Có lẽ không ai ngoài Kim Jong-un biết những gì mà ông hy vọng có được với chiến dịch đe dọa của mình. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên có lẽ không nghĩ tới việc "giúp" Mỹ trên chính cái giá của nước đồng minh chủ chốt là Trung Quốc.
Sự hiếu chiến của Triều Tiên đã góp phần củng cố chiến lược Mỹ trong tái cân bằng các chính sách an ninh hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với một Trung Quốc thường xuyên lo lắng về Washington hơn là Bình Nhưỡng, thì nhiều tháng Triều Tiên thử hạt nhân hay tên lửa cùng hàng loạt lời đe dọa chiến tranh có thể đáng lo lắng, nhưng Bắc Kinh vẫn bất an nhiều hơn về phản ứng của Mỹ với tình hình này.
"Chúng tôi hiểu bản chất của chế độ Triều Tiên, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng, Triều Tiên đang chơi trò chơi", Sun Zhe, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh cho biết. "Quan trọng nhất, chúng tôi cho là, Mỹ đang sử dụng những cuộc diễn tập quân sự như một lý do để tiếp tục làm việc này (tái cân bằng chiến lược), điều động một cách hợp pháp máy bay B2 và những hệ thống vũ khí hiện đại khác", ông nói.
Các loại máy bay ném bom B-2 và B-52, chiến đấu cơ tàng hình F22 và nhiều tàu trang bị hệ thống chống tên lửa như USS John S. McCain liên tiếp được điều động tới bán đảo Triều Tiên đã thể hiện những gì gọi là phản ứng của Mỹ khi Bình Nhưỡng liên tiếp đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào nước này.
Mỹ cũng tuyên bố sẽ triển khai THAAD (Terminal High Altitude Area Defense System - hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) để bảo vệ Guam khỏi những cuộc tấn công tên lửa. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Báo Yomiuri Shimbun của Nhật đồng thời cho hay, nước này sẽ triển khai thường trực hệ thống chống tên lửa Patriot (PAC-3) tại Okinawa để đối phó với tên lửa Triều Tiên.
Ảnh: Mashable |
Những triển khai của Mỹ, dù là tập trung vào Triều Tiên và hầu như là tạm thời, thì vẫn có thể thay đổi hay mở rộng để thích hợp với việc đối phó các hệ thống phục vụ chiến lược chống tiếp cận mà Trung Quốc đang xây dựng. Chiến lược này nhằm trì hoãn hay ngăn chặn sự tiếp cận của các lực lượng Mỹ ở những khu vực gần Trung Quốc trong tình huống xảy ra xung đột.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã nhấn mạnh sự bất an của Bắc Kinh khi ông không trực tiếp đề cập tới cái tên Triều Tiên nhưng tuyên bố rằng, không một nước nào "được phép đưa khu vực hay thậm chí là cả thế giới vào sự hỗn loạn chỉ vì các lợi ích vị kỷ".
Theo giới phân tích, bình luận của ông Tập được đưa ra tại Diễn đàn Bo'ao ở đảo Hải Nam có thể nhằm vào Washington cũng như Bình Nhưỡng. Nó phản ánh sự bất án của Trung Quốc về chính sách "trục xoay" của Mỹ sau những cuộc chiến tại Tây Nam Á và hướng quan tâm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Tại Trung Quốc, hầu như người ta tin rằng, chiến lược trục xoay nhằm kiềm chế Trung Quốc", Stephanie Kleine-Ahlbrandt, một nhà phân tích tại Bắc Kinh thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế cho biết.
Trong cuộc trao đổi tại Washington để giải thích chính sách tái cân bằng và phản ứng của Lầu Năm Góc với Triều Tiên, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã không vòng vo khi đề cập tới những phàn nàn của Trung Quốc. "Hành xử của Triều Tiên là nguyên nhân không chỉ khiến Mỹ mà cả những nước khác trong khu vực phải hành động", ông nói tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
"Nếu người Trung Quốc tìm thấy những điều mà họ không muốn thấy, thì có một cách dễ dàng để giải quyết việc này. Đó là đàm phán với Triều Tiên để chấm dứt sự khiêu khích", ông khẳng định.
Thách thức ngoại giao
Ông Carter đã nói thẳng thắn, mạnh mẽ và không biện hộ trong khi đề cập tới chiến lược tái cân bằng. Theo ông, nó là sự tiếp nối chính sách thời hậu chiến của Mỹ để đảm bảo cho các đồng minh Nhật, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam, cả Trung Quốc và Ấn Độ "phát triển chính trị, kinh tế trong môi trường không có xung đột".
"Điều đó tốt cho chúng ta và tốt cho mọi người trong khu vực. Và nó bao gồm cho tất cả trong khu vực chứ không nhằm vào ai, vào cá nhân hay một nhóm nước nào", ông khẳng định.
Ông Carter cho hay, việc rút lui các lực lượng Mỹ tại Aghanistan sắp tới sẽ cho phép Hải quân Mỹ chuyển đến Thái Bình Dương các tàu chiến, tàu sân bay, tàu giám sát và những hệ thống hiện đại khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chấp thuận việc tái cân bằng dựa trên những nguyên tắc địa chiến lược vẫn cho rằng, tuyên bố của Lầu Năm Góc và việc triển khai lực lượng không nên là "bề nổi" của chính sách trọng tâm châu Á mà chính quyền của Tổng thống Obama đang theo đuổi.
"Chúng ta đang đề cao quân sự và hạ thấp yếu tố chính trị, kinh tế trong sự tương tác nói chung của chiến lược tái cân bằng", Douglas Paal, một cựu quan chức Mỹ, người phụ trách nghiên cứu châu Á tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment nói. "Phản ứng chúng ta nhận được từ Trung Quốc rằng họ đang tới để có được chúng ta, chúng ta phải phản ứng, chúng ta phải tăng cường triển khai quân sự", ông nhấn mạnh.
Khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc úuối tuần này (chuyến công du đầu tiên ở cương vị ngoại trưởng), ông sẽ cần phải điều chỉnh lại sự cân bằng với Trung Quốc trong khi dàn xếp cuộc khủng hoảng ngoại giao Triều Tiên. Đó sẽ là sự đòi hỏi quá cao ở Bắc Kinh, khi Trung Quốc luôn hoài nghi về những động cơ của Mỹ.
"Khi các yếu tố kinh tế, chính trị và văn hóa hiện diện trong chiến lược trục xoay, người Trung Quốc lại nói 'ồ, giờ đây, chúng ta lại bị bao vây kinh tế, chính trị và văn hóa", Kleine-Ahlbrandt cho biết.
Nguyễn Huy (theo Reuters)
Các tin liên quan |