Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA hôm 20/12 cho biết, nước này dành 13 ngày để tang nhà lãnh đạo Kim Jong-il song không cho phép một đại diện nước ngoài nào tới Bình Nhưỡng viếng.


Thời gian để tang ông Kim Jong-il dài hơn 3 ngày so với thời gian Triều Tiên để tang người sáng lập Kim Nhật Thành hồi năm 1994. Ngoài ra, trước đây cũng như bây giờ Triều Tiên từ chối những lời chia buồn của các đại diện nước ngoài.

Triều Tiên đã trục xuất người nước ngoài khỏi Bình Nhưỡng, Sinuiju và đặc khu kinh tế Rajin-Sonbong, hạn chế đi lại. Các nhà truyền giáo và doanh nhân quốc tịch Mỹ tham gia vào các hoạt động từ thiện tại đặc khu kinh tế và Sinuiju bị ép rời Bình Nhưỡng.

Một người Trung Quốc vừa đáp chuyến bay khởi hành từ Bình Nhưỡng hôm 20/12 cho biết: "Người ngoại quốc không được phép rời nhà sau khi thông báo Kim Jong-il qua đời được ban bố". Ngoài ra, chính quyền Triều Tiên cũng ngăn không cho người nước ngoài vào nước này cũng như không cấp visa mới mãi cho tới ngày 29/12.


Việc kiểm soát ở Triều Tiên cũng được tăng cường. Tại các thành phố lớn, mọi việc tụ tập trên 4 người, ngoại trừ tâp trung để tiếc thương ông Kim Jong-il, đều bị cấm và lính có vũ trang đứng đầy đường.

Theo KCNA, các tổ chức của nhà nước, các doanh nghiệp đều phải treo quốc kỳ rủ trong khi các công nhân bị cấm tham gia những hoạt động giải trí.

Người dân được phép tỏ lòng tiếc thương trong một tuần bắt đầu vào hôm 20/12 trong khi tang lễ được tổ chức ở Bình Nhưỡng vào thứ tư tuần sau. Lễ tang được cho là sẽ bắt đầu bằng màn đọc điếu văn và sau đó là súng tiễn và đưa đám quanh Bình Nhưỡng trước sự chứng kiến của hàng triệu cư dân. Ngày 29/12, một ngày sau lễ tang, thi hài ông Kim Jong-il được an nghỉ tại khu tưởng niệm Kumsusan, nơi thi hài của cha ông này cũng được đặt ở đó.

  • Hoài Linh (Theo Chosun Ilbo)