{keywords}
Một phòng tập gym dành cho người già ở Trung Quốc 

Ở tuổi 71, bà Pan Guoli đã nghỉ hưu được chục năm nay. Nhưng trong khu phố, bà được coi là ứng viên hàng đầu cho công việc.

Hongqiao, quận ở phía tây Thượng Hải, là một trong nhiều đô thị của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng. Gần 40% cư dân ở đây trên 60 tuổi.

Vì thế, chính quyền đang khai thác lực lượng lao động phụ trợ để lấp đầy khoảng trống, đó là những người ở tuổi thất thập như bà Pan.

Chính quyền đã chia các cư dân cao tuổi của khu vực thành 2 nhóm - nhóm “người già còn trẻ” từ 60 tới 75 tuổi và nhóm “người già đã già” từ 75 tuổi trở lên. Họ khuyến khích những “người già còn trẻ” chăm sóc cho những người hàng xóm đã già hẳn.

Bà Pan bắt đầu công việc tại một phòng tập gym gần nhà, cụ thể là giúp những người già khác sử dụng các loại dụng cụ. Những “người già trẻ tuổi” khác thì tham gia dạy sử dụng máy vi tính, đưa hàng xóm đi khám bệnh, hoặc làm việc vài giờ ở công ty.

Họ không nhận được lương cho những công việc này. Thay vào đó, họ được trả “xu thời gian” - cái mà họ có thể đổi miễn phí lấy các dịch vụ khi đến tuổi 75.

Hệ thống này được gọi là 'ngân hàng thời gian' và đang trong thời gian thử nghiệm. Tuy nhiên, nó có thể sớm được triển khai trên toàn Trung Quốc, khi đất nước này đang phải vật lộn đối phó với những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Chính sách kế hoạch hoá gia đình hà khắc suốt 4 thập kỷ đã khiến Trung Quốc trở thành một trong những xã hội già hoá nhanh nhất thế giới. Hiện đất nước này có hơn 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Con số này dự kiến sẽ tăng lên mức đáng kinh ngạc 402 triệu người vào năm 2040.

Các dịch vụ chăm sóc xã hội ở nhiều thành phố đã bị quá tải. Cách đây 10 năm, các khảo sát cho thấy Thượng Hải thiếu hơn hơn 500.000 lao động giúp việc gia đình, và tình trạng này chắc chắn đã trở nên tồi tệ hơn kể từ đó. Các nhà chức trách địa phương cam kết sẽ có thêm hàng nghìn giường trong viện dưỡng lão vào năm 2022, tuy nhiên nhu cầu vẫn vượt qua nguồn cung.

Sự thiếu hụt lao động đang đặt một gánh nặng to lớn lên hàng triệu người thuộc thế hệ một con - những người vừa phải phát triển sự nghiệp, vừa nuôi dạy con cái và chăm sóc bố mẹ già.

Các nhà chức trách nước này đã đưa ra một loạt chính sách để giải quyết vấn đề này, như: trả lương cho sinh viên để làm người chăm sóc, cho phép nhân viên tới từ các gia đình có 1 con được thêm ngày nghỉ phép, khuyến khích các dịch vụ tận nhà cho người cao tuổi cần chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ đạt được hiệu quả nhất định.

Hiện tại, giới chức trách đang chuyển sang dự án ngân hàng thời gian như một phương pháp thay thế để quản lý dân số già.

Khái niệm ngân hàng thời gian được phát triển bởi giáo sư luật người Mỹ Edgar Cahn vào những năm 1980, trong đó khuyến khích công dân thực hiện các dịch vụ cộng đồng để đổi lấy các vật phẩm hoặc dịch vụ công khác. Đến nay, hơn 20 quốc gia đã sử dụng một số cách thức của hệ thống “ngân hàng” này. Tuy nhiên, Trung Quốc nhắm đến việc sử dụng nó theo một cách rất cụ thể: thúc đẩy người già hỗ trợ những người già hơn mình.

Năm 2018, Bộ Nội vụ trung Quốc từng đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống ngân hàng thời gian. Cơ quan này đề nghị các quan chức khởi động kế hoạch thí điểm ở địa phương để sau đó có thể được nhân rộng và triển khai trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ngân hàng thời gian cũng gặp phải một số vướng mắc trong suốt thời gian thử nghiệm. Hai năm sau khi thử nghiệm, hệ thống của Hongqiao chỉ có 164 thành viên đăng ký. “Một số người nói rằng họ không cần một dịch vụ như vậy. Họ muốn làm mọi thứ một mình”, Zhao Chen, phó chủ tịch của tiểu khu này cho hay.

Hongqiao đã cố gắng hết sức để quảng bá cho dự án, thậm chí còn cho ra mắt một nền tảng trực tuyến cho phép người dân đăng ký, sắp xếp dịch vụ và quản lý xu trên điện thoại di động. Tuy nhiên, “người già còn trẻ” trong khu vực chủ yếu xem dự án này là một hình thức làm từ thiện.

Bà Pan là một “nhân viên” rất vui vẻ, cởi mở ở phòng gym nơi bà làm việc. Bà đã nộp đơn xin việc ngay khi nghe tin về nó hồi đầu năm nay. Bà kiếm được hàng chục “đồng xu thời gian” nhưng chưa nghĩ đến việc sẽ sử dụng chúng. Bà nói, lợi ích chính của công việc này là giúp bà được vận động và khoẻ mạnh.

Đăng Dương (Theo Sixth Tone)

Thế hệ người cao tuổi không sống cùng con cháu

Thế hệ người cao tuổi không sống cùng con cháu

Có 2 cậu con trai nhưng ông Vinh và bà Nga khiến nhiều người ngạc nhiên khi chẳng chịu ở chung với đứa nào.