Hiện hình thức bán hàng thông qua livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) đang rất “hot”. Nhiều người không ngần ngại mua các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng được quảng cáo quá mức qua các cuộc livestream trên Facebook. 

Đủ chiêu trò quảng cáo “thổi phồng”

Hình thức livestream tỏ ra có nhiều ưu điểm đối với “dân bán hàng” khi kích thích người mua “móc hầu bao” tốt hơn hẳn so nhiều phương thức bán hàng online khác. Livestream rõ tính giải trí và tạo sự tương tác cao giữa người bán hàng và khách hàng.

Nhiều người ban đầu chỉ nghĩ xem livestream cho vui, xem để giải trí rồi cũng bị cuốn vào việc mua hàng lúc nào không hay. Trước đây, các chủ shop chủ yếu livestream bán các mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm. Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân quan tâm hơn đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và nhiều người mạnh dạn livestream để bán thuốc bổ, thực phẩm chức năng, dụng cụ chăm sóc sức khỏe.

Với những người bán hàng thông thường, muốn trở thành “hot Facebook”, “hot livestream” thì không thể không vận dụng chiêu trò. Nhiều loại sản phẩm bán chạy không phải do chất lượng mà nhờ chiêu livestream “bán hàng chửi”, vừa bán hàng vừa phát “lộc” cho người xem tham gia chia sẻ, bốc thăm trúng thưởng.

Thậm chí, nhiều trang bán hàng còn mời người mẫu, diễn viên, người nổi tiếng livestream giới thiệu, quảng cáo cho sản phẩm của mình với hàng loạt lời khen ngợi “có cánh” khó ai có thể kiểm chứng.

Chị Nguyễn Thùy (phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) chia sẻ: “Mẹ tôi rất quan tâm đến sức khỏe nên trang Facebook của bà thường hiện các trang bán hàng livestream thuốc bổ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ bà xem cho vui, rồi bạn bè kết nối tương tác với nhau, chia sẻ link chứ không nghĩ mẹ tôi mua thuốc vì tin lời quảng cáo qua mạng. Ai ngờ, mẹ tôi tốn khá nhiều tiền khi “chốt đơn” qua livestram để mua thực phẩm chức năng".

Khó quản lý chất lượng thực phẩm chức năng bán qua mạng?

Đáng chú ý, khi đặt hàng qua livestream, sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều là hàng “mập mờ” về chất lượng, nhiều sản phẩm từng bị các cơ quan chức năng xử phạt. Hơn nữa, khi mua phải thực phẩm chức năng “dỏm” qua livestream, bị tổn hại sức khỏe nhưng người tiêu dùng cũng không biết khiếu nại ra sao bởi sản phẩm mua qua mạng không có hóa đơn chứng từ.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố vi phạm về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường, do nội dung quảng cáo gây hiểu lầm rằng sản phẩm này như thuốc chữa bệnh. 

Qua nhiều kênh quảng cáo trên mạng xã hội, trong đó có hình thức livestream, hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng như viên xương khớp, viên ngủ ngon Hoàng Hường, dạ dày Hoàng Hường, nước súc miệng, súc họng... được nhiều người biết tới. Mỗi lần doanh nghiệp này livestream với lời quảng cáo “nổ”, phát tiền “tri ân” người chia sẻ link, hứa hẹn trúng thưởng ô tô khi mua thực phẩm chức năng... đều thu hút hàng triệu lượt người xem cùng số lượng khách “chốt đơn” rất lớn.

Đáng nói, trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã công bố các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó có Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường. Doanh nghiệp này bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo được thực hiện trên Zalo, Google, Facebook, YouTube... tương tự như trường hợp kể trên. Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ, diễn viên... cũng tham gia quảng cáo quá mức về công dụng sản phẩm qua hình thức livestream. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video một cách tinh vi để quảng cáo sai sự thật.

Hiện Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương có biện pháp xử lý mạnh tay với cá nhân, doanh nghiệp có hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật trên Facebook, TikTok, Twitter, YouTube, Chrome... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp, chế tài mạnh với hành vi sai phạm trong giao dịch thương mại điện tử. Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh.