CNBC đưa tin hôm 21/7, Didi Global - gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc - đã bị cơ quan quản lý phạt hơn 1 tỷ USD sau cuộc điều tra kéo dài một năm.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết đã phạt Didi 8,026 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,19 tỷ USD) vì vi phạm luật an ninh mạng, luật bảo mật dữ liệu và luật bảo vệ thông tin cá nhân của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cũng phạt 2 giám đốc điều hành Didi mỗi người 1 triệu nhân dân tệ. Trong một tuyên bố, hãng gọi xe Trung Quốc cho biết họ chấp nhận quyết định của cơ quan quản lý an ninh mạng.
Didi bị phạt hơn 1 tỷ USD sau cuộc điều tra kéo dài một năm. Ảnh: Reuters. |
Cuộc điều tra kéo dài
Thông báo của cơ quan an ninh mạng không nêu rõ liệu Didi có thể có thêm người dùng mới, hay ứng dụng của Didi có khả năng trở lại các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh hay không.
Tháng 7 năm ngoái, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty.
Gã khổng lồ gọi xe - còn được gọi là "Uber Trung Quốc" - gặp rắc rối với các cơ quan quản lý ngay sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công cúng) thành công trên sàn New York và thu về 4,4 tỷ USD.
Didi nắm giữ lượng dữ liệu lớn từ nửa tỷ người dùng, chủ yếu tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Didi kiểm soát gần như toàn bộ thị trường gọi xe của Trung Quốc. Công ty được SoftBank Group Corp và Tencent Holdings Ltd. rót vốn.
Didi bị nhắm đến sau khi đẩy mạnh IPO bất chấp những lo ngại về quy định bảo mật dữ liệu.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã đề nghị Didi hoãn IPO từ nhiều tuần trước khi công ty lên sàn Mỹ. Giống nhiều gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, Didi phát triển nhanh một cách tự do. Nhưng giờ, Bắc Kinh đang tìm cách bịt các lỗ hổng quy định.
Vấn đề bảo mật dữ liệu
Didi nắm giữ lượng dữ liệu lớn từ nửa tỷ người dùng, chủ yếu tại Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã tìm cách giành quyền kiểm soát lượng dữ liệu này. Ngoài bảo vệ người tiêu dùng, Bắc Kinh muốn tận dụng nguồn tài nguyên dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, thay vì làm giàu cho một nhóm nhỏ tỷ phú.
Tuy nhiên, Didi đã kịp thời IPO tại Mỹ và thành công vượt qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt của cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc.
"Bắc Kinh không hài lòng khi những tập đoàn lớn nước này kết thân với cổ đông nước ngoài. Họ muốn các công ty công nghệ giữ tài sản cốt lõi - dữ liệu và thuật toán - ở Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời bà Xiaomeng Lu, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, giải thích.
Trong một tuyên bố sau khi mở cuộc điều tra với Didi, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện các quy định và luật pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin mật.
Ngoài ra, hội đồng cho biết đang tăng cường giám sát và sửa đổi các quy tắc đối với những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài.
Chưa đầy 6 tháng sau, Didi cho biết sẽ hủy niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và lên kế hoạch niêm yết tại Hong Kong.
Didi không phải công ty tư nhân duy nhất bị nhắm đến. Năm ngoái, Bắc Kinh đã mạnh tay chấn chỉnh các tập đoàn lớn từ công nghệ tài chính đến gọi xe. Cuộc trấn áp kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu lớn, khiến vốn hóa của những đại gia công nghệ Trung Quốc lao dốc mạnh. Điều này làm niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng.
Đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã nới lỏng gọng kìm với ngành công nghiệp công nghệ của đất nước, nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng triển vọng vẫn không mấy khả quan. Theo giới quan sát, tốc độ tăng trưởng chóng mặt của ngành công nghiệp trong 20 năm qua có thể không bao giờ trở lại.
"Một khi đã bị siết chặt kiểm soát, ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc sẽ không bao giờ trở lại như cũ", một vị doanh nhân giấu tên bình luận với Bloomberg.
(Theo Zing)