Trong 2 giờ, tại Tòa soạn báo VietNamNet, Thượng tá Trần Trọng Hiển - Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an và ông Nguyễn Bùi Tuệ - Chuyên viên Cục phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ về những loại ma túy mới cực độc tại Việt Nam; các hình thức "núp bóng" ma túy thế hệ mới; các hình thức cai nghiện ma túy hiện nay; tư vấn cá nhân, gia đình cần làm gì khi có người thân nghiện ma túy...
VietNamNet
Giới thiệu khách mời
tất cả câu hỏi
Tôi thấy có thông tin ma túy có trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây… thật đáng sợ khi con em chúng ta không may dùng phải và bị nghiện. Làm thế nào để phân biệt được và phòng tránh được?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Vì lợi nhuận về kinh tế, tội phạm ma túy sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để mua bán trái phép chất ma túy. Hiện nay đang xuất hiện các loại ma túy “núp bóng”, “trá hình”, tội phạm ma túy đã tẩm ướp nhiều loại ma túy trong các sản phẩm như trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây… Những sản phẩm này đôi khi được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe, nhưng trong thực tế, chúng có thể chứa các chất độc hại hoặc ma túy, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Việc nhận diện các sản phẩm không an toàn và phòng tránh sử dụng là rất quan trọng để bảo vệ bản thân và gia đình. Do đó, hãy luôn chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác và giáo dục con em về sự nguy hiểm của ma túy cũng như cách phòng tránh để giữ gìn sức khỏe và sự an toàn; đặc biệt không để các cháu mua hàng trên mạng.
Bóng cười là gì? Bóng cười có phải là ma tuý không? Hít bóng cười có vi phạm pháp luật không?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Bóng cười - hay còn gọi là “funky ball” là loại bóng sử dụng hợp chất hóa học Nitơ Oxit (tên hoá học là Dinitrogen monoxyd) công thức hoá học là N2O để bơm đầy. Khí N2O còn gọi là khí gây cười hay khí vui. Loại khí này không có vị, tuy nhiên lại được kích thích não bộ một cách nhanh chóng khi hít vào. Hợp chất hóa học N2O có khả năng tác động mạnh và trực tiếp tới hệ thần kinh tại điểm gây cười của con người. Vì vậy, chỉ sau vài phút hít bóng cười, người sử dụng sẽ lập tức có cảm giác “trên mây”, người lâng lâng, sảng khoái và luôn thích thú cười.
Bóng cười tuy không phải là ma túy, nhưng khí N2O - loại khí duy nhất nằm trong danh sách là khí độc hại, chất gây nghiện. Do đó, việc sử dụng loại khí N2O này được kiểm soát nghiêm ngặt và chặt chẽ. Hầu như chỉ trong chuyên ngành y tế mới được phép sử dụng theo liều lượng phù hợp.
Sử dụng bóng cười không vi phạm pháp luật, tuy nhiên, sử dụng bóng cười liên tục sẽ gây nghiện và mắc những căn bệnh tương tự việc sử dụng heroin. Hợp chất N2O có trong bóng cười sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan chức năng, sau đó hủy hoại dần dần; gây ảo giác, ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ; làm tổn thương trực tiếp đến phổi; có thể bị đột quỵ nếu sử dụng quá nhiều. Do đó, chúng tôi khuyến cáo không nên sử dụng bóng cười trong mọi hoàn cảnh.
Ông có thể cho biết hiện nay Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ người cai nghiện ma tuý?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Đối với cai nghiện ma túy bắt buộc:
Thực hiện quy trình cai nghiện chính là quy trình chăm sóc toàn diện từ sinh hoạt, ăn, ở, chăm sóc tâm lý, chăm sóc, trị liệu y tế, dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy nghề, thể thao, giải trí, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng …. Toàn bộ chi phí cho các chăm sóc nêu trên đối với người nghiện ma túy đều do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Đối với cai nghiện ma túy tự nguyện:
- Khoản 6, khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định: “khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy”. “Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy”.
- Thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021, tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP đã quy định “Ngân sách Nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập”. Ngoài mức hỗ trợ chung, theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP thì đối với các trường hợp thuộc hộ nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 95% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh thông thường (trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập). Đồng thời, tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để quyết định: mức hỗ trợ cao hơn mức 95% chi phí cai nghiện ma túy, thuốc chữa bệnh thông thường và mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân ít nhất bằng 70% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Trên thực tế thì phần lớn các địa phương đều quy định hỗ trợ 100% cho người cai nghiện ma túy tự nguyện.
- Người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy chỉ cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức thực hiện, điều phối các hoạt động cai nghiện; các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy sẽ hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cai nghiện ma túy cùng với sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương.
Tôi có con trai đang học cấp 3, tôi bắt gặp trong đồ dùng của con có chứa một túi nhỏ có hình dạng như bột mì chính, liệu đó có phải ma túy đá không? Làm sao để tôi nhận biết được con mình có sử dụng ma túy hay không?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Việc xác định chất đó có phải là ma túy hay không có nhiều cách. Tuy nhiên, để khẳng định cần phải có kết luận của cơ quan giám định. Mặt khác, anh/chị cần chia sẻ, khai thác thêm thông tin từ con của anh chị để hỏi rõ túi nhỏ đó từ đâu mà có? Có biết đó là chất gì không?...
Việc xác định người nào đó có sử dụng ma túy hay không thông qua những biểu hiện bất thường của người đó; thông qua xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.
Tôi phát hiện con nghiện ma túy, tôi khuyên cháu đi cai nghiện mà cháu nhất định không đi, tôi nên làm thế nào?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Nếu phát hiện con mình nghiện ma tuý, anh/chị tìm cách động viên, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc nghiện ma tuý. Đồng thời, anh/chị phải báo ngay sự việc cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an gần nhất để tiến hành các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 42 Luật phòng, chống ma túy Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:
+ Hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.
+ Phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; Phối hợp với cơ quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.
Tôi đọc báo thấy có trường hợp ngộ độc khi ăn 2 miếng bỏng ngô do đặt mua trên mạng Internet, người này nhập viện, trong kết quả xét nghiệm nước tiểu thấy có một chất chính có trong cần sa. Có vẻ ma tuý giờ dễ bị trà trộn quá, cũng dễ mua qua mạng, làm thế nào để kiểm soát và phòng tránh được. Có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Hiện nay, tội phạm ma túy sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để mua bán trái phép chất ma túy. Như tôi đã nói ở trên, hiện nay đang xuất hiện các loại ma túy “núp bóng”, “trá hình”, tội phạm ma túy đã tẩm ướp nhiều loại ma túy tổng hợp trong thực phẩm, đồ uống…
Việc nhận diện các sản phẩm không an toàn và phòng tránh sử dụng là rất quan trọng để bảo vệ bản thân và gia đình. Do đó, hãy luôn chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, và giáo dục con em về sự nguy hiểm của ma túy cũng như cách phòng tránh để giữ gìn sức khỏe và sự an toàn.
Nhiều loại ma tuý mới có trong thuốc lá điện tử, phát hiện và xử trí thế nào thưa thượng tá?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Theo thống kê của cơ quan chức năng, các loại ma túy mới được tội phạm ma túy “bơm” vào thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử chiếm trên 30% các vụ vi phạm pháp luật về thuốc lá. Các vụ việc liên quan đến ma túy trong thuốc lá điện tử khi phát hiện, việc xử lý được thực hiện như đối với các loại ma túy khác theo quy định của pháp luật hiện nay.
Các loại ma túy mới có nhiều kiểu dáng, hình dạng khác nhau mà chúng tôi không thể phân biệt được. Vậy thượng tá có thể hướng dẫn giúp tôi cách phân biệt từng dạng không?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Việc phân biệt các loại ma túy mới gặp nhiều khó khăn vì chúng có nhiều dạng và hình thức khác nhau, có thể chia thành các nhóm “núp bóng” như: thực phẩm (bánh, kẹo...), đồ uống (trà, nước giải khát...), thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu...).
- Các chất ma túy sử dụng để tạo sản phẩm ma túy “núp bóng”.
Ma túy tổng hợp dạng truyền thống như: Methamphetamin, MDMA, Ketamine, Bromazepam, Nimetazepam, GHB (nước biển)… thường được dùng để tạo ra các sản phẩm ma túy “núp bóng” là: thực phẩm đồ uống (“nước vui”, nước nho, nước dâu, cà phê - White Coffee, CHALI…).
Cần sa (THC), cần sa tổng hợp (ADB-BUTINACA, MDMB-4en-PINACA, XLR-11…) tạo ra các sản phẩm ma túy “núp bóng” là: bánh kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc và sản phẩm làm đẹp.
- Các sản phẩm ma túy “núp bóng” mới xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng hình thức, mẫu mã, tên gọi và các loại chất ma túy.
Riêng loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa chất ma túy (chủ yếu là cần sa tổng hợp) đã có hàng chục mẫu mã, bao bì, tên gọi khác nhau như: Ampire, ganwgsster, Amtestdam, dominix, playboty, roma… Thời gian gần đây xuất hiện sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp có chứa chất ma túy (cần sa) được nhập lậu và tiêu thụ tại Việt Nam.
Tất cả các loại trên có hình dáng, bao bì đa dạng và màu sắc phong phú, bắt mắt nhằm thu hút người dùng, nhất là giới trẻ. Để phân biệt các loại ma túy mới này với thực phẩm, đồ uống, thuốc lá thông thường có thể dựa vào các dấu hiệu sau: tên gọi, giá thành (cao hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại), được quảng cáo là không cấm, không hại sức khỏe, tạo hưng phấn mạnh...
Làm thế nào nhận biết được ai đó đang bị nghiện và tìm cách cai nghiện cho họ?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Người nghiện ma túy thường có những dấu hiệu thay đổi rõ rệt về thể chất, hành vi và tâm lý. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến:
1. Dấu hiệu thể chất:
• Thay đổi ngoại hình: Sụt cân nhanh chóng, da dẻ nhợt nhạt, xuất hiện quầng thâm mắt.
• Mắt: Đồng tử giãn hoặc co bất thường, mắt đỏ, lờ đờ hoặc mờ đục.
• Vết tiêm chích: Xuất hiện các vết kim tiêm trên tay, chân hoặc các vùng khó thấy trên cơ thể.
• Run rẩy: Cơ thể run, không kiểm soát được, đặc biệt khi thiếu ma túy.
• Sức khỏe yếu: Ho, khó thở, suy giảm miễn dịch, hoặc xuất hiện các bệnh liên quan đến tim mạch, phổi.
2. Dấu hiệu hành vi:
• Thay đổi tính cách: Dễ cáu gắt, nóng nảy, bạo lực hoặc uể oải, lãnh đạm.
• Hành vi bất thường: Nói chuyện mơ hồ, lảm nhảm, hoặc hay có các hành động kỳ lạ, khó hiểu.
• Xa lánh xã hội: Tránh tiếp xúc với người thân, bạn bè, thu mình trong không gian riêng.
• Tiêu tiền bất thường: Chi tiêu nhiều, không rõ lý do, hoặc bán đồ đạc để có tiền mua ma túy.
• Thói quen đảo lộn: Ngủ ngày, thức đêm, hoặc mất ngủ kéo dài.
3. Dấu hiệu tâm lý:
• Thay đổi cảm xúc: Tâm trạng thất thường, lúc vui vẻ quá mức, lúc trầm cảm.
• Lo âu hoặc hoang tưởng: Thường xuyên lo sợ, cảm giác bị theo dõi, hoặc bị ảo giác.
• Thiếu tập trung: Giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ rời rạc.
4. Các dấu hiệu khác:
• Tăng cường sử dụng các chất kích thích: Như rượu, thuốc lá, hoặc các loại thuốc an thần.
• Xuất hiện vật dụng liên quan: Ống hút, bật lửa, kim tiêm, chai lọ nhỏ, hoặc các túi bột, viên thuốc lạ.
Nếu bạn nghi ngờ ai đó có dấu hiệu nghiện ma túy, hãy cân nhắc cách tiếp cận nhẹ nhàng và tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia hoặc trung tâm cai nghiện để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Khi phát hiện người thân, bạn bè nghiện ma túy, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, anh/chị có trách nhiệm báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất và vận động người thân đi cai nghiện ma túy. Trình tự, thủ tục liên quan đến cai nghiện ma túy được quy định cụ thể tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Xin ông cho biết các hình thức cai nghiện ma tuý và thông tin thêm về các cơ sở cai nghiện ma tuý hiện nay?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Hiện nay có 02 biện pháp cai nghiện ma túy được quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021:
- Cai nghiện ma túy tự nguyện;
- Cai nghiện ma túy bắt buộc.
Người nghiện ma túy có thể đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, hoặc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, hoặc tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do các tổ chức, cá nhân đầu tư để cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ bản có 02 loại hình cơ sở cai nghiện ma tuý, đó là: (i) Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và (ii) Cơ cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Ngoài ra còn có các đơn vị sự nghiệp công lập được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hiện cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó: có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đóng tại 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có thể tiếp nhận, quản lý, cai nghiện ma túy cho khoảng trên 57 ngàn người (còn 03 địa phương là Đắc Nông, Hậu Giang và Kon Tum đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng); có 13 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập do tư nhân thành lập, hàng năm có thể tiếp nhận cai nghiện ma túy cho khoảng 3.000 người.
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma tuý đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Về nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, giảm tỷ lệ tái nghiện sau cai:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy cũng như tại cộng đồng thông qua tổng thể các giải pháp:
- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện ma túy;
- Phát triển, thu hút nguồn nhân lực để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu của công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới.
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình, phác đồ can thiệp hiệu quả đối với người nghiện ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới.
- Đầu tư nguồn lực để thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ cho viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện ma túy.
- Ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm đời sống để viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện ma túy yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công tác cai nghiện ma túy.
Thứ hai, thực hiện tốt ba trụ cột trong công tác phòng, chống ma túy là: Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.
- Về giảm cung là đấu tranh triệt xóa đường dây, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tại địa phương, khu dân cư, bởi nếu ma túy quá dễ tiếp cận thì việc tái sử dụng, tái nghiện khó có thể ngăn chặn.
Về giảm cầu và giảm tác hại là tăng cường cai nghiện ma túy, công tác điều trị thay thế và các biện pháp giảm tác hại của việc sử dụng ma túy.
Thứ ba, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện việc phòng ngừa từ sớm, từ xa tại cộng đồng và thực hiện tốt công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy. Các địa phương cần tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ như: dạy nghề, tư vấn tạo công ăn việc làm, vay vốn, tạo sinh kế cho người sau cai có cuộc sống ổn định lâu dài, tránh xa tệ nạn ma túy.
Về phòng ngừa nghiện ma tuý đối với nhóm có nguy cơ cao và sử dụng trái phép chất ma túy:
Như chúng ta đã biết, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai là công việc rất phức tạp. Người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy phần lớn không có công ăn việc làm ổn định, thường xuyên di biến động, hoặc đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp, khu công trường xây dựng. Tại những nơi này cũng tiềm ẩn nguy cơ buôn bán ma túy (vì có cầu, sẽ có cung).
Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trước mắt phải thực hiện công tác thống kê thường xuyên, quản lý chặt địa bàn, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Xây dựng dữ liệu quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người sau cai; các cơ sở cai nghiện, các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện một cách công khai, minh mạch để thực hiện công tác này. Ngoài ra, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu liên kết vào hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư để quản lý di biến động… nhằm giải quyết vấn đề trên.
Cho tôi hỏi có phải mọi đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí không? Chi phí hỗ trợ gồm những khoản chi phí nào? Mức hỗ trợ tiền ăn đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện có khác với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:
- Tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP đã quy định “Ngân sách Nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập”, tức là ở khoản mục này, ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% cho mọi đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập;
- Tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định: “Đối với các trường hợp thuộc hộ nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 95% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh thông thường, trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập;
- Tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để quyết định: đối tượng mở rộng hơn, mức hỗ trợ cao hơn mức 95% chi phí cai nghiện ma túy, thuốc chữa bệnh thông thường; mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân ít nhất bằng 70% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Khoản 3 Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định: “Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật này được hỗ trợ kinh phí”, mức tối thiểu bằng mức lương cơ sở hiện hành;
Tuy nhiên trên thực tế thì phần lớn các địa phương đều quy định hỗ trợ 100%, người cai nghiện ma túy tự nguyện hầu như không phải đóng góp thêm.
Nhà trường và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm gì trong việc phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Trách nhiệm của cơ sở giáo dục được quy định rất cụ thể tại Điều 8, Luật phòng, chống ma túy năm 2021, gồm:
Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý;
Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý;
Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma tuý.
Tôi thấy có quy định có thể tự cai nghiện ma tuý tại nhà. Điều này có hiệu quả không, nhất là với những người nghiện các loại ma tuý mới?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Chính sách cai nghiện ma túy tự nguyện nói chung và cai nghiện ma túy tư nguyện tại gia đình, cộng đồng nói riêng là chủ trương xã hội hóa, mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước và được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống ma túy, trình tự, thủ tục chi tiết quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Nếu không có chính sách này thì chúng ta phải đưa hết người nghiện vào cai nghiện bắt buộc, dẫn đến quá tải, khó bảo đảm được chính sách và chưa phù hợp với khuyến cáo của tổ chức quốc tế là có tự nguyện và có bắt buộc. Tuy nhiên, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khó quản lý, dễ tái nghiện hơn cai nghiện bắt buộc. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống ma túy đến năm 2030, trong đó tăng cường chỉ đạo và bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (dự kiến Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 này và sẽ triển khai từ 2025-2030).
Cần làm gì để khuyến khích, động viên người nghiện ma tuý tự nguyện cai nghiện?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Về giải pháp chính sách:
- Khoản 6, khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định: “Khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy”. “Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy”.
- Thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021, tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP đã quy định “Ngân sách Nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập”. Ngoài mức hỗ trợ chung, theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP thì đối với các trường hợp thuộc hộ nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 95% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh thông thường (trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập). Đồng thời, tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để quyết định: mức hỗ trợ cao hơn mức 95% chi phí cai nghiện ma túy, thuốc chữa bệnh thông thường và mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân ít nhất bằng 70% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trên thực tế thì phần lớn các địa phương đều quy định hỗ trợ 100% cho người cai nghiện ma túy tự nguyện.
Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương
- Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về cai nghiện ma túy nói chung và cai nghiện ma túy tự nguyện nói riêng.
- Giảm thiểu tình trạng kỳ thị đối với người nghiện ma túy.
- Tăng cường vai trò của gia đình, nhà trường, các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính trị xã hội ở địa phương trong công tác vận động đi cai nghiện và chung tay hỗ trợ người cai nghiện, người sau cai nghiện ma túy.
Không ít các cháu học sinh bị lôi kéo, dụ dỗ nên bị nghiện. Đối với các cháu bị nghiện còn đang độ tuổi đi học thì cai nghiện như thế nào?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy 2021 không có quy định loại trừ không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang còn độ tuổi đi học. Do đó, khi bị xác định là đối tượng quy định tại Điều 32 hoặc Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy được lựa chọn đăng ký đi cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Người cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy nếu có nhu cầu học văn hóa thì tùy theo tình hình thực tế, cơ sở cai nghiện ma túy sẽ tổ chức dạy văn hóa cho học viên hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức dạy văn hóa cho học viên. Chi phí cho việc dạy văn hóa cho người cai nghiện ma túy do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ chịu trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma túy và hỗ trợ người cai nghiện ma túy tiếp tục việc học văn hóa.
Trong công tác quản lý người nghiện, thách thức lớn nhất hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
- Về quản lý cộng đồng:
+ Người nghiện còn ở môi trường xã hội nên dễ tiếp xúc với ma tuý, bạn nghiện, tệ nạn xã hội. Đó là môi trường rất nhạy cảm với người nghiện ma tuý và cả người sau cai nghiện ma tuý.
+ Người nghiện luôn có tâm lý xa lánh, ngại tiếp xúc với các cán bộ làm công tác cai nghiện tại cộng đồng. Thậm chí có những đối tượng có tư tưởng chống đối. Vì vậy, việc tiếp cận, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma tuý còn nhiều khó khăn.
+ Một bộ phận nhỏ trong xã hội còn có tư tưởng kỳ thị với người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý. Nhiều trường hợp người nghiện có hoàn cảnh gia đình khó khăn (kinh tế, hôn nhân...) dẫn đến tâm lý luôn có phản ứng, đề phòng với xã hội, mọi người xung quanh.
Một số giải pháp của vấn đề này như sau:
+ Cần tăng cường truyền thông đến bản thân người nghiện, người sau cai nghiện hiểu chính sách pháp luật, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để tuân thủ, thực hiện; giúp gia đình, cộng đồng hiểu được chính sách, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ vật chất, tinh thần để người nghiện, người sau cai nghiện tự tin, vượt qua hoàn cảnh.
+ Hiện nay các chính sách hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ xã hội cho người nghiện, người sau cai nghiện ma tuý đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện còn chưa thực sự hiệu quả ở một số địa phương. Do đó cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã. Trong tổ chức thực hiện, cần quyết liệt, có trọng tâm để người nghiện, sau cai nghiện có được cuộc sống ổn định lâu dài.
+ Phần lớn người nghiện ma tuý không có việc làm ổn định, thường xuyên di biến động, tập trung ở những khu vực có nguy cơ tệ nạn ma tuý. Do đó cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngoài các biện pháp trên cần tăng cường quản lý chặt địa bàn, xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người sử dụng chất ma tuý, người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý. Kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý dân cư để quản lý và thực hiện tốt các hỗ trợ xã hội đối với người sử dụng chất ma tuý, người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý.
- Về quản lý tại các cơ sở cai nghiện ma tuý:
+ Khoảng trên 70% người nghiện ma tuý được quản lý tại các cơ sở cai nghiện ma tuý là nghiện ma tuý tổng hợp. Nhiều trường hợp bị loạn thần dẫn đến mất kiểm soát hành vi, có những vụ việc nghiêm trọng dẫn tới ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng của học viên, viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện ma tuý.
+ Cơ sở vật chất kỹ thuật tại các cơ sở cai nghiện ma tuý hiện nay đa phần xuống cấp do sử dụng nhiều năm, ít được nâng cấp, cải tạo, thường xuyên trong tình trạng quá tải, dẫn đến tâm lý của các học viên căng thẳng, dễ va chạm trong sinh hoạt.
+ Hiện nay, viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện luôn làm việc trong tình trạng quá tải, áp lực cao do biên chế bị cắt giảm hàng năm. Trong khi số lượng người nghiện ma tuý đưa vào các cơ sở cai nghiện ngày càng tăng.
- Giải pháp:
Chính phủ đang trình Quốc hội chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma tuý. Trong đó, dự án 5 của chương trình có mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý. Khi được phê duyệt, đây sẽ là cơ sở để tạo nguồn lực đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị; biên soạn giáo trình tài liệu tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cả ở các cơ sở cai nghiện cũng như tại cộng đồng... Qua đó góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý người nghiện ma tuý hiện nay.
Những biện pháp phòng chống ma tuý và tội phạm ma tuý hiện nay? Đối với trẻ em, học sinh, sinh viên cần phải làm gì để tự bảo vệ mình trước ma tuý và tội phạm ma tuý?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Hiện nay, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cùng toàn dân đã triển khai nhiều giải pháp để đối phó hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma tuý, trong đó tập trung vào các nội dung chính:
- Về giảm cung: Đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi sản xuất, trên các tuyến trọng điểm; đấu tranh hiệu quả tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao và lợi dụng không gian mạng; triệt xoá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để thất thoát, lợi dụng để sản xuất trái phép các chất ma túy.
- Về giảm cầu: Quản lý chặt chẽ người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma tuý, người tham gia điều trị nghiện ma tuý và người sau cai nghiện ma túy. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý; Nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động.
- Về giảm tác hại: Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác điều trị nghiện ma túy. Có nhiều biện pháp để hỗ trợ người sau cai nghiện, không để tái nghiện sau khi trở về cộng đồng; quản lý tốt người sử dụng trái phép chất ma túy, không để tiếp tục sử dụng dẫn đến nghiện theo quy định của Luật phòng, chống ma túy.
Để tự bảo vệ mình trước tệ nạn ma tuý, trẻ em, học sinh, sinh viên cần:
- Nắm vững các kiến thức liên quan đến ma tuý, trong đó nhận dạng được các loại ma tuý, đặc biệt là các loại ma tuý mới “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử…
- Không sử dụng ma túy dưới bất cứ hình thức nào.
- Không tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc làm những việc khác liên quan đến ma túy.
- Khi phát hiện những HSSV có biểu hiện sử dụng ma túy hoặc nghi buôn bán ma túy phải báo cáo kịp thời cho thầy cô giáo để có biện pháp ngăn chặn.
- Nâng cao cảnh giác tránh bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào các việc làm phạm pháp, kể cả việc sử dụng và buôn bán ma túy.
- Tích cực tham gia phong trào phòng chống ma túy do nhà trường, tổ chức đoàn, tổ chức hội phụ nữ phát động.
- Hưởng ứng và tham gia thực hiện những công việc cụ thể, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy tại nơi cư trú, tạm trú do chính quyền địa phương phát động…
Có một thực tế là đối tượng nghiện ma tuý ngày càng trẻ hoá. Theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này và hệ luỵ?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Tình trạng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Nguyên nhân của hiện trạng này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố cá nhân, gia đình, xã hội và kinh tế. Có thể nêu ra một số nguyên nhân cơ bản như:
- Do thiếu hiểu biết về tác hại của ma tuý, nên nhiều em học sinh bị những đối tượng xấu kích động, lôi kéo sử dụng ma tuý;
- Do muốn thoả mãn tính tò mò của tuổi trẻ, thích thể hiện mình, nhiều em đã chủ động đến với ma tuý.
- Do tâm lý đua đòi, hưởng thụ; nhiều em học sinh có lối sống buông thả, dễ bị lôi kéo, sa ngã vào ma tuý. Bên cạnh đó, một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình như bố, mẹ bỏ nhau; gia đình bất hoà, hoàn cảnh gia đình khó khăn... dẫn đến buồn chán cô đơn, không làm chủ được bản thân, các em đã chủ động tìm đến với ma tuý. Một phần nhỏ do môi trường giáo dục chưa chú trọng đầy đủ đến việc giáo dục kỹ năng sống và cách giải quyết vấn đề cho các em học sinh.
- Mặt khác, do sự xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy mới, các loại ma túy này có hình thức bắt mắt, giá thành rẻ, dễ sử dụng, được chào bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội nên giới trẻ dễ dàng tiếp cận và sử dụng…
Tệ nạn ma tuý là hiểm hoạ lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Đặc biệt, giới trẻ khi vướng vào ma tuý họ thường mất đi cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp và xây dựng tương lai. Việc sử dụng ma túy cũng làm giảm khả năng tự lập, sáng tạo và đóng góp cho xã hội của các cá nhân.
Trường hợp nào cá nhân phải tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định hiện hành? Có những biện pháp cai nghiện ma túy nào? Quy trình cai nghiện ma túy được thực hiện ra sao?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện ma túy
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy 2021, có 5 trường hợp được xác định tình trạng nghiện, trong đó có 4 trường hợp bắt buộc phải xác định tình trạng nghiện và trường hợp thứ 5 là “người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy”, cụ thể 4 trường hợp buộc phải xác định là:
Trường hợp 1: Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
Trường hợp 2: Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;
Trường hợp 3: Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy;
Trường hợp 4: Người đang trong thời gian quản lý sau cai bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
- Có những biện pháp cai nghiện ma túy:
Hiện nay có 2 biện pháp cai nghiện ma túy, được quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Phòng, chống ma túy 2021 là: (i) Cai nghiện ma túy tự nguyện và (ii) Cai nghiện ma túy bắt buộc. Trong đó, Biện pháp cai nghiện tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
- Quy trình cai nghiện ma túy:
Quy trình cai nghiện ma túy được quy định tại Điều 28 của Luật Phòng, chống ma túy 2021, gồm các giai đoạn sau:
- Tiếp nhận, phân loại;
- Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;
- Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách;
- Lao động trị liệu, học nghề;
- Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải bảo đảm đầy đủ các giai đoạn của quy trình nêu trên; việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải bảo đảm hoàn thành đủ 03 giai đoạn: Tiếp nhận, phân loại; Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách.
Độc giả có thể tìm hiểu chi tiết tại Chương III (từ Điều 22 đến Điều 27) Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tôi thấy nhiều trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử vô tội vạ mà không để ý đến tác hại. Tôi xin hỏi phía lực lượng chức năng, lực lượng công an sẽ có những hành động gì để can thiệp và xử lý triệt để những động thái sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học và trong xã hội của lứa tuổi học sinh sinh viên?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Thời gian gần đây, việc sử dụng các loại thuốc lá điện tử đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người sử dụng. Theo kết quả bắt giữ của các lực lượng chức năng, có trên 30% các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.
Trước thực trạng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, đặc biệt là giới trẻ, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đánh giá thực trạng, hậu quả và sự ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe con người để báo cáo và đề xuất Chính phủ biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các loại thuốc lá điện tử (thuốc lá thế hệ mới), nhằm kịp thời ngăn chặn tác động của loại thuốc lá này đến sức khỏe người dân.
Nếu không có gì thay đổi, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khoá XV, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng, chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới.
Pháp luật quy định những đối tượng cụ thể nào bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vậy thưa ông?
Người dưới 18 tuổi bị đưa đi cai nghiện bắt buộc trong trường hợp nào?
Ông Nguyễn Bùi Tuệ
Thưa quý độc giả Báo VietNamNet, đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm:
Theo quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
- Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Tôi thấy hiện nay có nhiều người trẻ sử dụng cần sa. Xin hỏi cần sa có bị cấm sử dụng như ma túy không? Sử dụng cần sa thì có bị phạt tiền hay đi tù không?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định danh mục chất ma túy và tiền chất, cần sa và các chế phẩm từ cần sa là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng. Do đó, việc sử dụng cần sa là hành vi vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Việc sử dụng cần sa có thể bị xử phạt hành chính nếu chỉ dừng lại ở việc sử dụng mà không có các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, nếu hành vi sử dụng cần sa đi kèm với việc tổ chức sử dụng ma túy, mua bán, vận chuyển, hoặc có liên quan đến các tội phạm khác, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt từ lên đến 20 năm hoặc bị tù chung thân.
Việc sử dụng cần sa không chỉ gây hại đến sức khỏe mà còn có thể ảnh hưởng đến tương lai của người sử dụng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma tuý, cai nghiện ma tuý, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý là rất quan trọng. Xin ông cho biết những quy định liên quan?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Những quy định liên quan đến công tác cai nghiện ma tuý, quản lý người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma tuý được quy định rất rõ tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Nghị định 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma tuý và Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma tuý, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai.
Trong đó, công tác quản lý người sử dụng trái phép ma túy là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy không tái sử dụng ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy.
Hiện nay tôi thấy có nhiều vụ án mua bán, vận chuyển thuốc lắc, ma túy tổng hợp với khối lượng lớn bị bắt giữ, càng những lần phát hiện sau khối lượng càng lớn. Xin ông nói thêm về tình trạng này?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Việc mua bán, vận chuyển ma tuý tổng hợp với khối lượng lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một số nguyên nhân chủ yếu như: Do vị trí địa lý đất nước gần khu vực “tam giác vàng”, được xem là trung tâm sản xuất ma túy lớn của khu vực và thế giới, đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng vận chuyển ma túy vào nước ta, một phần tiêu thụ tại nội địa, phần khác trung chuyển sang nước thứ ba. Mặt khác, do nguồn lợi từ buôn ma túy rất lớn nên tội phạm ma tuý sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành mua bán, vận chuyển mặt hàng này; đặc biệt là tội phạm lợi dụng không gian mạng để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Hiện nay công tác phòng chống ma túy được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng với quyết tâm cao của Bộ Công an “không để Việt Nam trở thành nước trung chuyển ma túy”.
Chúng ta hy vọng thời gian tới tình trạng này sẽ không còn nữa, xã hội sẽ an toàn, lành mạnh.
Có nhiều thanh thiếu niên coi việc sử dụng ma túy tổng hợp hoặc hút thuốc lá điện tử tẩm tinh dầu cần sa là cách để khẳng định bản thân, thể hiện đẳng cấp. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?
Thượng tá Trần Trọng Hiển
Việc thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp và thuốc lá điện tử tẩm tinh dầu cần sa như một cách khẳng định bản thân, thể hiện đẳng cấp hay gây ấn tượng với bạn bè là những quan điểm sai lệch của giới trẻ. Việc sử dụng ma tuý không chỉ gây hại cho sức khỏe (ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, não bộ, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch), mà còn ảnh hưởng đến tương lai của họ và vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống ma túy hiện nay. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức và cung cấp thông tin đúng đắn cho giới trẻ về tác hại của ma túy, đồng thời tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, an toàn là rất quan trọng. Cộng đồng, gia đình và nhà trường cần chung tay để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những tác hại khôn lường từ ma túy.
Hiện nay Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ký chương trình phối hợp Số 03/PH; trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Do đó, đề nghị gia đình cùng chung tay với nhà trường, xã hội nâng cao nhận thức phòng chống ma túy cho các em. Trước hết, từ trong nhà trường với thông điệp “Không sử dụng ma túy dù chỉ một lần”, “Trường học không ma túy”.