- Trung - Nhật có lẽ đã không dự tính được dấu mốc 40 năm quan hệ song phương lại trở thành dấu mốc đầy đáng tiếc khi "cơm không lành, canh chẳng ngọt" với tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, đẩy hai bên vào thế căng thẳng, lạnh nhạt, thậm chí cận kề đối đầu.


Tàu hải giám TQ và tàu tuần tra Nhật Bản "vờn nhau" ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo 

Năm 2012 là một năm sóng gió ở biển Hoa Đông khi tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đẩy quan hệ hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua.

Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á trở nên “cơm không lành, canh chẳng ngọt” khi liên tiếp va chạm tranh chấp chủ quyền với một quần đảo hầu như không có người ở (Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, quần đảo được cho là có trữ lượng dầu khí khá lớn. Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, nhưng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền).

Lời qua tiếng lại

Vốn dĩ đã có từ lâu, tranh chấp bị thổi bùng lên bởi cộng dồn nhiều yếu tố. Đó là việc Mỹ tuyên bố chiến lược trục xoay về châu Á; sự thành công nhanh chóng của Trung Quốc trong tăng trưởng trùng khớp với một thập niên kinh tế trì trệ của Nhật Bản; cộng với việc Bắc Kinh nỗ lực hiện đại hóa quân đội, tăng chi tiêu quốc phòng, không ngừng mở rộng tiếp cận các tuyến vận chuyển và tài nguyên tự nhiên ở nhiều vùng biển trong đó có Hoa Đông; chủ nghĩa dân tộc dâng cao cản trở tiến trình hòa giải.…

Người biểu tình TQ đập phá xe Nhật. Ảnh: AP

Lời qua tiếng lại giữa hai bên lên đến đỉnh điểm từ khi chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên bố kế hoạch “quốc hữu hoá” Senkaku/Điếu Ngư hồi đầu tháng 9. Coi đây là quyết định “không thể chịu đựng nổi” từ phía Tokyo, Bắc Kinh tuyên bố: “Nếu Nhật không lắng nghe mà đơn phương hành động thì sẽ phải hoàn toàn hứng chịu hậu quả của hành động đó”.

Trung Quốc đã đáp trả với hàng loạt động thái điều tàu hải giám, ngư chính tới vùng biển tranh chấp nhằm thực hiện cái mà họ gọi là “nhiệm vụ theo dõi tình hình, triển khai các hoạt động bảo vệ và tuyên bố chủ quyền”. Ở giai đoạn cao điểm (sau khi Tokyo mua thành công một số trong nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay tư nhân), Trung Quốc luôn duy trì số lượng từ 6-12 tàu công vụ (hải giám, ngư chính) và cả nghìn tàu cá hoạt động tại khu vực.

Tại Trung Quốc, một phong trào chống Nhật lan rộng tới hàng chục thành phố. Biểu tình thậm chí trở thành bạo lực khi một số người quá khích đập phá cửa hàng, xe cộ, buộc các nhà máy của Nhật Bản phải đóng cửa và ngừng sản xuất. Tại Tokyo, người dân Nhật cũng xuống đường biểu tình "đáp trả" Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai nước không có dấu hiệu lắng dịu khi nhật báo hàng đầu của Nhật là Yomiuri cáo buộc Trung Quốc áp dụng gói tài trợ đặc biệt cho tàu tới vùng đảo tranh chấp đánh cá.

Cao trào dẫn đến đối đầu

Xung đột nối tiếp đã khiến Bắc Kinh hủy lễ kỷ niệm đánh dấu 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản.

Cao trào nổ ra khi một thứ trưởng thương mại Trung Quốc công khai đề cập chuyện tẩy chay hàng hoá và công ty Nhật Bản - nhất là hãng sản xuất ô tô và các sản phẩm điện tử. Nhiều hãng du lịch Trung Quốc đã hoãn hoặc hủy tour tới Nhật khiến số du khách Trung Quốc tới Nhật giảm tới 33% trong tháng 10. Các công ty Nhật như Toyota, Honda, Nissan và Panasonic đều báo cáo về tổn tht với hoạt động và tài sản của họ khi hàng nghìn người Trung Quốc xuống đường biểu tình phản đối Nhật.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có khả năng trở lại nắm quyền. Ông thề sẽ giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp quần đảo. Ảnh: Reuters

Chính phủ Trung Quốc cảnh báo, dân biểu tình, truyền thông liên tục tuyên truyền, tố cáo Nhật "ăn cắp" quần đảo… và quân đội Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc.

Giữa tháng 10, 7 chiến hạm Trung Quốc (cả tàu khu trục và tàu tuần dương) được định vị giữa đảo lớn Okinawa và đảo Miyako. Vùng biển này cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 200 km về phía đông. Đây là lần đầu tiên một hạm đội hải quân Trung Quốc được nhìn thấy ở khu vực này, kể từ khi Nhật hoàn tất việc quốc hữu hóa ba đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bên cạnh đó, hải quân Trung Quốc cùng lực lượng hải giám và ngư chính đã phối hợp tổ chức diễn tập bảo vệ chủ quyền trên biển quy mô lớn ở Hoa Đông.

Trong động thái đáp trả không kém, Nhật cũng điều 8 máy bay chiến đấu ứng phó sau khi 1 máy bay Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào khu vực mà Nhật coi là không phận của họ ở quần đảo tranh chấp tại biển tranh chấp.

Cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc khiến dư luận quốc tế e ngại leo thang ở mức độ thực sự nguy hiểm. Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới giờ đây đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bởi nó không chỉ tác động đến tình hình Đông Á, mà còn tác động đến tình hình chính trị, an ninh và kinh tế trên thế giới.

Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn, nếu Nhật cương quyết không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền, nếu chủ nghĩa dân tộc tiếp tục là sức ép cho chính phủ hai bên, thì bước sang 2013, Hoa Đông tiếp tục còn nhiều cơn sóng dữ.

Thái An