Hãng truyền hình của Hàn Quốc hôm qua cho biết: Bình Nhưỡng đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm xa mới nhằm đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Tên lửa này không liên quan gì tới vụ phóng tên lửa bất thành vào hôm thứ Sáu vừa qua.
Tên lửa tầm xa Kwangmyongsong-3 đã không thể đưa vệ tinh Unha-3 vào quỹ đạo |
Thử nghiệm này được cho là nhằm cải thiện các động cơ và nhiên liệu đẩy cho tên lửa, có số hiệu KN-08.
Hôm thứ Sáu vừa qua, Triều Tiên đã thừa nhận thất bại trong việc phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh Unha-3 vào quỹ đạo. Còn nguồn tin tình báo của Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phát triển tên lửa hàng thập kỷ qua cho lĩnh vực quốc phòng cũng như để xuất khẩu.
Các cuộc thử nghiệm đều được tiến hành trong lúc đàm phán với Mỹ. Kết quả đàm phán hồi tháng Hai vừa qua đã thống nhất, Washington đồng ý viện trợ cho Triều Tiên 240.000 tấn lương thực, đổi lại, Bình Nhưỡng không thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sau kế hoạch phóng tên lửa vừa qua, Washington cho biết đã hoãn lại kế hoạch chuyển lương tực viện trợ.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ là việc trì hoãn này chỉ mang tính tạm thời hay chấm dứt vĩnh viễn.
Nhiều quan chức của Mỹ và một số nhà phân tích đang lo ngại rằng việc phóng tên lửa thất bại sẽ khiến Triều Tiên có ý định thử hạt nhân.
Trước đó, các báo cáo của cơ quan tình báo Hàn Quốc có nói đến việc Triều Tiên đang lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất tại Kilju, gần biên giới Trung Quốc.
Triều Tiên đã có 3 lần phóng thử tên lửa tầm xa loại Taepodong-2.
Lần thứ nhất là vào tháng 7/2006, tên lửa Taepodong-2 được phóng lên nhưng chỉ 40 giây sau thì thất bại.
Lần thứ hai là vào tháng 4/2009, tên lửa thành công ở giai đoạn hai nhưng bị thất bại khi tách sang giai đoạn ba, rơi xuống bắc Thái Bình Dương.
Lần phóng tên lửa thứ ba này của Triều Tiên cũng không thành công ngay ở thời điểm phân tách giai đoạn một và hai, và phát nổ sau khi rời bệ phóng 81 giây.
Nhà bình luận quân sự của Nhật là Akimoto nói: "Theo nhiều nguồn tin, các điều kiện của tên lửa giai đoạn một tương đối trơn tru, nhưng một phần của vấn đề có thể là giữa lúc tách giai đoạn một và hai; chúng ta phải nghiên cứu kỹ cấu trúc của tên lửa Taepodong-2. Giai đoạn một của tên lửa được chế tạo từ cơ sở của tên lửa Rodong do Triều Tiên phát triển.
Nhưng giai đoạn hai của tên lửa lại do Liên Xô cũ chế tạo, có tên là SSN6 lại là loại tên lửa phóng từ tàu ngầm và đã rất cũ. Chúng tôi muốn tìm hiểu về giai đoạn hai của tên lửa, tập trung nghiên cứu về hoạt động của chúng để tìm ra nguyên nhân của việc phóng không thành công".
- Thu Lượng (theo RT)
Toàn cảnh Triều Tiên phóng vệ tinh
Triều Tiên đang chuẩn bị phóng vệ tinh thời tiết, một động thái khiến nhiều nước lo ngại.
|