Khẳng định, kiều bào là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh thành phố phục hồi sau dịch bệnh và phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo, trong năm 2022, thành phố Hồ Chí Mình sẽ mời kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài tham dự và đóng góp sáng kiến tại các sự kiện, hội thảo, diễn đàn.
Hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn
Tại cuộc gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào với chủ đề “Trở về quê hương, đóng góp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh - hiện đại - nghĩa tình”, ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thông tin: Hiện nay, lượng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ với sự góp mặt của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Đại bộ phận đồng bào có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại.
Thời gian qua, giới trí thức, doanh nhân kiều bào, đã trở về nước, về thành phố Hồ Chí Minh từ rất sớm, trực tiếp tham gia các đề án, chương trình hợp tác, đầu tư hoặc vận động cộng đồng, vận động và làm cầu nối các hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, phát triển thành phố.
Thành phố đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Áo, Singapore…) về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn tại thành phố.
Hiện nay, khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 nghìn tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu.
Theo số liệu được cơ quan chức năng cung cấp, số lượng đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú - tức là xin được hồi hương từ năm 2018 đến hết tháng 8/2022 có hơn 400 trường hợp, trong đó đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp.
Mỗi kiều bào là một cầu nối quan trọng
Bên lề hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào với chủ đề “Trở về quê hương, đóng góp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh - hiện đại - nghĩa tình”, ông Lê Ngọc Lâm (kiều bào Nhật) cho biết, sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách, năm 2006, ông quyết định hồi hương về Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động sang Nhật… Mong muốn của ông là chính quyền địa phương xem trọng hơn nữa vai trò của kiều bào hồi hương và thân nhân kiều bào tại Việt Nam.
“Thân nhân, kiều bào hồi hương là cầu nối rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu bởi qua họ, doanh nghiệp sẽ kết nối được với các Việt kiều đang ở nước ngoài. doanh nghiệp xuất khẩu muốn bán hàng ra nước ngoài thuận lợi và mở rộng thị trường rất cần có điểm tựa ở nước ngoài. Đó là những người đang sống, làm việc ở nước sở tại, hiểu được nhu cầu của người dân địa phương. Mà muốn kết nối với Việt kiều thì phải tiếp cận với những kiều bào hồi hương đang có con cháu ở nước ngoài để được hỗ trợ” – ông Lâm cho biết.
Bà Đinh Kim Nguyệt, Việt Kiều Canada, nhận thấy người Việt Nam định cư tại nước ngoài có vai trò rất lớn trong kết nối quan hệ hai nước Việt Nam - Canada. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến nhiều kiều bào e ngại khi trở về quê hương sinh sống, làm việc là vấn đề đăng ký thường trú.
Theo bà Nguyệt, nhiều người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã lâu nên không còn hiểu rõ luật pháp VN. Hiện bà đang làm công việc hỗ trợ, giúp đỡ kiều bào tại Canada hiểu về luật pháp, thuế. Ngoài ra, bà còn giúp kiều bào liên lạc với Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài để họ tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Bà Mimi Vũ, kiều bào Mỹ về khởi nghiệp tại Việt Nam từ năm 2020 trong lĩnh vực tư vấn xã hội, môi trường. Sau khi hết hạn thị thực cho nhà đầu tư, bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp thị thực mới.
Bà Mimi Vũ kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ kiều bào trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy phép lao động và tạm trú cho kiều bào trẻ có dưới 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam.
“Điều này sẽ giúp thu hút các thế hệ doanh nhân trẻ và các nhà đầu tư mang dòng máu Việt Nam có mong muốn mang tài chính về cho đất nước”, bà Mimi Vũ bày tỏ.
Nâng chất công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của kiều bào đồng thời nhìn nhận mong muốn kiều bào trở về đóng góp xây dựng quê hương không chỉ là của thành phố mà đó còn là mong muốn chung của cộng đồng những người Việt Nam ở nước ngoài.
Dù với nguồn gốc, xuất thân khác nhau, lý do ra nước ngoài khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, tuy nhiên với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, đã tác động tích cực thu hút đông đảo bà con kiều bào hướng về quê hương, cội nguồn, tích cực giúp đỡ thân nhân, gia đình trong nước.
Ông Chất khẳng định với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, các kiều bào mong muốn tiếp tục đóng góp tâm sức, cùng nhân dân cả nước xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cố gắng, phối hợp cùng các sở ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ kiều bào trong việc xử lý các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Được biết, trong thời gian tới thành phố sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp chung của 3 cơ quan đối ngoại của thành phố là Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Sở Ngoại vụ trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài, trong đó có kiều bào, góp phần phát triển kinh tế cho thành phố.
Bảo Phùng, Phạm Ánh, Huy Linh