Ngành Công nghệ sinh học được hiểu đơn giản là ngành học nghiên cứu và vận dụng các hệ thống sinh học từ phân tử, tế bào đến cơ thể sống để tạo nên các sản phẩm phục vụ cuộc sống.

Trên thế giới, ngành Công nghệ sinh học được coi là ngành học xu hướng ở các nước phát triển.

Tại Việt Nam, có khá nhiều trường đại học tổ chức giảng dạy và đào tạo chuyên ngành Công nghệ sinh học với mục tiêu đào tạo cử nhân và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tương lai. Các khối thi của ngành Công nghệ sinh học khá đa dạng, từ những khối thường được xét như khối A00, B00, A01, A02 và D07 đến các khối A11, B02, D01...

Sau đây là danh sách các trường tuyển sinh ngành Công nghệ sinh học năm 2022 và điểm chuẩn năm 2021:

Tên trường Điểm chuẩn 2021
Khu vực Hà Nội và miền Bắc
Đại học Khoa học Thái Nguyên 18.0
Học viện Nông Nghiệp Việt Nam 17.0
Đại học Phenikaa 17.0
Đại học Thủy lợi 16.05
Đại học Lâm nghiệp Việt Nam 15.0
Đại học Nông lâm Thái Nguyên 15.0
Đại học Phương Đông 14.0
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Đại học Bách khoa Đà Nẵng 24.0
Đại học Sư phạm Đà Nẵng 16.15
Đại học Nha Trang 16.0
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kontum 15.0
Đại học Công nghệ Vạn Xuân 15.0
Đại Học Vinh 16.0
Đại học Yersin Đà Lạt 15.0
Đại học Khoa học Huế 16.0
Đại học Tây Nguyên 15.0
Đại học Phan Thiết 14.0
Đại học Quang Trung 14.0
Khu vực TP HCM và miền Nam
Đại học Tôn Đức Thắng 29.6
Đại học Bách khoa TPHCM 26.3
Đại học Cần Thơ 24.5
Đại học Nông lâm TPHCM 22.75
Đại học Công nghiệp TPHCM 21.0
Đại học Quốc tế – ĐHQG TPHCM 20.0
Đại học Văn Hiến 19.0
Đại học Công nghệ TPHCM 18.0
Đại học Mở TPHCM 16.0
Đại học Văn Lang 16.0
Đại học An Giang 16.0
Đại học Nguyễn Tất Thành 15.0
Đại học Quốc tế Hồng Bàng 15.0
Đại học Trà Vinh 15.0
Đại học Tiền Giang 15.0
Đại học Bình Dương 15.0
Đại học Tân Tạo 15.0
Đại học Cửu Long 15.0
Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long 15.0
Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ 19.95

PGS.TS. Phùng Thanh Hương, giảng viên cao cấp Bộ môn Sinh hóa của Trường ĐH Dược Hà Nội, cho biết năm 2022 nhà trường chính thức mở thêm và tuyển sinh khoa Công nghệ sinh học.

Theo PGS Phùng Thanh Hương, ngoài các tiêu chí tuyển sinh theo khối ngành, những thí sinh phù hợp với ngành học này là những bạn thích khám phá cái mới, thích tìm hiểu về khoa học sự sống. Những bạn giỏi tiếng Anh cũng là một lợi thế để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận kiến thức và xu hướng mới của thế giới, vốn đang phát triển rất nhanh trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.

"Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về lực lượng lao động của các ngành Công nghệ ngày càng nhiều nên cơ hội việc làm là rất lớn. Trong bất cứ khối ngành nào, khả năng xin việc và mức lương phụ thuộc lớn vào năng lực và kinh nghiệm ứng viên, do vậy việc sinh viên được đạo tạo từ một trường đại học uy tín sẽ có yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng xin việc và mức lương.

Riêng đối với ngành Công nghệ sinh học, sau khi tốt nghiệp, các cử nhân hoàn toàn có thể tự tin làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo, cơ sở xét nghiệm, các cơ quan quản lý và tổ chức quốc tế liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học cũng như y học.”

Đặc biệt là các cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chất lượng và hướng dẫn sử dụng các thuốc sinh học, một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai gần” - PGS Phùng Thanh Hương nói thêm về cơ hội việc làm của sinh viên ngành Công nghệ sinh học.

Đức Trung