Mỗi lần nhớ con, bà Bảy chỉ còn biết ngắm những tấm ảnh cũ do vợ chồng người Pháp gửi về từ nhiều năm trước.

“Chỉ vì muốn con có cuộc sống tốt đẹp hơn”

Điện thoại reo với số lạ, anh Trần Phi Cường (36 tuổi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) nhấc máy trong tâm trạng hồi hộp. Anh hy vọng những cuộc gọi sẽ đem đến chút tin tức nào đó về người em gái ruột đã thất lạc 25 năm nay.

Đó là người em gái anh chưa từng gặp mặt, được cha mẹ cho đi làm con nuôi khi mới 20 ngày tuổi. 

Anh nói: “Tôi chưa được gặp em lần nào. Quá trình mẹ tôi sinh nở em rồi ký giấy cho em đi làm con nuôi người ta như thế nào, tôi cũng không được biết. Sau này, tôi mới được mẹ kể lại”.

Mẹ anh Cường, bà Trần Thị Bảy (62 tuổi, huyện Hàm Tân) vốn là người Quảng Trị. Những năm 80, vì cuộc sống quá khó khăn, bà dắt 3 đứa con nheo nhóc vào tỉnh Bình Thuận rồi vào Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống.

Ngày được cho đi làm con nuôi, bé Giang Hà mới tròn 20 ngày tuổi.

Tại đây, bà đi thêm bước nữa với một người đàn ông. Không nghề nghiệp, cả hai thuê mướn mưu sinh. Dẫu đã tất bật với đủ công việc nặng nhọc, cả hai vẫn không lo nổi cho gia đình 5 miệng ăn. 

Đã vậy, bà Bảy còn đau ốm, bệnh tật triền miên, cần có một số tiền để thuốc thang hàng tháng. Không còn lựa chọn, bà và chồng cho 2 đứa con lớn đi ở mướn, chăn bò thuê cho người ta. 

Năm 1996, bà Bảy mang thai đứa con thứ 4. Một năm sau, bà lại cấn bầu rồi hạ sinh đứa con gái thứ 5. Bà kể: “Tôi sinh con vào ngày 19/3/1997 tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Chúng tôi đặt tên cho con là Phan Thị Giang Hà”.

Gia đình vốn đã khó khăn, sinh thêm 2 con, vợ chồng bà Bảy lại càng thắt ngặt. Bệnh tình, sức khỏe của bà cũng vì những lần sinh nở nối tiếp nhau mà bào mòn.

Sau khi sinh Giang Hà ít ngày, sức khỏe bà Bảy sa sút nghiêm trọng, phải nhập viện điều trị. Đúng lúc này, chồng bà quyết định cho đứa con gái mới sinh. 

25 năm trước, việc cho con của bà Bảy diễn ra tại một khách sạn ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. 

Ông không bàn trước với vợ, lặng lẽ nghe theo lời hướng dẫn của một người hàng xóm, đem con cho vợ chồng người Pháp đang ở tạm tại TP.HCM. Ông hy vọng, quyết định ấy sẽ giúp đứa con út của mình có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trở về từ bệnh viện, bà Bảy không thấy đứa con gái bé bỏng của mình đâu. Bà gặng hỏi thì được chồng cho biết đã đem cho vợ chồng người nước ngoài trên TP.HCM. Nghe chuyện, bà giật mình thảng thốt, ôm mặt khóc tu tu.

Bà nhớ lại: “Thấy tôi đau lòng, khóc ngất, ông ấy khuyên giải rằng cho con đi để con có tương lai tốt đẹp hơn. Mình nghèo quá, không đủ sức chăm lo, con sẽ khổ”.

“Nghĩ lúc ấy gia đình khổ quá, bản thân lại bệnh tật triền miên nên tôi cắn răng đồng ý với quyết định của chồng. Ít hôm sau khi từ bệnh viện về nhà, tôi theo người trong xóm lên TP.HCM ký giấy cho con”, bà kể thêm.

Bà Bảy ôm hôn con trước khi rời TP.HCM trở về nhà.

Cạn nước mắt tìm con

Bà Bảy nhớ đó là một khách sạn ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tại đây, bà được gặp đôi vợ chồng người Pháp và đứa con gái chưa đầy 1 tháng tuổi của mình. 

Sau ít phút gặp con, bà được yêu cầu ký các thủ tục cho con nuôi. Trước khi ký, bà đặt điều kiện sau khi cho con, bà được biết thông tin về con, giữ những giấy tờ liên quan đến sự việc cho con.

Nữ luật sư làm nhiệm vụ kết nối bà với vợ chồng người Pháp đồng ý với những yêu cầu đó. Thế rồi, nhớ đến lời chồng cùng niềm tin con sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, bà nuốt nước mắt vào lòng, đặt bút ký các giấy tờ được soạn sẵn trên bàn. 

Trước khi giã biệt, bà ôm hôn đứa con bé bỏng trong giàn giụa nước mắt. Về nhà với niềm tin “khi vợ chồng người Pháp ổn định sẽ cho mình biết địa chỉ, tình hình cuộc sống của con”, bà Bảy tạm yên lòng trị bệnh.

Hình ảnh bé Giang Hà được mẹ nuôi người Pháp ẵm bồng.

Nhưng hết tuần này sang tháng khác, bà không hề nhận được thông tin gì về con. Sốt ruột cộng thêm nỗi nhớ con da diết, bà tìm đến những người từng kết nối, hướng dẫn bà trong việc cho con để tìm hiểu.

Tất cả đều không có kết quả. Ngoài thông tin cặp vợ chồng người Pháp sống ở Paris, bà hoàn toàn không biết gì thêm. Ít tháng sau, nữ luật sư đem về cho bà 500.000 đồng cùng vài bộ quần áo, hình ảnh của Giang Hà kèm một lá thư tay của cặp vợ chồng người Pháp.  

Trong thư, vợ chồng này chỉ cho biết Giang Hà vẫn khỏe rồi cảm ơn bà đã giúp mình có được đứa con gái nuôi kháu khỉnh. Điều bà mong cầu nhất là được biết địa chỉ cụ thể của con thì không được hồi đáp. Đó cũng là những thông tin cuối cùng về Giang Hà mà bà Bảy được biết.

Bé Giang Hà và cha nuôi người Pháp. 

Anh Cường chia sẻ: “Sau khi cho em Giang Hà, mẹ tôi lúc nào cũng nhớ em. Bà hối hận tột cùng và dành hết những sức lực cuối cùng để tìm kiếm thông tin về em”.

“Đặc biệt là khi những người được cha mẹ cho đi làm con nuôi cùng thời điểm với em tôi đã trở về thăm cha mẹ ruột, mẹ tôi càng đau khổ. Bà gần như chỉ sống để tìm kiếm thông tin em tôi”, anh tâm sự thêm.

Cảm nhận được nỗi đau của mẹ, anh Cường cố gắng đưa bà hoặc một mình tìm đến những nơi trước đây biết việc bà Bảy cho con để hỏi thăm tin tức. Anh nỗ lực tìm người luật sư năm xưa đứng ra lo giấy tờ trong việc mẹ anh cho con…

Thế nhưng tất cả đều vô vọng. Anh và mẹ không thu được bất cứ thông tin đáng hy vọng nào. Anh kể: “Sau khi được cho, em tôi sống với bố mẹ nuôi người Pháp trong 6 tháng tại một khách sạn ở TP.HCM”.

“Khi chúng tôi tìm đến, nơi đây đã bị giải tỏa, chủ khách sạn cũng rời đi nơi khác. Những người xung quanh cũng không biết thông tin gì về đôi vợ chồng người Pháp cùng em gái tôi”, anh nói thêm.

Lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng đôi vợ chồng người Pháp gửi cho bà Bảy để thông tin về tình hình của bé Giang Hà.

Sau những lần tìm con bất thành, bà Bảy tuyệt vọng cùng cực. Bệnh tật và sự hối hận tột cùng sau lần cho đi con gái khiến bà Bảy ngày càng mỏi mòn, yếu ớt. Bây giờ, sống những tháng ngày cuối đời, bà vẫn mong mỏi một lần nhận được tin tức con.

Thương mẹ, thương cô em gái chưa một lần được gặp mặt, anh Cường tiếp tục đồng hành, cùng mẹ tìm kiếm Giang Hà. Anh tìm đến những người trong xóm từng được cha mẹ cho đi làm con nuôi người Pháp cùng thời điểm với Giang Hà để hỏi thăm, nhờ họ dò tìm tin tức em gái.

Anh gửi thư nhờ báo, đài đăng tải thông tin tìm em gái. Anh tham gia nhiều nhóm người Việt ở nước ngoài, đăng các bài viết tìm em trên mạng xã hội với hy vọng có ai đó biết Giang Hà… Tuy vậy, đến lúc này, gia đình anh vẫn chưa nhận được thông tin tích cực nào.

Anh Cường tâm sự: “Không có cha mẹ nào muốn cho con cái. Vì hoàn cảnh gia đình lúc đó quá khó khăn, mẹ tôi mới phải làm như thế. Bây giờ, nếu gặp lại, Giang Hà có hận cha mẹ, các anh, chúng tôi đều chấp nhận”.

“Nhưng chúng tôi vẫn muốn biết em còn hay mất, cuộc sống có tốt hay không. Mẹ tôi đã yếu nhưng không lúc nào không nhớ và mong ngóng em. Bây giờ, bà chỉ có một ước muốn duy nhất là được gặp em một lần”, anh nói thêm.

Bài: Hà Nguyễn

Ảnh: Nhân vật cung cấp