Ngày 27/3, vụ ly hôn ồn ào của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên đã chính thức khép lại với quyết định cuối cùng của tòa án.
Theo đó, số tài sản trị giá hơn 7.500 tỷ đồng, đã được phân chia với tỷ lệ 60% dành cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ (tương đương 4.500 tỷ đồng), và 40% còn lại thuộc quyền sở hữu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (3.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức định giá 5.757 tỷ đồng của Trung Nguyên là quá rẻ với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực cà phê, cùng mức doanh thu hàng năm đã xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.
"Nếu định giá thấp thì anh Vũ là người được lợi, chị Thảo bị thiệt. Vì số tiền chênh lệch anh Vũ phải trả cho chị Thảo sẽ thấp", ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia, nói.
Cuộc tranh chấp tài sản tại Trung Nguyên đã khép lại với 60% tài sản thuộc về ông Vũ, trong khi bà Thảo nhận 40% số tài sản chung. Ảnh: Lê Quân. |
Trung Nguyên được định giá thế nào?
Báo cáo tài chính giai đoạn 2014-2017 của Trung Nguyên cho biết doanh thu giai đoạn này của tập đoàn tương đối ổn định vào khoảng 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp thu về sau giá vốn cũng ở mức 1.500 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận trước thuế của Trung Nguyên lại có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn 2014-2017, từ mức 1.294 tỷ đồngvào năm 2014 xuống chỉ còn 681 tỷ đồng vào năm 2017.
Cũng theo các báo cáo này, tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán của Trung Nguyên trong giai đoạn 2014-2017 đều trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tổng tài sản ghi nhận đến cuối năm 2017 đạt mức 5.696 tỷ đồng.
Trong số này, nợ phải trả của tập đoàn cũng chiếm 1.055 tỷ đồng, còn lại 4.641 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu.
Theo giá trị tài sản ghi trong BCTC giai đoạn xảy ra tranh chấp giữa vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên (2016-2017), tổng tài sản của tập đoàn khá tương đồng với định giá mà tòa án đưa ra để phân chia.
Nhiều chuyên gia tài chính khẳng định việc định giá giá trị doanh nghiệp để phân chia trong các vụ ly hôn khác hoàn toàn so với việc định giá để mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
“Trong việc định giá tài sản để phân chia của tòa án, phương pháp thường được sử dụng là định giá theo tài sản thực hoặc dòng tiền chiết khấu... chứ không thể định giá thông qua hiệu suất và khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai”, vị chuyên gia khẳng định.
Theo ông Phan Lê Thành Long, trong trường hợp của Trung Nguyên, có thể tòa án đã định giá doanh nghiệp bằng phương pháp DCF (dòng tiền chiết khấu).
Theo đó, phương pháp này dựa trên nguyên tắc cơ bản nhất là ước tính giá trị mọi luồng thu nhập tự do mà doanh nghiệp sẽ thu được trong tương lai và quy về giá trị hiện tại bằng cách chiết khấu các luồng thu nhập này theo một tỷ lệ thích hợp.
Thực tế, phương pháp này sẽ khiến định giá của công ty giảm đi khá nhiều so với phương pháp định giá theo hiệu suất và khả năng sinh lời mà các doanh nghiệp thường dùng để định giá khi niêm yết hoặc mua, bán.
Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo cấp Cục trong ngành tài chính cũng cho hay việc định giá Trung Nguyên trước hết căn cứ vào cơ quan thẩm định giá là ai, khi đã đưa ra thẩm định giá rồi thì họ phải chịu trách nhiệm trước tòa về số liệu cung cấp.
Bên cạnh đó, trong những vụ xử lý tài sản quy mô lớn như Trung Nguyên, đều có ban giám định và người giám định cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước kết quả mà họ giám định.
Về mặt tài chính, vị này cho rằng việc định giá 5.700 tỷ đồng với Trung Nguyên có thể là phương pháp định giá trên bảng tài sản của tập đoàn.
"Với việc định giá theo tài sản thực, chỉ nói định giá thấp khi nhìn vào con số tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán mà cao hơn số định giá toà đưa ra, thì mới có thể đánh giá rằng giá trị sổ sách cao mà lại đánh giá thấp hơn", vị này nói.
Trong trường hợp Trung Nguyên, định giá của tòa án khá cân bằng với tổng tài sản mà tập đoàn này sở hữu tại thời điểm tranh chấp 2016-2017, xấp xỉ 5.700 tỷ đồng.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết trong trường hợp xử lý tài sản khi ly hôn, không thể áp dụng việc định giá doanh nghiệp thông thường như việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (thường định giá theo doanh thu và lợi nhuận).
“Định giá theo thị trường mua, bán cổ phiếu là mua tiềm năng của doanh nghiệp, mua thứ hình thành trong tương lai. Trong việc phân chia tài sản, không thể chia những tài sản chưa hình thành được”, vị này nói.
Thực tế, trên báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng có những khoản phải thu, vẫn là tài sản nhưng đều phải loại trừ ra vì đó là nghĩa vụ của doanh nghiệp, chứ không phải nghĩa vụ của cổ đông như ông Vũ và bà Thảo nên cũng không thể tính vào để chia.
Vì vậy, giá trị tổng tài sản của Trung Nguyên năm 2017 ghi nhận con số xấp xỉ 5.700 tỷ đồng, tuy sát với mức định giá của tòa nhưng cũng không thể khẳng định đây là căn cứ để tòa đưa ra định giá với Trung Nguyên.
Nếu niêm yết, Trung Nguyên sẽ được định giá bao nhiêu?
Một doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay là Công ty cổ phần VinaCafé Biên Hòa - VCF.
Theo đó, với vốn điều lệ 266 tỷ đồng, và EPS cơ bản (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) năm gần nhất lên tới 24.080 đồng, vốn hóa của VCF đang được thị trường định giá vào khoảng 3.800 tỷ đồng. Mức giá này tương đương hệ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu mang lại) vào khoảng gần 6 lần.
Trước đó, có hai doanh nghiệp trong ngành cà phê cũng niêm yết trên thị trường chứng khoán là Công ty cổ phần Cà phê An Giang - AGC và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam - THV.
Tại thời điểm cả 2 công ty này chưa hủy niêm yết, P/E của cổ phiếu cũng vào khoảng 6-8 lần.
Giả sử, Trung Nguyên niêm yết trên thị trường chứng khoán với các chỉ số tài chính của năm 2017 (với EPS vào khoảng 4.500 đồng) và mức định giá trung bình của thị trường với các cổ phiếu ngành cà phê, cổ phiếu Trung Nguyên cũng chỉ có giá vào khoảng 27.000-36.000 đồng.
Với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, vốn hóa của doanh nghiệp này cũng trên dưới 6.000 tỷ đồng, không cao hơn quá nhiều so với mức định giá của tòa án.
Tuy nhiên, ông Phan Lê Thành Long chỉ rõ, so với Vinacafe Biên Hoà (VCF), đơn vị đang được định giá gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận của Trung Nguyên trong nhiều năm trước gấp đôi hoặc gấp 3 so với đối thủ cạnh tranh.
Ông Long cũng lưu ý rằng VCF không có thanh khoản nên mức giá thị trường cổ phiếu hiện tại không phản ánh được giá trị công ty.
Một phương pháp khác là số nhân thu nhập trước thuế,trả lãi và khấu hao (EBITDA). Theo ông Long, EBITDA của Trung Nguyên không dưới 1.000 tỷ đồng và nếu nhân hệ số 8 thì mức định giá ở khoảng 8.000 tỷ đồng.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Xét cho cùng, vấn đề là cần định giá độc lập và có năng lực, chứ không thể lấy giá trị ghi sổ được, vì ngay cả giá trị ghi sổ có rất nhiều khoản đầu tư tài chính không mang lại giá trị".
(Theo Zing)