- Nếu nhóm quản lý từ cấp vụ trở
lên ngồi thêm 5 năm thì không chỉ mất chỗ đầu vào của tuổi trẻ mà còn mất cơ hội
thăng tiến của hàng loạt vị trí kế cận.
Những ngày qua, vấn đề kéo dài tuổi hưu được xới lên vì lý do nghe rất “đáng sợ”: giải quyết nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Tôi không ủng hộ việc nới tuổi hưu của người lao động, bởi một số lý do sau:
- Nới tuổi hưu cho cả nam và nữ: Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động trẻ đông đảo song 2 năm qua đã có tới gần 100.000 doanh nghiệp đổ vỡ. Đầu năm nay, 8.600 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Riêng Nghệ An hiện có 12.000 thanh niên tốt nghiệp từ trung cấp đến thạc sĩ không tìm được việc làm. Hàng triệu thanh niên không có việc làm cũng có nghĩa là Việt Nam lãng phí, đã không khai thác được giai đoạn dân số vàng vốn một đi không trở lại.
Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động trẻ đông đảo. Ảnh minh họa: Bình Minh |
Nếu tăng tuổi hưu cho cả nam và nữ sẽ ảnh hưởng đến quyền có việc làm của tuổi trẻ, đối với công vụ là hạn chế đường vào của họ. Ai cũng biết, cái mới thường nảy sinh ở tuổi trẻ và mức lương trả cho họ không phải cao như những người được nới dài tuổi hưu. Trên con đường hội nhập quốc tế, đất nước đang phải đối mặt với vô vàn thách thức cần được giải quyết nếu muốn đi tiếp.
Phát triển trong bối cảnh thời đại cho thấy thương mại tự do và thành tựu công nghệ thông tin đang làm xói mòn quyền lực của các chính phủ. Chẳng hạn, các chính phủ được quyền chọn lựa trong việc đề ra các quy định song các quy định này cũng chịu sự xác định của thị trường. Sự nghiệp cải cách hành chính (CCHC) cần được bổ sung bởi nhiệt huyết và trí tuệ của tuổi trẻ, khi mà thời gian gần đây, không ít văn bản quản lý của các cơ quan nhà nước thường không được xã hội ủng hộ như: thịt lợn mổ ra chỉ được lưu hành trong 8 tiếng, không được lắp kính trên quan tài để nhìn mặt người chết, không được phát tán thông tin tiêu cực trong thi cử, đánh thuế bà đẻ...
Chất lượng văn bản quản lý ngày một yếu kém phản ánh sự xuống cấp về chất lượng của đội ngũ công chức quản lý. Quan niệm năng lực quản lý đến đâu cho phát triển tới đó vẫn chi phối không ít chính trị gia và các nhà quản lý cao-trung cấp. Những kinh nghiệm, thói quen gắn với nền kinh tế xin-cho đã có lúc tưởng dứt bỏ được, nay đang có trỗi dậy trong bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang cản trở tiến trình CCHC của nhà nước và mong đợi của nhân dân.
Việc nới tuổi hưu nếu chỉ giới hạn ở nhóm quản lý từ cấp vụ trở lên sẽ bị xã hội nhìn nhận là kéo dài lợi ích của nhóm có quyền. Họ ngồi thêm 5 năm thì không chỉ mất chỗ đầu vào của tuổi trẻ mà còn mất cơ hội thăng tiến của hàng loạt vị trí kế cận nữa.
Nguy cơ vỡ Quỹ BHXH vì không nới tuổi hưu cho nhóm quản lý không đáng lo trước nguy cơ đổ vỡ xã hội khi thanh niên không có việc làm và họ luôn được nhìn nhận là ngòi nổ. Hiện tượng trộm cắp, cướp giật, đâm chém gia tăng trong vài năm gần đây không phải không có căn nguyên từ tình trạng thất nghiệp của thanh niên.
- Nới tuổi hưu cho phụ nữ để thực hiện bình đẳng giới: Nhiều nước đã thực hiện tuổi hưu nam, nữ bình đẳng song không nên quên rằng mức sống của họ cao hơn Việt Nam và sự bình đẳng trong cơ hội cho cả 2 giới thường được quan tâm ngay từ khi lọt lòng bằng chính sách nghỉ chăm sóc con sau khi đẻ được chia sẻ với cả 2 giới, nam nữ bình đẳng trong giáo dục và phân công lao động... nên phát huy được trí tuệ của nửa lực lượng lao động xã hội là phụ nữ.
Trong khi phụ nữ vẫn được cơ quan và xã hội “khuyến khích” phải ba đảm đang; vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà thì số người thực sự xuất sắc xứng đáng được nhà nước kéo dài thêm tuổi làm việc là khá hiếm hoi. Trong số này, nếu Nhà nước không giữ lại thì thị trường cũng sẵn sàng đón nhận họ. Nới tuổi hưu kỳ này theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới và trọng tài năng nên dành chỗ cho những phụ nữ giỏi chuyên môn ở cấp hoạch định chính sách và không giữ chức vụ mới thực sự hữu ích cho xã hội. Ưu tiên này cũng giống như chế độ kéo dài thêm 5 năm cho phụ nữ là khoa học có chức danh từ phó giáo sư trở lên nếu họ cũng có nhu cầu tiếp tục phục vụ.
Nếu coi bình đẳng giới trong tuổi hưu là một giải pháp thì có lẽ nên xem đây là giải pháp ngọn. Bởi cái gốc vẫn phải là thực thi bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến... Mất 5 năm sinh đẻ và chăm sóc con, cơ hội học hỏi trong diễn trình chức nghiệp không được thuận lợi như nam giới thì với đa số phụ nữ thiếu sự tích tụ tri thức và kinh nghiệm, 5 năm nới tuổi nghỉ hưu liệu có cất cánh nổi?
Nếu với lý do ngăn ngừa nguy cơ vỡ Quỹ BHXH mà phải thực thi giải pháp nới tuổi hưu cho nhóm nhỏ nam nữ có chức vụ thì lý do này rõ ràng chỉ là cái cớ. Thật sự muốn giải quyết nguy cơ này cần hướng đến tìm kiếm, cân nhắc đến các giải pháp khác, như:
- Việt Nam đã chuyển đổi cơ chế kinh tế đã hơn 20 năm rồi, không thể lần lữa mà cần ngay một lộ trình để giảm gánh nặng ngân sách nuôi các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn đang ngày một tăng.
- Thật sự tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước bằng việc kiên quyết đoạn tuyệt với xu hướng quay lại cơ chế bao cấp, chuyển giao một số công việc cho thị trường và xã hội dân sự.
- Tăng tỷ lệ lương dành cho Quỹ BHXH nếu cần.
Nhiều năm qua, chúng ta đã khai thác gần cạn kiệt các nguồn tài nguyên quốc gia cũng có nghĩa là ăn cả vào tương lai của con cháu mai sau. Nay lại nới tuổi hưu vào lúc này là chiếm đoạt cả việc làm của tuổi trẻ. Can thiệp vào tuổi hưu cho cả nam và nữ trong lúc này không thể không cân nhắc đến tình hình kinh tế - xã hội đang còn không ít khó khăn.