"Có nhiều lần một thành viên của phái đoàn trả lời câu hỏi của tôi như là "Thưa Ông Sauvageot, chúng tôi rất quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, nên có lẽ chưa gỡ bỏ cấm vận được."  Họ vô tình đã tạo cơ hội cho tôi giải thích cho họ rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam luôn tốt hơn Trung Quốc về rất nhiều mặt"

Bài 1: Món quà Tết của Tổng thống Bill Clinton

Bài 2: Việt Nam bỏ lỡ một cơ hội cải cách

LTS: Trong số những người ủng hộ việc gỡ bỏ cấm vận có Đại tá về hưu Andre Sauvageot. Ông là người sau chục năm làm phiên dịch cho các Trưởng đoàn Mỹ vào VN để thảo luận hợp tác về MIA/POW, một trong những tiền đề quan trọng để gỡ bỏ cấm vận, cuối năm 1992 đã trở thành Trưởng Đại diện của Công ty General Electric tại Việt Nam. Andre Sauvageot chia sẻ những khó khăn trong quá trình vận động bỏ cấm vận.

{keywords}
Cửa hàng mậu dịch quốc doanh, hình ảnh quen thuộc một thời ở Việt Nam thời kỳ bị cấm vận kinh tế. Ảnh tư liệu

Vì sao Mỹ kéo dài cấm vận Việt Nam?

Ông có thể cho biết những thế lực nào tại Mỹ cản trở việc gỡ bỏ cấm vận?

Sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991, và không còn cái gọi là "chiến tranh lạnh" giữa hai siêu cường, Mỹ không có lý do gì về chiến lược để cấm vận Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi mất "lý do" chiến lược, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận Việt Nam vì nhiều nguyên nhân.  Ví dụ:

(a) Sau nhiều năm chiến đấu trên chiến trường Việt Nam, nhiều người dân Mỹ cùng công chức trong Chính phủ, có ác cảm đối với Việt Nam, mặc dù chiến tranh do chính Mỹ gây ra! Vì thường dân Mỹ lúc bấy giờ tự coi nước mình có chính nghĩa để giới hạn sự mở rộng của các nước cộng sản nói chung, và các đồng minh của Liên Xô (cũ) nói riêng.

Thêm vào đó, nhiều người Mỹ tin rằng Việt Nam vẫn giữ một số tù binh còn sống, mặc dù nhờ sự hợp tác tích cực của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Mỹ hiểu dần dần rằng Việt Nam đã giao lại tất cả tù binh, cũng như rất tích cực giúp kiểm điểm quân nhân Mỹ đã bị mất tích.

Cũng có một lý do nữa về tâm lý là Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam!  Một cường quốc đã chiến thắng 3 nước phát xít, Đức, Ý, Nhật, trong đại chiến thứ 2, làm sao thua tại Việt Nam?  Câu hỏi đó chạm lòng tự ái của nhiều người, trong suốt nhiều năm.

(b) Liên minh các gia đình (League of families) có quân nhân bị mất tích trong chiến tranh Mỹ tại Việt Nam đã tin rằng nếu nhanh chóng mở rộng quan hệ với Việt Nam, Mỹ sẽ mất khả năng gây áp lực để khuyến khích Việt Nam hợp tác.

Tôi nhớ nhiều lần mà tôi ra Hà Nội để phiên dịch cho các Trưởng đoàn Mỹ thăm Việt Nam để thảo luận vấn đề tìm kiếm di hài của quân nhân Mỹ bị mất tích, như Ông Richard Armitage, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Quốc phòng Mỹ, về quốc tế sự vụ trong lĩnh vực an ninh, Cựu Đại tướng John Vessey, Đặc phái viên của hai Tổng Thống là Reagan và Bush (bố), và Thượng Nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch của Liên Minh các gia đình được phép đi theo, và tham dự tất cả các cuộc thảo luận.

(c) Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 4 năm của cựu Tổng Thống Bush (1989-1992) cũng có nhiều chính trị gia và tổ chức tại Mỹ bắt đầu nghĩ nên bỏ cấm vận.  Chính cựu Tổng Thống Bush, hồi tháng 4, năm 1992, mặc dù không bỏ cấm vận, đã sửa đổi chính sách một phần như sau: (1) cho phép cho các công ty Mỹ thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam; (2) Bỏ cấm vận cho 4 thứ sản phẩm là thiết bị y tế, thiết bị nông nghiệp, nhu yếu phẩm và dược phẩm.

Tiếp theo có tổng tuyển cử giữa Tổng Thống đương kim (Bush) và ứng cử viên Bill Clinton, Đảng Dân Chủ, được trúng cử.  Tôi đã có ấn tượng rằng nếu Tổng Thống Bush đã trúng cử, cho nhiệm kỳ thứ 2, ông Bush có lẽ sẽ bỏ cấm vận ngay trong năm 1993, vì chính ông đã bắt đầu mở rộng quan hệ với Việt Nam thêm một chút.  Hơn nữa về mặt chính trị, Tổng Thống Bush là cựu chiến binh đã chiến đấu trong đại chiến thứ 2, có thể dễ bỏ cấm vận và không trở thành mục tiêu chỉ trích của Đảng đối lập.

Thách thức cho Tổng thống Bill Clinton

{keywords}
Ông

Andre Sauvageot

Như vậy, Tổng Thống Clinton có những khó khăn cá nhân nào trong dỡ bỏ cấm vận, nên ông đã không làm được ngay sau trúng cử?

Trái lại với cựu Tổng Thống Bush, việc bỏ lệnh cấm vận là một khó khăn đáng kể cho Tổng Thống Clinton. Vì Đảng Cộng hoà thiên hữu, dễ tố cáo Tổng Thống Clinton là người đã trốn "nghĩa vụ" tham dự chiến tranh "chống cộng sản" tại Việt Nam.

Mặc dù, như chúng ta biết Tổng Thống Clinton vì nhìn xa, trông rộng và đủ can đảm, bỏ lệnh cấm vận ngày 3/2/1994, đúng ngày kỷ niệm thứ 64 Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng Sản VN.  Đương nhiên, vì việc này Tổng Thống Clinton bị thành phần cực hữu phê bình nặng nề.

Lực lượng ủng hộ gỡ bỏ cấm vận là những ai? Họ hành động như thế nào để ủng hộ Tổng Thống?

Tổng Thống Clinton được sự hỗ trợ của một số chính trị gia và tổ chức tại Mỹ. Đáng kể là sự hỗ trợ của Thượng Nghị Sĩ John McCain, vừa là người của Đảng Cộng hoà (đối lập đảng Dân Chủ của Clinton) và vừa là cựu chiến binh đã bị bắn rơi trên Miền Bắc, bị bắt và là tù binh trong trại giam Hoả lò, Hà Nội.  Cũng có một số cựu chiến binh khác đáng kể, như Thượng Nghị sĩ John kerry và cá nhân tôi, rất mong bỏ qua quá khứ hướng tới tương lai vì lợi ích của cả hai nước.

Hai TNS Kerry và McCain đã đoàn kết để hỗ trợ Tổng Thống Clinton bò lệnh cấm vận. Ví dụ TNS Kerry với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt về lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam đã thăm Việt Nam nhiều lần để gặp cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

Cũng có lúc TNS McCain đi theo.  Vì vậy, có lúc tôi là người phiên dịch cho cả hai vị, kể cả một lần lúc thăm Hoả lò, trại giam mà McCain đã là tù binh. Lúc về Mỹ, hai TNS đều báo cáo đúng sự thật về sự hợp tác của Chính phủ và nhân dân Việt Nam để giúp tìm ra các di hài và thông tin về lính Mỹ đã bị mất tích.  Như thế, môi trường chính trị tại Mỹ đã bắt đầu thay đổi.

Thêm vào đó, một số công ty Mỹ bắt đầu thành lập các văn phòng đại diện tại Việt Nam sau sự nới lỏng của Tổng thống Bush vào tháng 4.1992.  Các công ty này, đương nhiên, mong chính phủ Mỹ bỏ cấm vận để có thể mở thị trường, bán sản phẩm của mình tại Việt Nam.

Cũng từ đó, đương nhiên, các công ty, các doanh nghiệp của Mỹ đạt được sự chú ý, sự hỗ trợ của một số hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ mà có thiện chí giúp các công ty trong khu vực của họ, và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các công ty trong quận, hay tiểu bang của họ.

Bản thân ông, cả với tư cách người ủng hộ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, vừa là đại diện công ty General Electric đang mong muốn bản sản phẩm ở Việt Nam, đã sử dụng những biện pháp nào để thúc đẩy việc gỡ bỏ cấm vận?

(a) Như đã nói trên, phiên dịch cho TNS Kerry nói riêng, và các phái đoàn của Quốc hội Mỹ thăm Việt Nam nói chung, để giúp họ tìm hiểu thêm sự thật về Việt Nam cùng chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, và thiện chí hợp tác để cải thiện quan hệ Việt-Mỹ, trên cơ sở nguyên tắc hai bên đều cùng có lợi.

(b) Giới thiệu nhiều doanh nhân cao cấp Mỹ cho quan chức Nhà nước Việt Nam để hai bên quen biết nhau, thêm phấn khởi làm ăn với nhau, và sẵn sàng vận động chính phủ Mỹ bỏ cấm vận.

(c) Đặc biệt và hữu ích đối với tôi là nhiều cơ hội gặp các phái đoàn Quốc hội Mỹ lúc họ thăm Việt Nam để tìm hiểu tình hình, và thảo luận với một số doanh nhân Mỹ đã bắt đầu thường trú tại Việt Nam. Vì tôi là Trưởng Đại diện của công ty General Electric (GE), một công ty lớn bao gồm nhiều doanh nghiệp mà có khả năng đóng góp vào hạ tầng cơ sở của Việt Nam như thiết bị năng lượng, động cơ máy bay, máy bay cho thuê, đầu máy xe lửa, tôi thường được mời gặp họ nhằm trao đổi ý kiến, hay phát biểu, nhân danh GE.

Có một điều tế nhị là GE vừa hoanh nghênh cho tôi làm như thế, miễn là không đạt được sự chú ý của báo chí Mỹ. Bởi vì GE thừa biết tại nước Mỹ vẫn có nhiều người dân chưa đồng ý làm kinh doanh với Việt Nam, và việc vận động gỡ bỏ lệnh cấm vận có thể làm mất lòng của một số khách hàng Mỹ, thường mua sản phẩm GE như là tủ lạnh, bóng đèn, thì bất lợi cho GE.  Vì vậy, tôi rút kinh nghiệm luôn luôn hỏi các phái đoàn tham quan, rằng "Thưa quý vị hôm nay có báo chí tham dự không?"

Nếu có, tôi không dám nói nhiều, chỉ một vài câu an toàn như: "Công ty GE chúng tôi rất vui mừng Tổng Thống cho phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, và chúng tôi rất phấn khởi tìm hiểu tiềm năng của thị trường Việt Nam.  Trong quá trình nghiên cứu thì chúng tôi sẽ theo chặt chẽ chính sách của Chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ."

Tuy nhiên, lúc không có báo chí, tôi đi thẳng vào việc giải thích đủ các lý do lệnh cấm vận là vô lý, bất lợi cho cả hai nước, như mất cơ hội tạo ra việc làm cho nhân dân lao động tại Mỹ như là tại các phân xưởng chế tạo tua khí, tua bin hơi, tua bin nước, máy phát điện, động cơ máy bay, đầu máy xe lửa...

Trong những cuộc thảo luận, tôi đã hiểu nhiều nghị sĩ Mỹ và các thành viên trong đoàn có nhiều định kiến sai lầm về Việt Nam, xuất phát từ chiến tranh và tuyên truyền của chính phủ Mỹ trong chiến tranh và một phần sau khi chiến tranh chấm dứt. Nên tôi phát triển một biện pháp giúp họ xoá bỏ định kiến sai lầm như sau:

Tôi mở lời phát biểu bằng lời khen cựu Tổng Thống Bush (bố) đã vận động Quốc hội Mỹ mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc. Sau đó, tôi đạt câu hỏi tại sao không mở quan hệ thương mại với Việt Nam.  Mặc dù thị trường Việt Nam là nhỏ hơn Trung Quốc, thì nguyên tắc đa dạng hoá quan hệ thương mại của Mỹ toàn cầu cũng như thế.

Có nhiều lần một thành viên của phái đoàn trả lời câu hỏi của tôi như là "Thưa Ông Sauvageot, chúng tôi rất quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, nên có lẽ chưa gỡ bỏ cấm vận được."  Họ vô tình đã tạo cơ hội cho tôi giải thích cho họ rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam luôn tốt hơn Trung Quốc về nhiều mặt.

Và như thế là tôi thường áp dụng một kỹ thuật gọi là "game" - tức là đặt một số câu hỏi cho ai đó trong đoàn trả lời. Nếu họ trả lời đúng thì tôi nói đúng, nếu không tôi giải thích cho họ tại sao họ sai.

Ví dụ tôi hỏi các câu hỏi, trong hơn 190 nước trên thế giới, các vấn đề chỉ liên quan tới Trung Quốc và Việt Nam, và khả năng đoán đúng của họ là 50%.

Chẳng hạn, tôi nếu những hiện tượng như "Trăm hoa đua nở", "Đại Nhảy Vọt", "Cách mạng Văn hóa", "Hồng vệ binh", rồi "Nước nào đã hy sinh xương máu để cứu Căm-pu-chia, lật đổ Khmer Đỏ để người dân Khmer được tự do thoát khỏi ách nô lệ, khủng bố của Khmer Đỏ"...

Rồi với từng trường hợp tôi luôn trả lời "Đúng" hoặc "Sai", kèm theo lời giải thích cụ thể với các thành viên trong đoàn.

Sau khi đàm thoại với họ, tôi hỏi: Như thế tại sao nước Mỹ lại cấm vận Việt Nam?  Xin quý vị về Mỹ hãy suy nghĩ và vận động các đại biểu khác, cũng như bên hành pháp, bỏ lệnh cấm vận Việt Nam.

Kết quả là nhiều nghị sĩ và thành viên trong đoàn, sau khi về nước, đã viết thư cảm ơn tôi đã mở mắt cho họ về thực tế ở Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Huỳnh Phan (Thực hiện)