CHDCND Triều Tiên vừa phát một bộ phim tài liệu chiếu cảnh nhà lãnh đạo mới
của nước này, Kim Jong-un, đang thị sát một sư đoàn xe tăng tinh nhuệ thuộc quân
đội nước này.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Kim Jong Un chính thức trở thành Tư lệnh tối cao
Vai trò của 7 người đứng sau Kim Jong Un
Diện mạo là một lợi thế của Kim Jong Un?
Kim Jong-un thăm các binh sĩ thuộc một sư đoàn xe tăng tinh nhuệ trong
một bức ảnh được hãng thông tấn KCNA đăng tải ngày 1/1/2012.
Bộ phim tài liệu được đưa ra ngày 3/1 cho thấy Kim Jong-un vỗ tay khi đi qua các
binh sĩ vào ngày Tết Dương lịch. Bộ phim cũng chiếu cảnh ông trò chuyện với một
người lính và chụp ảnh cùng với các quân nhân đang vỗ tay reo hò.
Đại tướng trẻ Kim Jong-un đã được công nhận là Tư lệnh tối cao của quân đội
Triều Tiên và đảng cầm quyền ở nước này sau cái chết của người cha, Chủ tịch Kim
Jong-il. Dư luận thế giới rất quan tâm việc liệu ông có quá trẻ và ít kinh
nghiệm để đảm nhận một vị trí lãnh đạo như vậy.
Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng, các quan chức chính trị và quân sự
cấp cao của CHDCND Triều Tiên dường như đều tập hợp quanh nhà lãnh đạo trẻ và
toàn tâm ủng hộ ông.
Bruce Klingner, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Heritage ở Washington D.C,
cho rằng bộ phim tài liệu được đưa ra để đảm bảo với các công dân Triều Tiên về
một tiến trình chuyển giao quyền lực êm thấm.
Theo ông Klingner, Triều Tiên cũng có thể hy vọng đoạn phim sẽ phát đi một thông
điệp tương tự tới phương Tây, nơi nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ về khả năng lãnh
đạo của Kim Jong-un.
Một lo ngại khác là về tương lai các cuộc hội đàm sáu bên về vấn đề giải trừ hạt
nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng tuyên bố họ sẽ không thương lượng với Hàn Quốc,
một trong những thành viên chủ chốt tham gia tiến trình hội đàm.
Hôm 3/1, Mỹ cho rằng tuyên bố này báo trước điềm chẳng hay cho tương lai nối lại
tiến trình này.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định, các mối
quan hệ được cải thiện giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là một điều kiện để nối lại
các cuộc hội đàm, vốn được tổ chức lần cuối vào năm 2008 ở Trung Quốc.
CHDCND Triều Tiên đã tẩy chay các cuộc hội đàm này vào năm 2009 và tiến hành một
vụ thử hạt nhân, dẫn tới việc nước này chịu các lệnh cấm vận gay gắt. Năm 2010,
Bình Nhưỡng tỏ tín hiệu muốn quay trở lại các cuộc hội đàm giải giáp đổi lấy
viện trợ.
Thanh Hảo (Theo VOA News)