Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại TP.HCM bức xúc tố cáo, một số khách sạn, nhà hàng lợi dụng hợp đồng cung ứng thực phẩm với doanh nghiệp của ông để hợp thức hóa các nguồn nguyên liệu, thực phẩm mua gom từ bên ngoài vào.
Cụ thể, theo hợp đồng thì doanh nghiệp của ông sẽ cung cấp nguyên liệu, thực phẩm có tiêu chuẩn, có chứng nhận cho những nhà hàng, khách sạn này. Tuy nhiên, sau khi ký kết, các nhà hàng, khách sạn nhập hàng được 5-10 lần thì lén ra chợ mua thực phẩm trôi nổi giá rẻ hơn. Họ đặt mua hàng ngoài chợ, lấy thịt heo, gà ngoài chợ và dùng giấy chứng nhận đã làm việc với các đơn vị cung ứng uy tín trước đây để đối phó.
“Nhà hàng, khách sạn ban đầu mua 50–100 kg thịt, rau củ, sau giảm dần xuống 20-30kg rồi còn 1–5 kg, số lượng ít quá chúng tôi không thể giao được thì ngưng hợp tác. Thậm chí, khi chúng tôi đưa gạo, rau củ vào nhà hàng, khách sạn bán được có nửa tháng thì họ lấy lý do gạo không đúng loại, nấu không được, bắt đổi trả gây đủ khó khăn khiến chúng tôi nản phải bỏ cuộc. Một số nơi khác thì cố ép cho doanh nghiệp bán hàng mà không đảm bảo lợi nhuận, thanh toán chậm trễ khiến doanh nghiệp không thể hợp tác lâu dài”, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm kể nhưng từ chối tiết lộ danh tính các nhà hàng khách sạn gian dối.
Các đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn sẽ được tạo điều kiện kết nối để đưa vào hệ thống nhà hàng, khách sạn |
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM thừa nhận có tình trạng trên, bản thân bà Lan đã từng kiểm tra và gặp trường hợp một suất ăn ở nhà hàng, khách sạn giá bán lên tới hàng triệu đồng, nhưng nguồn nguyên liệu lại được mua trôi nổi, không xứng đáng với số tiền khách hàng bỏ ra.
Theo bà Lan, đây là vấn đề đạo đức kinh doanh. Có những trường hợp quản lý khách sạn biết nhưng cũng có trường hợp ban quản lý khách sạn bị qua mặt, bếp mua nguồn thực phẩm trôi nổi. Các đơn vị ký hợp đồng thì số lượng thực phẩm nhiều nhưng khi chúng tôi kiểm tra phát hiện đơn vị mua thực phẩm trôi nổi bên ngoài.
"Vì vậy, chúng tôi chỉ xét trên hóa đơn, đối chiếu với thực phẩm nhà hàng, khách sạn mua. Bên cạnh nâng cao ý thức, chúng ta phải sòng phẳng, không đánh lừa khách hàng, thu tiền cao mà bán thực phẩm trôi nổi. Chủ nhà hàng, khách sạn phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát chứ không thể nói “không biết””, bà Lan nhấn mạnh.
Ban Quản lý ATTP tiếp tục xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Ban đầu vận động, khuyến khích và sau này sẽ bắt buộc.
Các đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn mong muốn hợp tác lâu dài với nhà hàng, khách sạn |
Những nhà hàng nào mua thực phẩm thuộc chuỗi an toàn, Ban sẽ quảng bá thương hiệu nhà hàng trên website và tạo điều kiện cho nhà hàng tham gia các chương trình xúc tiến của Ban. Còn nhà hàng nào đã bị nhắc nhở nhiều lần mà nguồn thực phẩm đầu vào không đạt chuẩn, có nhiều nguy cơ thì Ban sẽ tăng cường kiểm tra, không chỉ dừng lại ở mức xử phạt mà còn công khai tên tuổi đơn vị vi phạm trên website.
Đại diện Chi hội Nhà hàng, khách sạn TP.HCM cho biết, muốn hợp tác với nhiều đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn chất lượng, giá cả hợp lý. Nhu cầu thực phẩm tùy từng thời điểm, vào dịp lễ tết hay tiệc thì nhà hàng cần số lượng thực phẩm lớn; đơn vị nào bán lẻ theo giá sỉ thì sẽ hợp tác tốt hơn.
“Các hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn, uy tín, tôi nghĩ ban quản lý phải tăng cường trách nhiệm quản lý, kiểm soát, phải thực hiện kiểm tra (test) nhanh mẫu thực phẩm để đảm bảo an toàn chất lượng thực phẩm khi đến với khách hàng, chứ không để một nhóm lợi ích qua mặt, đánh lừa cả ban quản lý và đánh lừa khách hàng”, bà Lan khuyến nghị.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)