Việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN là hành vi chưa từng có tiền lệ và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Ngày 21-6, trang mạng của Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo việc Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đã từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ 17, các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền, tiến hành quản lý, khai thác hòa bình liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi nó chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào.

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong ảnh: trẻ em vui chơi trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Tuổi trẻ


Các chứng cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang được lưu giữ không chỉ ở các cơ quan lưu trữ của Việt Nam, mà còn đang được lưu giữ ở trung tâm lưu trữ của các nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Hà Lan, Anh...

 Không có căn cứ lịch sử, pháp lý

Giải thích cho thông báo về quyết định sai trái của phía Trung Quốc, người phát ngôn của Bộ Dân chính Trung Quốc cho rằng “Trung Quốc là người phát hiện và đặt tên sớm nhất cho các quần đảo này”.

Cách giải thích này hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế. Nếu theo cách nghĩ của phía Trung Quốc thì có lẽ lãnh thổ của các nước sớm có nền hàng hải phát triển như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha... sẽ trải khắp thế giới vì có biết bao hòn đảo trên các đại dương đã được những thương thuyền của các quốc gia này phát hiện và đặt tên cho nó.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao phía Trung Quốc không đưa ra những căn cứ cụ thể để chứng minh cho lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Dân chính Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản là phía Trung Quốc hoàn toàn không có những căn cứ pháp lý, căn cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sử sách các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều khẳng định cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, các bản đồ của Trung Quốc cho đến tận đời nhà Thanh cũng chỉ vẽ điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam chứ không gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc thường viện dẫn việc đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa năm 1907 để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”, nhưng khi đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các nhà nước Việt Nam quản lý, khai thác từ hàng trăm năm trước.

Vi phạm luật pháp quốc tế

Theo luật pháp quốc tế, một vùng lãnh thổ được coi là thuộc về một quốc gia khi quốc gia đó thực hiện quản lý, khai thác hòa bình, liên tục trong thời gian dài. Năm 1956, Trung Quốc chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa và năm 1974 chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực.

Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực để đánh chiếm vài bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc, bị cộng đồng quốc tế lên án.

Qua những phân tích trên, càng thấy rõ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của phía Trung Quốc là hoàn toàn sai trái và không có giá trị pháp lý.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng, không chỉ được ghi nhận trong các tài liệu pháp lý lịch sử mà còn được thừa nhận ở một hội nghị quốc tế hết sức quan trọng bàn về vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Hội nghị San Francisco năm 1951 khi đại diện của Việt Nam đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một điều đáng nói là cùng với việc đưa lên mạng quyết định sai trái về việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, một số cơ quan báo chí và các trang mạng của Trung Quốc còn đăng ý kiến phát biểu của một vài tướng lĩnh Trung Quốc kêu gọi quân sự hóa “Tam Sa”, “trên các đảo của Tam Sa chỗ nào đóng quân được thì đóng quân”! Với những lời lẽ đó, phải chăng họ đang muốn triển khai kế hoạch biến các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc?

Gần đây, Trung Quốc ra sức tuyên truyền chủ trương “trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” và “ngoại giao hòa thuận với các nước láng giềng”. Nhưng những lời lẽ và việc làm trên thực tế đó của phía Trung Quốc có thể hiện đúng “chủ trương nhất quán” đó của Trung Quốc hay không?

Vi phạm chủ quyền Việt Nam

Một số tờ báo của Trung Quốc còn cho biết kế hoạch thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu và Trung Quốc đã chọn thời điểm này để đưa ra công khai nhằm “trả đũa Việt Nam thông qua Luật biển”.

Với cách tiếp cận đó, phải chăng cái gọi là “thành phố Tam Sa” là một con bài thủ sẵn để tung ra đối phó với các nước láng giềng chứ hoàn toàn không có căn cứ pháp lý lịch sử?

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam và đã được các nhà nước Việt Nam thành lập các đơn vị quản lý hành chính từ lâu.

Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố DOC ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, gây bức xúc và phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhân dân Việt Nam đã có những tuyên bố kiên quyết phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định phi pháp này.

Là láng giềng gần gũi, tin rằng những người Trung Quốc chính trực thấy được lẽ phải, không để những lời nói và việc làm tổn hại đến tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, cùng nhau vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Trung.

Anh Thu – Theo báo Tuổi trẻ

Chiến lược độc chiếm biển Đông

Việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu khai thác dầu khí tại vùng biển của Việt Nam là một phần trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh.

Chiến lược biển Đông của Trung Quốc từ trước đến nay luôn là dùng thủ đoạn để biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp. Sau đó, Bắc Kinh tìm cách biến vùng biển tranh chấp thành vùng biển của Trung Quốc. Động thái của CNOOC chỉ là một trong số nhiều hành vi của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền một cách phi pháp nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm toàn bộ biển Đông theo bản đồ “đường lưỡi bò”.

Cần phải khẳng định rằng hành vi của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)... Việc CNOOC mời thầu cũng đi ngược lại tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2011 về việc cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Có thể thấy Trung Quốc đã nói một đàng làm một nẻo.

Việc các công ty dầu khí nước ngoài có tham gia đấu thầu theo lời mời của CNOOC hay không phụ thuộc vào phản ứng của Việt Nam. Chúng ta cần công khai lên án hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của Trung Quốc lên các diễn đàn quốc tế, các định chế quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Chúng ta phải khẳng định với bạn bè thế giới rằng hành vi của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Chúng ta phải nhấn mạnh rằng các công ty nước ngoài nếu muốn đến khai thác dầu khí trên lãnh hải Việt Nam cần phải nhận được lời mời của Chính phủ và công ty Việt Nam, chứ không phải là của một quốc gia khác. Trước quan điểm rõ ràng đó, các công ty nước ngoài chắc chắn sẽ hiểu rõ bản chất vụ việc và phải suy tính kỹ càng trước khi quyết định.

Nếu Việt Nam chỉ phản ứng trực tiếp với Trung Quốc mà không phản ứng một cách mạnh mẽ ra cộng đồng quốc tế, có khả năng các công ty nước ngoài sẽ đáp ứng lời mời của CNOOC. Và chính quyền Bắc Kinh cũng có thể sẽ triển khai lực lượng đến vùng biển của Việt Nam để hiện thực hóa cái gọi là chủ quyền của họ.

Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an) – Tuổi trẻ

Hội Dầu khí VN kêu gọi công ty quốc tế không dự thầu

Ngày 29-6, Hội Dầu khí VN đã ra tuyên bố về việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (TQ - CNOOC) công bố mời thầu chín lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài. Lên án và phản đối hành động sai luật và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền VN, Hội Dầu khí VN đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu.

“Hội Dầu khí VN luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước VN - TQ trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực” - tuyên bố của hội nêu. Đồng thời, Hội Dầu khí VN bày tỏ sự hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí của TQ cũng như các công ty dầu khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN, phù hợp với luật pháp VN, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Về phần mình, hội cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của VN ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi.

Hương Giang – Tuổi trẻ

Trung Quốc mời thầu là khiêu khích

Việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN là hành vi chưa từng có tiền lệ và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Đó là khu đặc quyền kinh tế của VN, luật pháp quốc tế công nhận. Có thông tin rằng một phe phái chính trị nào đó, có thể quân đội Trung Quốc hoặc Bộ Ngoại giao, đã dùng CNOOC làm bình phong để phản ứng việc VN thông qua Luật biển.

Báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) khẳng định nguyên nhân căng thẳng biển Đông là do sự chia rẽ ngay trong nội bộ chính quyền Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có quá nhiều cơ quan quản lý các vấn đề về biển. Chính sách của Trung Quốc ở biển Đông là quá ngang ngược và thiếu cơ sở luật pháp. Do đó dẫn tới sự nghi kỵ và làm tăng nguy cơ bất ổn. Qua đó, Trung Quốc trở nên cô lập trong khu vực và trên thế giới.

Mỹ lo ngại nếu các bên không giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà bằng hành vi cưỡng ép, bạo lực, tranh chấp sẽ đe dọa tự do hàng hải. Tôi cho rằng đó là hành vi tấn công trực tiếp vào lợi ích nước Mỹ.

TNS Joe lieberman – Tuổi trẻ