- Góp ý cho chương trình 5 triệu ha rừng, nhiều đại biểu Quốc hội "phê" Chính phủ quản lý lỏng lẻo làm thất thoát tài sản và đề nghị làm rõ trách nhiệm.

>> Dựa vào dân để giữ rừng
>> "Kiên quyết dừng cho nước ngoài thuê đất rừng"
>> Cho nước ngoài thuê đất rừng:Chính phủ nói 10, QH bảo 18

Chỉ giao rừng trên giấy

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, chương trình trồng rừng đã yếu ngay từ khâu lập quy hoạch. "Yếu đến mức không nắm được diện tích đất rừng, vì vậy đã làm sai lệch một số liệu cơ bản về tình trạng của các loại rừng".

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình). Ảnh: Minh Thăng
Chính vì sơ suất đó nên liên tiếp sau khi Quốc hội khóa 10 ra nghị quyết không sát thực tế thì các khóa sau đã phải điều chỉnh mục tiêu, thay vì  trồng mới 5 triệu ha rừng chuyển sang chỉ còn trồng mới 3 triệu.

Quy hoạch đã vậy, mà quá trình triển khai cũng "vấp" nhiều vấn đề. Theo ông Diệu, việc cắm mốc phân loại rừng, phân định địa giới ở nhiều địa phương đến nay vẫn chưa làm được và có thể sẽ không làm được, việc giao đất, giao rừng vì thế cũng đang là vấn đề bức xúc,  nhiều nơi chỉ giao đất trên hồ sơ, giấy tờ. Chưa rõ ai phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, việc đánh giá kiểm điểm chưa đầy đủ và có biểu hiện của sự né tránh, đặc biệt là phần đánh giá chất lượng của rừng. "Những mục tiêu quan trọng hàng đầu của dự án chưa đạt được, nhưng không phải vì thế mà né tránh. Tồn tại khuyết điểm trong công tác quản lý điều hành ở các bộ, ngành, địa phương cũng chưa được phân tích làm rõ", ông Diệu nói.

Thậm chí, kiến nghị giám sát hay kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các sai phạm đã được xử lý đến đâu cũng không được tổng kết.

"Có hay không những sai phạm trong quản lý sử dụng nguồn vốn như chi vượt, chi trùng, chi sai mục đích, sử dụng vốn trồng rừng để xây trụ sở, sắm ô tô. Vốn trồng rừng thiếu nhưng để tồn dư cao dẫn đến sử dụng sai mục đích đến hàng trăm tỷ đồng, không theo dõi và kiểm soát được gây thất thoát, lãng phí. Nhiều đề tài của ngành lâm nghiệp thuộc vốn sự nghiệp nhưng lại chiếm dụng hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn trồng rừng để triển khai. Đây là những vấn đề cần phải  công khai mà ĐBQH  không thể không biết", ông Diệu nói.

Ông Diệu cho rằng, tới đây, Chính phủ phải phân tích kỹ hơn chất lượng rừng. Mục tiêu sắp tới là hạn chế tối đa việc chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên nguyên sinh sang trồng rừng kinh tế, nhất là trồng cao su, cà phê. Đồng thời công khai kết quả xử lý các sai phạm và báo cáo với Quốc hội việc kiểm điểm trách nhiệm cũng như hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong quá trình quản lý, điều hành dự án.

Ý kiến của ông Diệu nhận được chia sẻ của các ĐBQH khác. Theo đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai), báo cáo cũng mới đánh giá kết quả đạt được về số lượng là diện tích rừng trồng mới và diện tích được bảo vệ nhưng chưa đánh giá về chất lượng trong khi diện tích đất núi trọc còn lớn và tình trạng xâm hại lấn rừng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

Giao quyền cho chủ tịch tỉnh

Nhiều đại biểu khác cũng nêu dẫn chứng phân tích hiện trạng mất đất, mất rừng với hàng loạt nguyên nhân như phá rừng, cháy rừng, xây dựng công trình thủy điện lấn chiếm đất rừng...

Nhiều "sáng kiến" giữ rừng cũng được phân tích, mổ xẻ. Quan điểm chung của các ĐBQH là phải xử nghiêm vi phạm và đặc biệt là xây dựng cơ chế khuyến khích giúp dân hưởng lợi từ rừng, từ đó giữ diện tích rừng còn lại.

Đại biểu Hà Văn Khoát (Bắc Kạn) cho rằng, giao rừng cho dân thì về cơ bản rừng được bảo vệ tốt. Nhưng rừng giao cho chính quyền địa phương, cho cộng đồng, kể cả khu bảo tồn vườn quốc gia đã có lực lượng chức năng bảo vệ đều rất khó giữ.

"Tôi kiến nghị đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho hộ dân quản lý, đồng thời sửa một số cơ chế chính sách bảo vệ đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho phù hợp như việc giao cho hộ dân bảo vệ khoanh nuôi và được thu hoa lợi từ cây đổ, cành gãy, cây già cỗi chết mà rừng nào cũng có, thay vì cấm ngặt nhưng thực tế là không cấm được", ông Khoát nói.

Theo ông, nếu không được hưởng lợi từ rừng, người dân sẽ dễ dàng tiếp tay cho lâm tặc.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, đầu tư trực tiếp cho con người, đặc biệt là 14% đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở các vùng rừng núi không chỉ giúp bảo vệ và phát triển rừng mà còn góp phần giảm nghèo.

Từ góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) "hiến kế": Lâu nay, vai trò của chủ tịch tỉnh giống như một vị tư lệnh của lãnh thổ. Do đó, đề nghị giao quyền để họ chịu trách nhiệm quản lý lãnh thổ, vận động nhân dân để dân giữ rừng. Mặt khác, nghiêm cấm tất cả những xưởng gỗ tiếp tay cho lâm tặc.

Nghị quyết về kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sẽ được biểu quyết cuối kỳ họp.

Lê Nhung