- Nhiều giáo viên văn phát hiện đề thi văn THPT quốc gia sáng nay 2/7 có một câu trích dẫn văn bản gây tranh cãi.
Cụ thể, ở câu đọc hiểu bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, đoạn trích trong đề thi ở dòng thứ ba là "Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa". Trong khi đó, theo nhiều giáo viên, bản gốc của đoạn trích này phải là: "Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa".
Đoạn trích trong đề thi môn Ngữ văn |
Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TP.HCM), thầy Nguyễn Văn Cải cho biết ngay khi biết đề thi, bản thân thầy và nhiều giáo viên khác đã phát hiện có sự khác biệt trong câu thơ thứ ba của khổ thơ đầu đề thi so với nhiều văn bản mà thầy và các đồng nghiệp đọc được về bài thơ của Lưu Quang Vũ. “Nhưng có lẽ sách trích của đề thi viết vậy nên Ban soạn thảo đề thi lấy y nguyên”.
Anh Nguyễn Thế Hưng, á khoa đầu ra năm 2016 Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trưởng nhóm biên soạn 4 cuốn Tuyển tập đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn cho rằng vấn đề nằm ở chỗ đề thi có trích dẫn đúng theo nguồn họ đã đưa ra không, chứ không phải nằm ở chỗ đó có phải là bản gốc không.
Anh Hưng cho biết Bài thơ Tiếng Việt không nằm trong SGK THPT. Tác phẩm này cũng đã được nhóm của anh sử dụng khi biên soạn đề thi thử.
Với một tác phẩm, tác giả có thể viết thành nhiều bản thảo. Khi xuất bản, nhà xuất bản qua khâu biên tập có thể sửa bản thảo của tác giả và được sự chấp thuận của tác giả.
Vì vậy, khi sử dụng để làm đề thi, người sử dụng muốn dùng bản thảo nào cũng được, tùy theo quan niệm về việc hay – dở của mình. Ví dụ như tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao khi xuất bản còn có tên là Đôi lứa xứng đôi, và nhiều người thấy cái tên này hay hơn là tên Chí Phèo và dùng cái tên này.
Trách nhiệm của người ra đề thi là trích đúng theo nguồn đáng tin cậy mà họ đã lựa chọn”.
Thí sinh dự thi môn Ngữ văn sáng ngày 2/7 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Hai câu thơ đều có giá trị
PGS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM cho biết đoạn trích bài thơ Tiếng Việt trong đề thi môn Ngữ văn có nguồn gốc như sau:
Bài thơ Tiếng Việt với câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” được công bố trên báo Văn nghệ năm 1978, và in trong Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002.
Còn bài thơ Tiếng Việt với câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” in trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Giáo dục năm 1985, xuất phát từ bản thảo của chính tác giả.
Thầy Giang cho biết khi gửi bản thảo tới báo Văn nghệ (năm 1978), câu thơ trong bài là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” được ban biên tập sửa thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Việc sửa chữa này đã được sự đồng ý của tác giả.
Tới năm 1985, khi thực hiện Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 – 1985, nhà xuất bản đã lấy lại bản thảo đầu tiên của tác giả Lưu Quang Vũ với câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Tác giả Lưu Quang Vũ cũng đồng ý với việc này.
Cũng theo thầy Giang, trong đoạn cuối bài còn câu khác cũng có sự khác biệt qua một số lần xuất bản. Đó là câu “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”, được công bố trên báo Văn nghệ 1978, in trong Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002.
Tuy nhiên, trong bản thảo của tác giả và khi in trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Giáo dục năm 1985, câu thơ này là “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”.
Thầy Giang nhận định “Bản công bố lần đầu trên báo (do biên tập viên sửa lại) hay bản thảo của tác giả được in trong tuyển tập có uy tín (Thơ Việt Nam 1945 - 1985) đều có giá trị. Vì vậy có thể dùng bản nào cũng được”.
Lê Huyền – Ngân Anh