Những ngày giãn cách chống dịch Covid căng thẳng dần trôi đi. Có bao nhiêu điều về muôn mặt đời thường trong những ngày rồi sẽ trở thành ký ức khó quên của tất cả mọi người. Không hề ngẫu nhiên, tôi nghĩ đến những đứa trẻ ngày này. Nếu không có dịch các con đang chuẩn bị đến trường đón năm học mới. Những đợt dịch liên tục tràn đến, đám trẻ thân yêu của chúng ta đã hứng chịu những ảnh hưởng tác động nhiều mặt đến cuộc sống trẻ thơ.

Tôi có hai con gái. Cháu lớn đã lấy chồng và có hai đứa con đủ nếp tẻ. Mỗi cuối tuần, bố mẹ đưa con cái về thăm nhà, ríu rít quấn quýt, ngôi nhà như rộng ra, đẹp hơn bởi tiếng trẻ cười rộn rã. Ông và cháu như cùng lứa, ông trẻ lại, cháu lớn thêm, cùng đọc một quyển sách về những câu chuyện thần tiên cổ tích. Những câu hỏi trẻ thơ, những trò vui nghịch ngợm, những ký ức xa xưa của ông, của mẹ được những cặp mắt to tròn của cháu hau háu đón nhận. Thật hạnh phúc.

{keywords}
Hà Nội những ngày giãn cách xã hội 

Giãn cách. Ai ở nhà nấy. Thương thằng cháu lớn 8 tuổi theo gương ông đạp xe được bố mẹ mua cho chiếc xe mỗi ngày cần mẫn luyện đạp. Cháu đạp được 5 cây, 7 cây rồi ông ạ nhưng giờ thì phèo, cháu chỉ ngồi ngắm xe thôi, tiếc thế. Ông thủ thỉ, ừ hết dịch rồi ông cháu ta đạp. Con bé em 3 tuổi nhìn ông qua điện thoại cười cười không nói.

Ông giơ lên lọ lạc rang lắc lắc bảo lạc cháu thích này, hết dịch ông mời cháu cả lọ này nhé. Tiếng cười khúc khích trong vắt. Nhớ chúng quá, hôm rồi giữa đợt giãn cách đi công chuyện, tiện đường, tranh thủ lái xe đến tận cửa nhà mà chịu không thể gặp chúng dù chỉ là nhìn qua cửa kính. Mẹ chúng nó bảo, ông đi nhiều nơi, cứ cẩn thận vẫn hơn, về nói chuyện online đi ông. Con gái đúng, đang giãn cách gặp gỡ chi được, bao hiểm nguy rình rập trẻ mỏ. Nhớ cháu lắm.

Dịch leo thang, nhiều vùng cả nước bị lây lan nhiễm bệnh. Hà Nội dù cảnh giác dù lâu nay làm tốt các bước chống dịch vẫn không tránh được con số ca nhiễm tăng lên. Giãn cách là lựa chọn của chính phủ và các địa phương buộc phải chấp nhận mọi thiệt hại để thực hiện nhằm nhanh chóng hạn chế, cùng các biện pháp khác đồng bộ để mong muốn dập tắt dịch. Và trẻ em đương nhiên là những người chịu nhiều ảnh hưởng. Đã hai năm nay, trẻ tùy từng thời gian phải tạm nghỉ học để học online.

Các nhà trẻ cũng trong tình trạng lúc mở, lúc dừng tùy diễn biến dịch. Mọi gia đình, ngoài công việc làm ăn mưu sinh, lo đời sống chợ búa, cơm nước phải chịu thêm gánh nặng không nhỏ vì trường học đóng cửa. Tôi đã thấy không ít gia đình khổ sở vì việc con cái phải học online.

{keywords}
Nhiều biện pháp được đưa ra để bọn trẻ giải trí lành mạnh

Đầu tiên là mua sắm thiết bị còn cách thức cho chúng tiếp nhận việc học. Với những gia đình có nền tảng kinh tế hay công nghệ còn yên tâm còn những gia đình lao động đến bố mẹ còn chưa thạo sử dụng thiết bị thì cái khó như cộng dồn lại. Biết làm sao được, khó mấy cũng phải thích ứng cho việc học của con cái. Và nhiều thứ khác phải giải quyết như chất lượng mạng, giữ trật tự...

Trở lại với đợt giãn cách này của Hà Nội. May mắn các con đang dịp hè nhưng trẻ nhỏ ngày hè không được vui chơi cũng thấy cám cảnh và bội phần phức tạp. Để nhốt chúng ở hẳn trong nhà là cả một nghệ thuật và không hề đơn giản. Cháu anh bạn tôi 8 tuổi vin cớ không được ra ngoài đòi hỏi phải được tăng giờ chơi game. Thấy thằng bé cứ dán mắt vào máy tính bảng cả ngày tôi phải nhắc, cẩn thận với game, chơi nhiều trí não tổn hại và giảm thiểu giao tiếp, bỏ bê việc học đó là sự bắt nguồn của trầm cảm của tự kỷ. Nói điều này vì không ít gia đình muốn con ngồi yên một chỗ không nghịch ngợm đã chọn giải pháp cho chúng giải trí bằng các thiết bị điện tử như xem tivi, chơi game nhiều rất nguy hiểm.

Trong ngày giãn cách nhiều biện pháp được đưa ra để bọn trẻ giải trí lành mạnh và vẫn duy trì được việc ôn luyện kiến thức văn hóa. Tôi chứng kiến một nhóm bố mẹ tổ chức một group cho bọn trẻ giao tiếp với nhau qua mạng. Tổ chức cho chúng đọc truyện, học tiếng Anh và các trò chơi online như cờ vua, cờ tướng. Nhỏ tuổi hơn thì chơi đồ hàng, xếp hình. Không thể được như trực tiếp nhưng thế cũng là bổ ích và lành mạnh.

{keywords}
Những niềm vui vô tận của trẻ thơ đành phải xếp lại chờ ngày vãn dịch

Có nhiều cách để cho trẻ thư giãn không cảm thấy căng thẳng ngày giãn  cách. Nhiều gia đình có nhà vườn, nhà ngoại ô đưa trẻ về nghỉ dài ngày. Một số gia đình có quê ngoại tỉnh khi biết tin giãn cách đã chủ động sắp xếp công việc đưa con cái về quê ở những vùng còn an toàn, dịch chưa căng thẳng.

Với những nhà không có điều kiện như những trường hợp vừa kể sẽ chọn những cách thức phù hợp để hài hòa cuộc sống trẻ thơ trong những ngày giãn cách chống dịch căng thẳng. Nhưng nói gì thì nói, dù được quan tâm đến đâu, trẻ em những ngày này với tuổi thơ hiếu động, vốn luôn hòa mình vào thiên nhiên, môi trường cuộc sống với những trí tưởng kỳ thú về thế giới muôn hình rõ ràng phải chịu những tác động và thiệt thòi không nhỏ.

Trong đợt giãn cách của Hà Nội, tôi đã đi qua nhiều con phố, làng mạc, khu đô thị chứng kiến những ánh mắt trẻ qua ô cửa mỗi nhà thèm khát nhìn ra ngoài mà lòng thấy xa xót. Những trò chơi đường phố, dân dã làng quê, những niềm vui vô tận của trẻ thơ đành phải xếp lại chờ ngày vãn dịch. Tự nhiên tôi thèm được chạy những bước chân theo cánh diều thả vi vút trên bầu trời lộng gió với mây bay và ánh mặt trời chói chang của tuổi thơ thần tiên năm nào khi tôi còn thơ bé. Thương lắm, trẻ thơ những ngày giãn cách.

Hết giãn cách là tiết lập thu

Hết giãn cách là tiết lập thu

Khi đã trải nghiệm qua những giờ khắc khó khăn, người Hà Nội đã bình tĩnh hơn, không còn cảnh ùn ùn đến chợ, siêu thị khuân cả đống hàng dự trữ về nhà như năm ngoái.

 Nhà văn Phạm Ngọc Tiến