Những diễn biến gần đây cho thấy một mối quan hệ hàng hải mới tương đối ấm áp đang hình thành giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một chiến lược linh hoạt có thể giúp Mỹ hiện diện lâu dài trong khu vực. Khi tình hình Syria trở nên căng thẳng, Mỹ có thể đang chuẩn bị can thiệp quân sự vào nước này thì nhiều người lo ngại Trung Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới trục xoay hàng hải của Mỹ hướng về châu Á. Thậm chí còn có hoài nghi Mỹ đã bắt đầu hoạch định lại các cam kết của họ với Đông Á.
Tuy nhiên, các đồn đoán nói trên có vẻ hơi vội vàng. Việc tái cân bằng có thể đang ở ngã ba đường, nhưng dường như có nhiều tư duy mới nhằm sắp xếp lại chiến lược để giúp Washington đạt được các mục tiêu lớn hơn.
Chiến lược mới
Việc hoạch định lại trục xoay dường như là để giúp Mỹ nắm giữ được một vị thế thuận lợi ở Đông Á đồng thời không ảnh hưởng tới các nỗ lực đối phó với những thách thức ngày một lớn ở Trung Đông. Nhìn từ quan điểm hoạt động lực lượng, các sáng kiến hàng hải mới được coi là một phần trong chiến lược chống cân bằng chiến thuật - nghĩa là sự gia tăng hiện diện hàng hải ở Địa Trung Hải đi kèm với tạm thời giảm tiến độ hoạt động tại những khu vực ở Đông Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Trung Quốc -Thường Vạn Toàn. Ảnh: armyrecognition |
Những diễn biến gần đây cho thấy một mối quan hệ hàng hải mới tương đối ấm áp đang hình thành giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong một động thái hiếm hoi nếu không nói là chưa từng có trước đây, vào ngày 6/9, ba tàu hải quân Trung Quốc (PLAN) đã hoạt động diễn tập với hải quân Mỹ. Các tàu Trung Quốc gồm tàu khu trục Thanh Đảo, tàu khu trục nhỏ Lâm Nghi và tàu chở dầu Phúc Khánh đã phối hợp hoạt động với tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Mỹ USS Lake Erie ở ngoài khơi bờ biển Hawaii. Theo giới phân tích, động thái này báo hiệu sự tương tác ngày một phát triển giữa hải quân hai nước.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Vũ Thắng Lợi đã được mời tới thăm Mỹ. Lời mời này diễn ra chỉ sau ba tuần tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới thăm Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii và Bộ chỉ huy miền Bắc ở Colorado. Thảo luận với ông chủ Lầu Năm Góc Chuck Hagel, ông Thường được cho là đã trao đổi một số nỗ lực mà hai bên sẽ thực hiện nhằm tăng cường quan hệ hàng hải.
Việc tương tác giữa quân đội hai bên không chỉ diễn ra một lần. Nó là một phần trong thỏa thuận hàng hải mà Trung, Mỹ hướng tới. Chỉ vài tuần trước đây, một tàu hải quân Mỹ đã tiến hành diễn tập chống hải tặc với một đơn vị PLAN tại Vịnh Aden. Tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Mason đã cùng với tàu khu trục Cáp Nhĩ Tân và tàu tiếp dầu Weishanhu tiến hành hàng loạt hoạt động khác nhau.
Trong khi hải quân Mỹ mô tả những diễn biến gần đây với PLAN là động thái hướng tới cải thiện chiến lược "tin tưởng và minh bạch", tránh hiểu nhầm ở Thái Bình Dương, thì hải quân Trung Quốc - dù còn hoài nghi về sự tái cân bằng của Mỹ trong khu vực - cũng đã rất nhiệt tình đưa ra các chủ đề hợp tác. Ví dụ như không chỉ có hơp tác hàng hải, PLAN còn muốn tham gia các cuộc diễn tập RIMPAC do hải quân Mỹ tài trợ năm 2014 ở Hawaii.
Trên thực tế, những gì mà hải quân Trung, Mỹ thể hiện đang gây ngạc nhiên cho giới phân tích hàng hải khi chỉ ít tháng trước còn đang đánh giá hai bên sẵn sàng đối đầu tại Thái Bình Dương.
Chọn lựa phù hợp
Tuy nhiên, những gì diễn ra chỉ là một nửa của câu chuyện. Xem xét một cách kỹ càng hơn có thể nhận thấy, phác thảo một chiến lược mới dường như đang nổi lên. Mỹ và Trung Quốc có lẽ có thỏa thuận ngầm trong việc đối phó với nhau ở lĩnh vực hàng hải. Họ sẽ đi theo một nguyên tắc "chiến lược thích nghi" - hợp tác tốt trong những khu vực mà cả hai nước không xung đột lợi ích chiến lược; những nơi tốt cho cả hai bên khi hợp tác tài nguyên và tài sản. Hoạt động gia tăng của cả Hải quân Mỹ và PLAN ở Đông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương dường như diễn ra theo chiến thuật ngầm hiểu đó.
Hợp tác hàng hải đang trỗi dậy Mỹ - Trung dường như diễn ra theo học thuyết "hòa bình không vượt ranh giới" - thứ học thuyết điển hình cho cạnh tranh hàng hải châu Âu thời phục hưng.
Một phần quan trọng hơn trong động lực mới trỗi dậy tại Đông Á là sự ngầm hiểu những khu vực mà Mỹ - Trung sẽ không hợp tác. Đó là các không gian cạnh tranh tại Tây và Đông Thái Bình Dương - những khu vực cốt lõi của các lợi ích chiến lược và ảnh hưởng tới cả đồng minh của Mỹ cũng như Trung Quốc. Để thực hiện kế hoạch mới, hải quân Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Tây Thái Bình Dương. Trong khi Washington không ngừng thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế và ngoại giao với Đông Nam Á thì họ cũng không tiếc sức để cải thiện quan hệ hàng hải khu vực.
Khía cạnh thú vị nhất trong chiến lược mới là sự tái cân bằng ở châu Á. Thứ tự đầu tiên của hải quân Mỹ là thu hút tài nguyên, tài sản vào khu vực ưu tiên hàng đầu - Tây Thái Bình Dương. Ý tưởng này rõ ràng đang diễn ra trong việc phân phối lại tài sản vật lực ở châu Á - Thái Bình Dương như tăng cường hiện diện của quân đội, tàu chiến Mỹ kết hợp với tích cực huy động sự hỗ trợ lớn hơn của khu vực.
Trong chuyến công du Kuala Lumpur mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã công bố khả năng tăng 50% ngân sách quốc phòng để hỗ trợ và đào tạo quân đội tại Đông Nam Á. Mỹ cũng đề xuất trao đổi chuyên gia quân sự và những thỏa thuận vũ khí lớn hơn cho các quốc gia ASEAN nhằm chia sẻ gánh nặng với các nước khu vực để đảm bảo an ninh hàng hải.
Những căn cứ mới
Điều quan trọng dẫn tới thành công của chiến lược trục xoay là cách sắp xếp quân đội và tài sản hải quân của Mỹ. Sau khi khẳng định lại cam kết Hiệp ước phòng thủ chung 1951 với Philippines, Washington đã có các cuộc thảo luận cùng Manila về các căn cứ quân sự lâu dài tại quốc đảo này, có thể là 20 năm. Bản thân Philippines đã sẵn có kế hoạch điều động không quân và hải quân tới Vịnh Subic - một căn cứ hải quân cũ của Mỹ - để phối hợp và hoạt động nhanh chóng tại những khu vực xảy ra tranh chấp ở Biển Đông.
Triển vọng sáng lạn cho đề xuất của Mỹ đã mở ra. Gặp khó khăn với những gì diễn ra tại các căn cứ lâu dài ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ giờ đây đang tìm kiếm cách tiếp cận gọi là "bán thường trực" hoặc luân phiên. Dĩ nhiên, thỏa thuận này dễ dàng tạo sự chấp thuận hơn với người Philippines.
Trong khi đó, Nhật Bản đang nỗ lực hết sức để củng cố trục xoay. Thăm Manila tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất cung cấp tàu phòng vệ bờ biển cho Philippines - động thái dường như là đối trọng với sự gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. Nhật cũng tích cực phối hợp trong quan điểm về "vấn đề lãnh thổ và chính sách biển" với các nước khác trong khu vực như Việt Nam và Thái Lan.
Kế hoạch dài hạn của Mỹ là giúp ASEAN đưa ra áp lực tập thể với Trung Quốc để họ ký kết bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, cho dù tới thời điểm này Bắc Kinh còn nhiều lưỡng lự. Để trục xoay thành công, Washington hiểu cần phải duy trì sự hiện diện hàng hải bền vững của quân đội Mỹ tại Đông Nam Á. Chiến lược tái cân bằng mới là để làm điều đó, và giúp Mỹ duy trì đảm bảo an ninh trước một sức mạnh Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng Mỹ sẽ cần thận trọng "mồi nhử" của Trung Quốc trong sự hợp tác giải quyết các cuộc khủng hoảng tương lai có thể diễn ra ở Trung Đông hay nơi nào khác.
Minh Tâm (Theo diplomat)