Lần đầu tiên hoạt động thương mại trên Con Đường Tơ Lụa huyền thoại được thực hiện bởi phương tiện tàu hỏa. Đây là bước tiến mới trong kế hoạch 2 con đường thống trị thế giới của Trung Quốc.
Chuyến tàu đầu tiên
Trong hàng trăm năm, hàng hóa của Trung Quốc đã vượt những con đường bộ hàng ngàn kilometer qua núi đồi và sa mạc để đến với Afghanistan, vùng đất trung tâm của châu Á. Nhưng giờ đây, đã có sự thay đổi.
Chuyến tàu hàng hóa đầu tiên trong lịch sử đã được thực hiện trong tuần qua, nối từ Trung Quốc tới thị trấn Hairatan ở tỉnh Balkh, phía Bắc của Afghanistan. Đây có lẽ là một bước tiến nữa trong dự án “Con Đường Tơ Lụa” của Trung Quốc với mục đích nâng cao tầm ảnh hưởng của quốc gia này trên các con đường thông thương quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử.
Afghanistan đón chuyến tàu hàng hóa đầu tiên từ Trung Quốc. |
Với Afghanistan, sự liên kết mới này là một bước đi đầu tiên để thực hiện ước mơ biến đất nước không có bờ biển này trở thành một trung tâm trung chuyển của châu Á. Đó là một dự án “không có tiền lệ”, một dự án “quan trọng” đối với nền kinh tế Afghanistan. Nó giúp giảm giá thành hàng hóa nhập từ TQ và cải thiện quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Chuyến tàu chở hàng hóa trị giá tổng cộng 4 triệu USD, bao gồm: vải, quần áo và vật liệu xây dựng đã mất 2 tuần để đi từ bờ biển phía Đông của TQ đến với Hairatan, ngắn hơn nhiều so với thời gian 3 cho tới 6 tháng vận chuyển bằng đường bộ qua Pakistan.
Đây là một phần trong dự án “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road) nhằm kết nối TQ với các nước châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu bằng một con đường tơ lụa trên bộ (Silk Road Economic Belt - SREB) và một con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (Maritime Silk Road - MSR).
Kể từ khi nhậm chức chủ tịch, ông Tập Cận Bình không tiếc tay đầu tư vào các dự án hạ tầng đang “đói tiền” của Đông Nam Á (ASEAN) nằm trên tuyến “con đường tơ lụa trên biển” nhằm tăng cường kết nối với các nước Đông Nam Á, châu Đại Dương và châu Phi.
Mặc dù gặp rất nhiều trục trặc nhưng hiện tại, TQ vẫn đang tiếp tục triển khai dự án cảng Colombo tại Sri Lanka nơi mà nước láng giềng Ấn Độ phải sử dụng để vận chuyển 80% hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cuối 2015, TQ đã thành thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ngân hàng có vốn 100 tỷ USD được thiết lập có lẽ cũng là để thực hiện các mục đích nói trên.
Trong nước, trong ba thập kỷ cải cách, TQ đã xây dựng một hệ thống đường cao tốc, đường sắt từ Bắc vào Nam, từ phía Đông sang khu vực kém phát triển phía Tây và Tây Nam. Đây được xem là cơ sở để liên kết với các khu vực khác.
Đằng sau 2 con đường tham vọng
Phát biểu tại lễ đón chuyến tàu hàng hóa đầu tiên của Trung Quốc tới Hairatan, đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Diêu Cảnh (Yao Jing) cho rằng, “nếu không có sự kết nối với Afghanistan, sẽ không có có con đường để kết nối TQ với thế giới”.
Dự án "Một vành đai một con đường" hay còn gọi là "Con đường tơ lụa mới". |
Có thể thấy, nỗ lực mở rộng thông thương với các nước là xu hướng tất yếu đối với TQ trong thời buổi hội nhập. Tuy nhiên, sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, hay còn được gọi là “Con đường Tơ lụa mới”, bao gồm cả đường bộ và thủy này cũng khiến nhiều người hoài nghi về chính sách đối ngoại đa cực, không bá chủ, an ninh chung,... của TQ.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, TQ đã có những kế hoạch đầu tư rất lớn để khai thác khối lượng tài nguyên ước tính trị giá lên tới 3 ngàn tỷ USD ở Afghanistan. Trong năm 2007, một tập đoàn của TQ đã được cấp phép khai khác mỏ đồng lớn nhất tại Afghanistan. Và tuyến đường sắt mới có thể là một con đường tốt nhất để vận chuyển đồng tới Trung Quốc.
Theo Business Insider, việc tái thiết Con Đường Tơ Lụa mới của TQ có lẽ gắn với câu chuyện về tài nguyên thiên nhiên. Trước đó, Bloomberg cho biết, quỹ Silk Road Fund trị giá 40 tỷ USD của TQ đang tìm cách mua mỏ vàng đầu tiên tại Kazakhstan.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho MSR cũng được xem là giải pháp giúp TQ giải quyết dư thừa sản phẩm công nghiệp tại nước này.
Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả. Hàng loạt các hành động gần đây cho thấy, Trung Quốc tham vọng thay Mỹ viết lại các quy tắc của cấu trúc thương mại và kinh tế toàn cầu.
Trong vài năm gần đây, số lượng DN Trung Quốc hoạt động tại Singapore tăng đột biến. Tập đoàn vận tải lớn nhất TQ Cosco cũng đang xây dựng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN thông qua Singapore như một cửa ngõ tới khu vực.
Đầu tư thương mại đồng nghĩa TQ đang dần hình thành quyền lực mềm và thể hiện tham vọng của nước này. Tuy nhiên, không ít nước gần đây cũng đã cẩn trọng hơn khi hợp tác với TQ trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Những tiếng xấu trong thập kỷ qua khiến hàng loạt các dự án có dính tới TQ gần đây bị các nước chối bỏ, trả hàng.
H. Tú