- Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của dự luật Trưng cầu ý dân phải là “trọng dân, tin dân”.
"Đây là quan điểm Đảng luôn nhắc trong cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, cũng như trong pháp luật. Nhận thức đầy đủ sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách thực chất là yêu cầu của Đảng, để tránh dân chủ hình thức hoặc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn xảy ra ở nơi này, nơi khác, tuy không phổ biến nhưng vẫn có", bà Quyết Tâm nói khi thảo luận tại hội trường QH chiều nay.
"Tin dân là tin vào trí tuệ của nhân dân. Trưng cầu ý dân tức là ý dân quyết định. Nhưng trong dự luật chưa rõ ý thể hiện sâu sắc niềm tin của QH với nhân dân".
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: Dự luật chưa rõ ý thể hiện sâu sắc niềm tin của QH với nhân dân |
Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, dự luật Trưng cầu ý dân cũng phải nâng cao được trách nhiệm của nhân dân: "Trưng cầu ý dân tức là hỏi ý kiến nhân dân. Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân sẽ làm người dân quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề quan trọng của đất nước. Khi đó, trách nhiệm của người dân sẽ được nâng lên".
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ cũng muốn luật khẳng định việc tham gia trưng cầu vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của người dân.
Ông nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền trước, trong và sau trưng cầu: "Tuyên truyền sau trưng cầu rất quan trọng để không xảy ra tình trạng phân hóa xã hội sau một cuộc trưng cầu không đạt được sự đồng thuận cao như kinh nghiệm của một số nước, nhất là trong bối cảnh nước ta vẫn có những đối tượng chống đối, kích động dư luận, khi dân chủ được mở rộng, dân trí đang được nâng cao, đạt được 100% ý kiến thống nhất về một vấn đề lớn là rất khó, dễ có những người không hài lòng, không tránh khỏi những ý kiến phản bác, báo chí phải tiếp tục thông tin để tạo đồng thuận".
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) lại băn khoăn trước trưng cầu, "báo chí có được đưa tin sâu, chi tiết, người dân có được thảo luận rộng rãi về vấn đề đem ra trưng cầu không?"
ĐB Đồng Hữu Mạo: Không nên né tránh, cũng không nên bỏ qua |
"Đã đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng, nhân dân cần hiểu sâu và thảo luận. Nhưng đã thảo luận thì chắc chắn có ý kiến đồng tình, có ý kiến không. Vậy các ý kiến không đồng tình có bị coi là vi phạm điều cấm ở dự thảo luật không?".
Ông Mạo nhận định đây là vấn đề hoàn toàn có thể phát sinh trong thực tiễn, ban soạn thảo cần lưu ý đưa vào dự thảo để QH tiếp tục thảo luận tìm ra phương án hợp lý, không nên né tránh, cũng không nên bỏ qua.
ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cũng muốn trong luật này, vị thế vai trò của nhân dân, người làm chủ xã hội phải được xem trọng: "Họ không nên chỉ có quyền đi bỏ phiếu với tư cách cử tri, mà còn phải có quyền đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân, được thông tin đầy đủ về việc sáng kiến của mình có được đưa ra trưng cầu ý dân không, giám sát quá trình tập hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân một cách công khai, minh bạch...".
Theo ông Niễn, nếu luật không làm rõ điều này, “người ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi luật này ra để làm gì, phục vụ cho ai, thể hiện được bao nhiêu quyền của người dân”.
ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) thì muốn luật thể hiện rõ: “Khi có những vấn đề hệ trọng, sống còn của đất nước, dân tộc, vượt ngoài tầm những gì nhân dân ủy quyền cho QH, khi QH không đủ thẩm quyền, khi Hiến pháp và pháp luật chưa quy định hoặc không quy định, thì cần sự quyết định của chủ thể thực sự có quyền lực là nhân dân. Khi đó mới cần trưng cầu ý dân”.
Nhưng ông Ngũ đề nghị trưng cầu ý dân phải có một nghị quyết của QH. Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ nhận thức này: “Theo Hiến pháp 2013, QH có quyền quyết định trưng cầu ý dân, như thế QH có quyền quyết định cả nội dung, thể thức, thủ tục và hiệu lực của việc trưng cầu”.
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng