- Nửa cuối tháng 10 bỗng thành 'cao trào" với giáo dục đại học khi tình cờ các sự kiện xảy ra cùng lúc. Tuyển dụng công chức cho bộ máy công quyền, tỉnh Nam Định chỉ chấp nhận ứng viên có bằng đại học hệ chính quy của trường công lập.  Kết thúc mùa tuyển sinh ĐH năm nay, trước tình cảnh vét cạn thí sinh, không ít trường ngoài công lập đã phải cất lời kêu cứu. Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cũng sẽ cho ý kiến với dự luật Giáo dục đại học - một dự luật đề cập tới nhiều vấn đề bức thiết về nguồn nhân lực của đất nước hiện nay.

Các khách mời có mặt tại buổi giao lưu. Ảnh: Phạm Hải

Câu chuyện tưởng như rất nhỏ, rất riêng của một địa phương với một đối tượng tuyển dụng đặc thù (công chức) hóa ra lại chạm vào vào nhiều bức xúc của xã hội, khi mà sau hơn 1 tuần đăng tải, các thông tin phản hồi về câu chuyện tuyển dụngđào tạo vẫn dồn dập đổ về VietNamNet, chiếm số lượng kỷ lục trong các vấn đề nổi bật trong tuần.

Một quan chức Bộ Nội vụ, người đã từng ngồi nhiều hội đồng duyệt hồ sơ mở trường nói rằng, không ít hồ sơ mở trường  ngoài công lập chỉ với danh sách giảng viên "khai cho có". Sự phân luồng tuyển dụng của Nam Định "có vẻ không chính trị", chứ thực ra, nhiều đơn vị, kể cả các bộ, ngành trung ương phần nhiều "nói không" với hệ đào tạo tại chức và trường 'không phải của nhà nước" - chỉ khác là không "công khai" mà thôi.

Nhìn ở tầm xa, nhà báo Thẩm Tuyên, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM phân tích: "Nhà tuyển dụng cũng phải hiểu rằng người tài trong xã hội cạnh tranh có chân dung khác hẳn của thời bao cấp. Vậy tại sao Nam Định lại tự đóng khung mình vào “góc hẹp” của việc chọn người tài: ĐH công lập? Tư duy bằng cấp đã ăn sâu vào các nhà tuyển dụng".

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú, Thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn chỉ ra sau những thảo luận "tung trời" của độc giả:

"Bàn thì nhiều nhưng không ai đặt câu hỏi, liệu Nam Định trước khi đưa ra quyết định đó đã có điều tra hay nghiên cứu gì chưa. Bản thân việc điều tra hay nghiên cứu chuyện gì cũng cần có thời gian để suy nghĩ nhưng ít nhất cũng phải trả lời cho được các câu hỏi: chất lượng sinh viên dân lập thấp hơn sinh viên công lập như thế nào, định lượng ra sao, bao nhiêu công chức từng là sinh viên dân lập không hoàn thành nhiệm vụ so với sinh viên công lập, việc thi tuyển có thu hút được sinh viên công lập không, tỷ lệ so với sinh viên dân lập là bao nhiêu. Việc nghiên cứu cũng phải trả lời cho được câu hỏi, phân biệt trong tuyển dụng như thế vi phạm luật nào, sẽ bị xử lý ra sao, khả năng bị kiện cao không.

Nếu ai cũng như Nam Định, giải quyết công việc dựa vào cảm tính (tôi đi tôi thấy) thì sẽ còn nhiều vụ như Nam Định diễn ra, và không chỉ giới hạn vào chuyện tuyển dụng".

Soi ở cự ly gần, không ít ý kiến đồng cảm với "phản ứng tự nhiên" của nhiều nhà tuyển dụng, mà Nam Định là một tiêu biểu.

Ngay chính những người trong cuộc, là các giảng viên đại học đã trải lòng thấm thía: "đã có thâm niên 10 năm dạy đại học ở các hệ ở nhiều tỉnh, thành, trung tâm khác nhau, mặc dù thu nhập có tăng lên, cuộc sống có “dễ thở” hơn nhưng tôi cứ luôn “canh cánh” trong lòng, tự hỏi mình: liệu nhân cách nhà giáo của tôi đã bị hệ này làm “xói mòn", dù sau đó, những người học đã "bật" lại": Chính cách dạy tại chức của không ít người thầy, cách tổ chức dạy tại chức của không ít trường học mới làm cho kiến thức của sinh viên bị xói mòn và biến tướng một hệ đào tạo đang cần phát triển mạnh trong xu thế "học tập suốt đời" hiện nay.

Một dẫn chứng trực diện khác, kết thúc 3 đợt đón chờ thí sinh, các trường ĐH ngoài công lập đã phải ngồi với nhau 3 buổi tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng để cất một tiếng nói khẩn thiết: đề nghị Bộ GD-ĐT mở một cửa để các trường có đủ nguồn tuyển trong năm học này.

Trong bối cảnh đó, vào giữa tuần này, Bộ GD-ĐT, đơn vị soạn thảo dự luật Giáo dục đại học đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về dự án.

Bộ GD-ĐT cho biết, mục đích của luật là nhằm thế chế hóa các Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ 11 về đổi mới căn bản toàn diện nền GD-ĐT; tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về GDĐH và đổi mới quản lý của cơ sở GD, nâng cao chất lượng GDĐH; đẩy mạnh phân cấp quản lý GDĐH và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở GDĐH phù hợp với năng lực quản lý, năng lực tổ chức hoạt động GĐ và trách nhiệm xã hội.

Dự thảo, đến nay đã có bản thứ 5, trong quá trình hoàn thiện đã "chịu trận" không ít góp ý "nặng đô". Thứ trưởng Bùi Văn Ga, người phụ trách giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT cho biết, không nên đặt kỳ vọng luật có thể giải quyết được tất cả những vấn đề bức xúc.

Nam Định, và trước đó là Đà Nẵng, rồi Hải Dương...sáng suốt hay thiển cận? Hệ đào tạo tại chức đang bị kỳ thị hay chính bản thân nó đang chất chứa nhiều lệch lạc? Các trường ngoài công lập đang bị gánh định kiến hay chính nó đang bộc lộ dần điểm yếu của những người làm kinh doanh nhân danh giáo dục?

Trên tất cả, những ai bị thiệt trong cuộc chơi giáo dục đại học đầy sôi động và nhiều tiềm năng này; khi mà hiện nay, hơn 70% dân số nông thôn Việt Nam đang mơ giấc mơ đại học để đổi đời cuộc sống; còn hàng chục ngàn doanh nghiệp đang thiếu thốn trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao?


Để tạo cầu nối giữa bạn đọc với những người có trách nhiệm, VietNamNet tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến vào lúc 14h chiều ngày Thứ Sáu, 28/10. Khách mời gồm:

1. Ông Ngô Kim Khôi, phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)

2. GS Trần Xuân Nhĩ, phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập Việt Nam

3. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Buổi đối thoại do nhà báo Kim Dung chủ trì.

Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi tới các khách mời tại địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc vào mẫu phản hồi dưới đây.

(Lưu ý: các câu hỏi, ý kiến trao đổi gửi câu hỏi gõ tiếng Việt có dấu để thuận tiện cho chúng tôi). Cảm ơn các bạn.

Cập nhật: VietNamNet sẽ giới thiệu nội dung buổi bàn tròn vào thời gian tới. Mời các bạn đón xem

  • Ban Giáo dục - VietNamNet