chính vào thị trường và có cơ chế giám sát lợi ích nhóm (VietNamNet, ngày 28/09).

Một cơ chế, thể chế quản lý chính trị- kinh tế- xã hội khoa học và văn minh, phù hợp quy luật thực tiễn, và xu thế nhân loại chính là công cụ hữu hiệu góp phần ngăn ngừa và hạn chế tham nhũng nảy nở ký sinh, ngay cả trong giáo dục và y tế. Bởi trong sự hội nhập hiện đại, không một quốc gia nào có thể một mình một chợ. Nếu không muốn cái vị thế của mình cũng... tụt mất trong con mắt nhân loại, kiểu có cô thì chợ vẫn đông/Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.

Khi đó, câu thành ngữ Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay cũng sẽ trở về đời sống xã hội đương đại với giá trị đích thực mang tính quy luật của nó, bất biến!

Kỳ Duyên

Bài cùng tác giả:

Cát-xê 600 triệu đồng và 'làng công chức'

Các vị quan chức quản lý, có trách nhiệm với nước Việt không thể không biết gì về "làng công chức" trong lĩnh vực mình phụ trách.

Ấn tượng trong tuần: Đất đai và... 'tự xử'

Hệ thống cán bộ chính quyền cơ sở là cánh tay nối dài của bộ máy chính quyền quốc gia. Và hệ thống pháp luật là nền tảng pháp luật một quốc gia.

Cỗ máy kiếm tiền và chuyện đẻ biệt thự, xe sang

Nhân cách và kiến thức thì chỉ đẻ ra sự...kính trọng. Trong khi địa vị mới đẻ ra bổng lộc, mới đẻ ra rất nhiều thứ- biệt thự, xe hơi, nhà lầu, con cái du học ngoại quốc...