Không ngăn chặn kịp thời các nhóm thương lái Trung Quốc mua tôm chụp giật, đời sống hàng chục ngàn công nhân sẽ lâm nguy.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra cảnh báo nghiêm túc về một nguy cơ đối với lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội này, nói: “Các doanh nghiệp (DN) thủy sản mất khách hàng vì không có đủ nguồn nguyên liệu đáp ứng hợp đồng; công nhân thiếu việc, giảm thu nhập; thương hiệu tôm Việt Nam bị đánh sập... Đó là những nguy cơ rất rõ ràng trước tình hình nhiều thương lái Trung Quốc đang ra sức thâu tóm nguồn tôm nguyên liệu Việt Nam”.
Hiệp hội đã gửi ít nhất hai văn bản về các bộ ngành trung ương để cảnh báo về tình hình này.
Giành giật tôm nguyên liệu
Qua khảo sát thực tế, VASEP khẳng định hơn một tháng qua, thương lái Trung Quốc với danh nghĩa là các công ty, tập đoàn đã đổ sang Việt Nam thu mua tôm nguyên liệu bằng mọi giá. Bình quân mỗi ngày các thương lái thu mua cả trăm tấn tôm các loại tại các tỉnh có nguồn nguyên liệu nhiều như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng để chuyển về Trung Quốc dạng nguyên con chưa qua chế biến. Trước phía Trung Quốc chỉ mua tôm nguyên con loại lớn trọng lượng dưới 100 con/kg, nay họ mua cả các loại tôm nhỏ trọng lượng trên 100 con/kg.
Giá tôm tăng đột biến, nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ồ ạt nuôi tôm gây rủi ro khó lường (ảnh Thanh niên) |
“Để mua cho bằng được, họ nâng giá mua lên cao hơn các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ 15% đến 20%. Các DN trong nước không ai hiểu được nhờ đầu ra nào mà họ mua được giá như vậy. Và chúng tôi chỉ có một cách lý giải đó là hành động mua phá giá và quấy rối” - ông Hải cho biết.
Hệ thống DN xuất khẩu thủy sản nội địa đã cố gắng “đeo” theo, chấp nhận mua ở mức hòa vốn để giữ việc làm cho công nhân và đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên, phía DN trong nước nâng giá đến đâu thì thương lái Trung Quốc theo đến đó. “Căn cứ để họ đưa ra giá mua tôm là giá của chúng tôi đang mua cộng thêm 5.000, 10.000, thậm chí 20.000 đồng trên ký tùy từng loại tôm” - một DN xuất khẩu tôm cho biết.
Cuộc giành giật đó đã đẩy giá tôm nguyên liệu trong nước lên kỷ lục, vượt tầm kiểm soát của các DN thủy sản nội địa. Cụ thể: tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg đang có giá 260.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 210.000 đồng/kg… khiến nhiều DN xuất khẩu thủy sản đầu hàng, kể cả DN lớn. Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Minh Phú (Cà Mau), cho biết: “Cuộc giành giật của thương lái Trung Quốc khiến chúng tôi bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng, nhiều khả năng khó đáp ứng được một số hợp đồng. Đáng lo ngại hơn là hàng chục ngàn công nhân có nguy cơ bị giảm thu nhập sắp tới”.
Cần ngăn chặn ngay
Ông Trần Thiện Hải khẳng định: “Phải ngăn chặn ngay các hành động mua bán chụp giật có tính phá giá, quấy rối của các thương lái Trung Quốc hiện nay. Đó là kiến nghị chung của các DN xuất khẩu thủy sản trong nước. Chúng tôi thống nhất nhận định hậu quả của tình trạng này rất khó lường. Nhưng nhan nhản trước mắt là tình trạng công nhân thiếu việc, giảm thu nhập, DN mất khách hàng, thất thu thuế. Ngoài ra, nhiều DN cũng thấy rõ nguy cơ suy giảm uy tín thương hiệu tôm Việt trên trường quốc tế. Bởi cách mua của thương lái Trung Quốc rất dễ dãi, gần như buông trôi việc kiểm soát tạp chất, thậm chí còn trắng trợn lên tiếng mua tôm tạp chất. Hậu quả lớn hơn sau đó được các DN chỉ ra là nông dân phá vỡ quy hoạch, ồ ạt nuôi tôm chạy theo lợi nhuận trước mắt”.
Đồng quan điểm với ông Hải, lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam và Công ty Minh Phú lên tiếng: Nhà nước cần cấp bách sử dụng các công cụ quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng mua tôm nguyên liệu có tính phá giá và quấy rối như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Hải nói rõ: “Ở đây là ngăn chặn kiểu mua bán chụp giật, có tính phá giá và quấy rối, bất thường chứ không nói chống khách hàng Trung Quốc, đó là khách hàng lớn của chúng ta. Cách chúng tôi đã đề xuất với các bộ, ngành trung ương là tăng cường kiểm soát thị trường ở khâu vận chuyển. Đã xuất hiện tình trạng lợi dụng kiểm soát thiếu chặt chẽ khâu lưu thông để chuyển một lượng lớn hàng tôm sú nguyên liệu tạp chất qua Trung Quốc. Lượng hàng này thường được chuyển thiếu các thủ tục theo quy định hiện hành”.
Còn ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Minh Phú, phát kiến: “Nhà nước nên xem xét cho đánh thuế vào hàng xuất khẩu nguyên liệu thủy sản thô, cụ thể là đối với tôm nguyên liệu chưa qua chế biến. Làm như vậy vừa ngăn được chuyện phá giá, quấy rối, vừa có thêm nguồn thu cho ngân sách mà cũng phù hợp với chủ trương khuyến khích xuất khẩu hàng giá trị gia tăng, hạn chế xuất thô sản phẩm từ nông nghiệp”.
(Theo PL TP.HCM)