Gần đây, không chỉ ở nước ta mà cả nhều nước khác rộ lên những vụ tai tiếng về sự dối trá trong lớp người chức cao học rộng, từ chuyện “đạo văn” đến chuyện “bịa văn”. Sự cố phát minh”dởm”nguyên tố hoá học 118 được kể sau đây cũng có thể xếp vào loại “bịa văn” đó.
TIN LIÊN QUAN
Kỉ lục số bài báo khoa học bị rútTIN LIÊN QUAN
Ánh vinh quang loá mắt con người
Trong lĩnh vực nghiên cứu các nguyên tố siêu nặng, việc phát hiện một nguyên tố mới, thêm một ô mới trong bảng tuần hoàn các nguyên tố (BTHNT) được xem là một sự kiện khoa học, một phát minh lớn, đem lại niềm vinh quang xứng đáng cho các chủ nhân của phát minh.
Phòng thí nghiệm LBNL, Mỹ. |
Điều này cũng dễ hiểu, nếu biết rằng chi phí cho thí nghiệm tổng hợp một hạt nhân siêu nặng lớn đến mức nào và việc phát hiện nó khó khăn đến nhường nào.
Từ các tấm bia đến cỗ máy gia tốc phát ra chùm hạt nặng (cường độ lớn, năng lượng cao), để khi hạt nặng bắn vào hạt nhân bia sẽ kết hợp với nhau và tạo nên một hạt nhân siêu nặng mới. Từ một cổ máy phân tách hạt nhân (theo khối lượng; điện tích) có độ phân giải cao đến một hệ ghi đo hiện đại nhất gồm đầu dò; máy tính và chương trình phần mềm cho phép phát hiện chính xác và nhanh chóng hạt nhân mới lạ hiếm hoi. Riêng tấm bia siêu tinh khiết bằng chất Californium đắt gấp vàng ròng cả trăm lần và máy gia tốc”khủng” loại nhất nhì thế giới có giá nhiều trăm triệu USD…
Việc ghi nhận được một hạt nhân mới, tìm thêm một nguyên tố siêu nặng là vô cùng khó khăn, vì sác suất tạo thành hạt nhân mới rất thấp mà thời gian sống của nó lại rất nhỏ; thậm chí dưới một phần nghìn giây. Chính vì thế, trong ngót 100 năm qua, bao nhiêu nhà khoa học tài ba của thế giới, chủ yếu ở 3 trung tâm lớn nhất, GSI ở Darmstad (Đức); JINT ở Dubna (Nga) và LBNL ở Berkley (Mỹ), chỉ phát hiện được 23 nguyên tố mới, tức lấp đầy 23 ô trống trong BTHNT từ ô thứ 95 đến ô 117.
Do đó, việc tạo được một loại hạt nhân mới, tìm thấy một nguyên tố mới như 118 trở thành một sự kiện khoa học lớn, một bước tiến mới trên con đường khám phá những quy luật mới của cấu trúc hạt nhân nguyên tử, những bí ẩn của thế giới tự nhiên. Vinh quang đó thôi thúc niềm say mê lao động sáng tạo của các nhà khoa học chân chính và cũng làm loá mắt một số người tham lam muốn đoạt được bằng con đường ngắn nhất, kể cả sự dối trá.
Nhà phù thuỷ Ninov và trò úm ba la
Victor Ninov, gốc Bungari, được đào tạo ở Trung tâm nghiên cứu lớn GSI của nước Đức, ở đó ông đã tham gia các thí nghiệm và được đứng tên trong các công trình tìm kiếm những nguyên tố siêu nặng 110 (darmstadtium), 111 (roentgenium) và 112 (copernicium). Ông được xem là chuyên gia chính về phần mềm xử lý số liệu tổng hợp và phân rã của hạt nhân siêu nặng.
Với vốn liếng đó ông được mời qua Mỹ làm việc ở một Trung tâm nghiên cứu quốc gia nổi tiếng nhất nước Mỹ và thế giới, Phòng thí nghiệm quốc gia mang tên Lawrence ở Berkley ( LBNL) trong nhóm Hoá hạt nhân về nguyên tố siêu nặng. Không ai có thể ngờ rằng, ở đây ông đã hiện nguyên hình là nhà phù thuỷ siêu hạng trong khoa học.
Câu chuyện bắt đầu từ mùa Xuân 1999 với một loạt thí nghiệm quan trọng với sự có mặt của Nenov. Suốt năm ngày đầu tháng Tư năm đó, trên chùm hạt của máy gia tốc, các “viên đạn” krypton (Kr) chuyển động với tốc độ gần ánh sáng bắn phá liên tục vào các hạt nhân chì (Pb). Các sản phẩm phản ứng được phân loại theo năng lượng, vị trí, thời gian và ghi lại trong bộ nhớ máy tính. Một lượng khổng lồ số liệu thô nằm trong tay Ninov và ông được toàn quyền xử lý bằng chương trình máy tính của mình. Và chính ông là người viết ra kết quả cuối cùng của thí nghiệm trao cho nhóm nghiên cứu.
Ninov và phép phù thủy tạo ra nguyên tố 118. |
Điều Ninov theo đuổi là tìm mọi cách chứng tỏ hạt nhân Kr (36 proton) và hạt nhân Pb (82 proton) đã kết hợp nhau để tạo thành một hạt nhân 118 (36 + 82 = 118 prton) rồi phân rã thành những hạt nhân con cháu. Như vậy, thay cho đống số liệu thô thu được nhờ các thiết bị công nghệ tiên tiến và máy tính hiện đại sử dụng trong thí nghiệm, Ninov quyết định làm trò úm ba la bằng thứ công nghệ thấp, thủ công, đó là chép tay những con số, sự kiện ngụy tạo vào hai thếp giấy màu vàng!
Bằng cách đó, Ninov báo cáo với đồng nghiệp rằng đã tìm thấy 3 sự kiện phân rã của hạt nhân mới 118 và hạt nhân này phân rã tạo thành những hạt nhân nhẹ hơn là 116, tiếp theo là những hạt nhân đã biết như 114, 112… cuối cùng là 106.
Sau hai tuần nữa, một thí nghiệm khác lại được tiến hành và Victor Ninov lại tuyên bố tìm thấy một dây chuyền phân rã khác chứng tỏ hạt nhân 118 đã được tạo ra.
Trước những kết quả bất thường này, cũng có người tỏ ra băn khoăn, nhưng cuối cùng không có ai đặt vấn đề quay trở lại kiểm tra những số liệu thô đã dẫn đến kết luận của Ninov.
Và cứ thế, một thông báo về phát minh nguyên tố 118 đã gửi đến tạp chí Physical Review Letters, được công bố vào ngày 9 tháng 8 năm 1999. Tên tác giả dẫn đầu là TS. Victor Ninov và tiếp theo là 14 đồng tác giả khác, trong đó có cả một số nhà khoa học có tên tuổi.
Quả thật, ánh hào quang đã làm lóa mắt không chỉ một con người.
Trèo cao…ngã đau
May mắn thay, trên thế giới này, ít ra trong “quốc gia khoa học” nền dân chủ với tính minh bạch và lẽ công bằng còn được tuân thủ nghiêm túc. Chính nhờ đó, cái gọi là phát minh nguyên tố 118 không dễ dàng trôi qua trot lọt.
Theo quy định, trước khi một nguyên tố mới được cung tiến vào “lâu đài thế giới tự nhiên”, được gắn với một danh xưng thay vì một con số như 118, cơ quan quyền lực cao nhất - Hiệp hội Hoá học Cơ bản và Ứng dụng Quốc tế (IUPAC) – giao cho một số phòng thí nghiệm nổi tiếng trên thế giới kiểm chứng lại.
Công trình phát minh nguyên tố 118 cũng phải tuân thủ nguyên tắc đó. Ngay trong mùa đông đó, phòng thí nghiệm GSI đã tiến hành thí nghiệm y hệt như nhóm khoa học của Ninov ở LBNL thực hiện trước đó. Nhưng kết quả ngược lại: không tìm thấy một dấu vết nào liên quan với một dây chuyền phân rã từ một “hạt nhân ảo” 118 nào đó.
Chỉ vài tháng sau nữa, Viện RIKEN ở Nhật bản cũng thực hiện nhiệm vụ được giao, kiểm tra trên máy gia tốc của mình thí nghiện của Ninov. Laị một lấn nữa không thấy đâu hạt nhân siêu nặng 118.
Điều oái oăm là chính các tác giả của “phát minh 118” cũng không lập lại được kết quả của chính mình khi buộc phải trình diễn lại thí nghiệm cũ. Đó là mùa Xuân 2000. Cũng với bia Pb, đạn Kripton, cũng hệ thiết bị, công cụ tính toán của chính mình. Chỉ khác là lần này quá trình phân tích và tính toán đều được tiến hành tập thể. Và kết quả là một quả đắng: không có một dấu vết nào chứng tỏ hạt nhân 118 xuất hiện.
Một cuộc điều tra nội bộ lập tức được tiến hành. Một đoàn kiểm tra được thành lập và phân tích lại toàn bộ các số liệu thô thu được trong thí nghiệm đầu năm 1999 của nhóm nghiên cứu LBNL. Phũ phàng thay, không thu được kết quả nào chứng tỏ ê kip Ninov đã từng “chộp” được một số hạt nhân 118, không có một kết luận nào trùng với kết quả như Ninov đã thông báo.
Rõ ràng, Victor Ninov đã gian lận. Rõ ràng, là người duy nhất đảm nhận trọng trách dịch từ khối dữ liệu thô đồ sộ thành các kết quả cuối cùng, Ninov đã nhập thêm các dữ liệu tự tạo cốt để dẫn đến kết quả “dởm” và “phát minh dởm” nguyên tố 118.
Đúng hai năm sau bản tuyên bố vội vàng tìm thấy 118 (và cả 116), ngày 27 tháng 7 năm 2001, cũng trong số tạp chí Physics Review Lettes, Phòng thí nghiệm LBNL đã chính thức gửi thư xin rút lui lời tuyên bố và bài báo trước đây. Không đợi đến cử chỉ đó, Ban biên tập tạp chí khoa học nói trên cũng đã loại bỏ bài báo của nhóm tác giả, đứng đầu là Victor Ninov.
Chịu trách nhiệm lớn nhất về công trình phát minh dởm nguyên tố mới 118, Tiến sĩ, nhà ảo thuật Victor Ninov đã bị Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence ở Berkley (California) sa thải.
Hình phạt đó là thỏa đáng. Nhưng đối với một nhà khoa học Ninov, hình phạt vô hình khác còn nặng nề hơn, mang tiếng suôt đời là gian dối, một kẻ “bịa…văn” và thực sự không còn con đường nào trở lại với cộng đồng khoa học.
Trần Thanh Minh