Khi người bản địa chật vật giữ việc làm và nhà cửa, thì người Trung Quốc nhập cư đã bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, mua bán bất động sản với giá hời.
Khi cha mẹ của Vương Gia Gia từ Trung Quốc tới Barcelona những năm 1990, họ không có giấy phép làm việc, không biết nói tiếng Tây Ban Nha. Món ăn thường xuyên của gia đình này là trứng. Mẹ và cha cô làm việc suốt 12h đồng hồ trong một nhà hàng Trung Quốc.
Năm năm sau, họ tự mua một nhà hàng với tiền vay mượn từ người thân, không lãi suất. Cô và các em rửa bát đĩa. Cha mẹ Vương ngủ trên một tấm nệm trong nhà vệ sinh ở căn phòng chật hẹp để con cái có thể học hành ban đêm ở phòng khác.
Ngày nay, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Tây Ban Nha lên tới 50% thì Vương, 24 tuổi, học chuyên ngành kinh tế tại Harvard với học bổng một năm, có tới bốn công việc để làm: dạy tiếng Trung Quốc, tư vấn cho nhà đầu tư Trung Quốc ở Tây Ban Nha, điều hành một nhà xuất bản và viết tiểu thuyết lãng mạn. Vương gửi về nhà khoảng 1.300 USD mỗi tháng để giúp cha mẹ, những người đã nghỉ việc từ năm ngoái.
Câu chuyện gia đình của Vương đang nói lên rất nhiều cách sống của 170.000 người Trung Quốc nhập cư ở Tây Ban Nha. Họ đã không chỉ tồn tại trong một nền kinh tế khó khăn, mà thậm chí còn tạo dựng sự nghiệp phát đạt, nhờ lao động chăm chỉ và một mô hình cố kết gia đình mạnh mẽ theo đạo Khổng. Trong khi đó, thất nghiệp và cắt giảm dịch vụ chi tiêu công đã khiến rất nhiều người bản địa khốn khó.
"Gia đình Trung Quốc ít phụ thuộc vào chính phủ vì gia đình giống như một nhà nước thu nhỏ với an sinh, tiết kiệm, dịch vụ xã hội", Vương nói. "Đối với người Trung Quốc sống qua thời kỳ khó khăn, làm việc 16 giờ/ngày không phải là vấn đề, và điều đó khiến chúng tôi thích nghi hơn trong suốt cuộc khủng hoảng", Vương nhấn mạnh.
Chính phủ Tây Ban Nha dường như đã thừa nhận tầm quan trọng của mô hình thành công này. Vì thế, để xác định thu hút người nhập cư Trung Quốc, trong tháng 11, họ đã thông qua điều luật cấp giấy phép cư trú cho người nước ngoài, những người có khả năng mua nhà với giá trị hơn 160.000 euro. Các nhà lập pháp cho biết, mục tiêu chính của luật này là thu hút đầu tư từ Trung Quốc và Nga.
Mua bất động sản "dưới đáy"
Khi người bản địa vô cùng khó khăn để giữ lại việc làm và nhà cửa, thì người Trung Quốc nhập cư ở Barcelona và Madrid đã bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, mua bán bất động sản với giá hời của Tây Ban Nha.
Trong số 8.613 người nước ngoài bắt đầu kinh doanh ở 10 tháng qua, có tới 30% tương đương với 2.569 người là người Trung Quốc, theo thống kê của Hiệp hội lao động tự do Tây Ban Nha.
InfoChina Gestión, một công ty bất động sản ở Madrid chuyên tập trung vào thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc cho hay, số lượng nhà đất có giá từ 70.000 - 100.000 euro được bán cho người Trung Quốc tăng gần gấp đôi năm ngoái (813 nhà). Mr. House - một công ty bất động sản khác ở Madrid tiết lộ, họ đang được ít nhất 10 căn nhà/tháng cho người Trung Quốc, phần lớn trong số này đều thanh toán khoảng 80% giá trị nhà bằng tiền mặt.
Các loại hình công việc mà rất nhiều người nhập cư Trung Quốc đảm nhận đã góp phần giải thích thành công của họ cũng giống như nguyên tắc làm việc của họ. Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, hệ thống cửa hàng chợ tạp hoá, tiệm làm tóc, siêu thị của người Trung Quốc với giá rẻ mọc lên khắp nơi, thu hút người tiêu dùng Tây Ban Nha khi họ phải tính toán tới cách chi tiêu hợp lý.
"Nếu không có các cửa hàng Trung Quốc thì thật khó sống", Ester Maduerga, 30 tuổi, một nhân viên bán hàng tại cửa hàng giày thể thao trong khu chợ mang tên One Hundred and More do một người Trung Quốc làm chủ, nói.
Tập Lý Hà, 26 tuổi, quản lý kiêm thủ quỹ của khu chợ cho biết, việc kinh doanh đang phát đạt một phần vì ông đã giảm giá sản phẩm bằng cách nhập khẩu hàng hoá rẻ từ Trung Quốc. Khi Tập bắt đầu học trường kinh doanh đã cố gắng kiếm việc tại một cửa hàng bán lẻ lớn của Tây Ban Nha.
Đầu tư giữa khủng hoảng
Trước khi cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha bùng nổ vào năm 2008, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc ở nước này là không đáng kể. Trong năm ngoái, nó đã tăng lên tới 70 triệu euro (theo ICEX, một cơ quan thống kê đầu tư chính phủ).
Ivana Casaburi, giáo sư về marketing quốc tế tại trường kinh doanh Esade ở Barcelona, cho biết, nhiều công ty Trung Quốc bị thu hút đến Tây Ban Nha vì nước này giống như một cửa ngõ với chi phí thấp để tiến vào EU - khối giao thương lớn nhất thế giới.
Isla Ramos Chaves, giám đốc điều hành tại công ty máy tính Trung Quốc Lenovo nhấn mạnh, ngay cả trong thời khủng hoảng thì Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư khu vực đồng euro - vẫn là một thị trường mà các công ty Trung Quốc háo hức tìm kiếm và khai thác. Bà cho biết, các công ty đa quốc gia Trung Quốc ở Tây Ban Nha đã minh chứng điều này, một phần vì họ có "dây neo" vững chắc từ thị trường trong nước.
Các nhà điều hành tại Haier, một công ty thiết bị Trung Quốc cho rằng, khủng hoảng kinh tế đã cung cấp một cơ hội, khi người Tây Ban Nha sẵn sàng xem xét giá cả cạnh tranh của máy giặt, máy điều hoà thậm chí là những thương hiệu không quá nổi tiếng. "Tôi không chắc chúng tôi sẽ thành công nếu thị trường ổn định và tăng trưởng", Santiago Belenguer, quản lý hoạt động tại Tây Ban Nha của Haier nói.
Sự thành công của những người nhập cư Trung Quốc mới đến Tây Ban Nha không vấp phải làn sóng phản đối người nhập cư như ở một số phần khác của châu Âu ví dụ là Hy Lạp. Các chuyên gia nhập cư giải thích rằng, Tây Ban Nha có thái độ tương đối cởi mở với người nhập cư. Đó là chứ kể khi khủng hoảng, hàng nghìn người nhập cư Mỹ Latin đã trở về nước khiến Tây Ban Nha chịu sức ép lớn về lực lượng lao động.
Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người nhập cư Trung Quốc đều thành công. Một số trong đó đã trở thành mục tiêu của lực lượng thực thi pháp luật. Trong tháng 10, cảnh sát đã bắt giữ 80 người trong một chiến dịch trấn áp tội phạm là người Trung Quốc liên quan tới rửa tiền và trốn thuế. Cảnh sát cho biết, hàng hoá giá rẻ Trung Quốc được tiếp tay bởi một số nhà nhập khẩu không kê khai vận chuyển từ Trung Quốc và do đó tránh được nộp thuế.
Tại Barcelona, José Rodríguez, chủ A Porta Galega - một cửa hiệu cà phê truyền thống cho biết, mọi thứ giá rẻ từ bia tới dầu gội đầu ở các cửa hàng của người Trung Quốc khiến người Tây Ban Nha khó có thể cạnh tranh. Ít nhất có hơn 10 quán hàng của người Trung Quốc tương tự như cửa hiệu của ông mở ra ở khu ông ở. Và ông nói, ông sẽ bán cửa hiệu cho người mua Trung Quốc "với giá cả phải chăng".
Nguyễn Huy theo NYTimes