Liên tiếp những vụ tai nạn trẻ ngã xuống đất từ trên cao khiến nhiều người giật mình. Vậy phụ huynh cần làm gì với ban công?

Mới đây, vụ tai nạn kinh hoàng tại nhà NA4 (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) khiến nhiều người kinh hoàng. Cháu bé khoảng 10 tuổi ngã từ ban công tầng 10 xuống đất. Cháu bé ngã xuống đất dưới mái hiên của quán cafe. Mái hiên bằng nhựa bị rách một mảng, thậm chí chiếc bàn mà cháu bị rơi xuống cũng vỡ một đoạn

Thời điểm xảy ra vụ việc là cháu bé đang được nghỉ học. Khi mẹ đi làm về thì cháu bé dùng chiếc ê ke nhét vào cửa sổ khiến cửa không mở được rồi chạy ra ban công thì xảy ra sự việc. Cũng theo mẹ cháu bé chia sẻ với báo chí, khu vực ban công chưa được lắp đặt lưới bảo vệ hay rào chắn an toàn.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, cháu bé được đưa tới bệnh viện. Cháu bé được tiến hành các xét nghiệm, chụp chiếu. 20h30' ngày 11/8, bác sĩ tiến hành xử lý vết thương ở thận, 2h ngày 12/8 cháu được mổ sọ não, mổ gãy xương, bó bột. Hiện tại, sức khỏe đang có chiều hướng tiến triển tốt.

Ths.BS Nguyễn Duy Tuyển (Khoa Phẫu thuật Thần kinh – BV Việt Đức), đồng thời là bác sĩ đang điều trị cho bé Long cho biết, khi vào viện bệnh nhân trong tình trạng sốc đa chấn thương, chấn thương bụng (vùng thận). Có máu tụ trong não, vỡ xương sọ và gãy xương hai cánh tay, chân.

{keywords} 

Ngay sau khi bệnh viện tiếp nhận, bệnh nhân đã được xử lý hồi sức cấp cứu phối hợp nhiều chuyên khoa: phẫu thuật thần kinh, cấp cứu bụng, chẩn đoán hình ảnh và chấn thương chỉnh hình.

Đồng thời, các bác sĩ đã tiến hành nút mạch thận chọn lọc, sau đó mổ cấp cứu chấn thương sọ não và gãy nhiều xương. Ca phẫu thuật kéo dài từ 3 giờ sáng ngày 12/8 đến 6 giờ 30 sáng thì kết thúc. Hiện tại, bệnh nhân đã qua tình trạng nguy kịch, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình hồi sức tích cực.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc, trẻ bị ngã từ ban công chung cư xuống đất. Sự việc lần này đã một lần nữa là lời cảnh tỉnh cho phụ huynh ở chung cư. Trên thực tế, hiện nay, các chung cư thiếu độ thoáng nên các gia đình vẫn thường tận dụng ban công để phơi quần áo hoặc đứng hóng gió. Tuy nhiên, với kiểu kiến trúc xây dựng, ban công bằng gạch, trong khi độ cao lại thấp cho nên rất dễ xảy ra những vụ tai nạn thương tâm.

Đừng để ban công thành nơi nguy hiểm

Vì vậy, phụ huynh phải thực sự quan tâm đến vấn đề này. Nếu lan can ban công quá thấp hãy lắp thêm lưới hoặc lan can để chiều cao ban công cao hơn người của trẻ, tùy thuộc vào lứa tuổi. Nếu lan can ban công làm bằng sắt quá thưa, trẻ có thể chui lọt đầu cần phải gia cố bằng cách chằng thêm dây và lưới.

Ngoài ra, khi gia đình đi vắng nên khóa cửa khu vực ban công, không để trẻ ra ngoài nô đùa có thể xảy ra tai nạn. Nói rõ cho trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đức Minh (Chuyên gia về lắp đặt thiết bị ban công) cho hay, cửa sổ cũng là nơi mà các bố, các mẹ nên để ý khi muốn đảm bảo an toàn cho con mình. Trẻ con thường hiếu động và thích trèo lên cửa sổ nhìn ra bên ngoài mà rất nhiều căn hộ chung cư hiện nay cửa sổ không hề được trang bị thanh chắn. Vì thế để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bố, các mẹ nên lưu ý lắp thêm song chắn cho cửa sổ hoặc lắp thêm lưới để trẻ không bị rơi ra ngoài. Đồng thời khi sắp xếp vị trí đồ đạc trong nhà, bố mẹ cũng nên lưu ý không để những đồ vật dễ trèo cạnh cửa sổ, ban công… để tránh trường hợp bé trèo qua đồ vật rồi trèo lên cửa. Khác với biện pháp dựng chuồng cọp, rào sắt thì lồng kính đảm bảo mỹ quan hơn.

Theo anh Minh, việc bị bịt kín nhà sẽ khiến căn hộ trở nên bí bách, khó chịu. Chi phí cho lồng kính cũng không dễ chịu chút nào với những gia đình có thu nhập trung bình.

Ngoài ra thì vấn đề bảo vệ con không bị ngã cầu thang cũng là vấn đề được quan tâm. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng căn hộ hoặc ngôi nhà mà việc bảo vệ cầu thang được các gia đình lựa chọn khác nhau. Giống như với ban công, hầu hết các gia đình đều chọn cách lắp lưới chắn hoặc đóng rào… để đảm bảo tính thẩm mỹ của căn hộ/ngôi nhà. Tuy nhiên khi sử dụng các biện pháp này cũng phải lưu ý để con trẻ không bị thương bởi các thanh chắn quá nhọn, sắc…

(Theo Congluan)