Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ Thần Châu-8 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền vào đầu tháng 11 tới. Trạm vũ trụ của Trung Quốc dự định sẽ có tổng trọng lượng khoảng 60 tấn, nhỏ hơn so với dự án Trạm vũ trụ quốc tế (ISS)
 hiện nay.
TIN LIÊN QUAN
Sứ mệnh sắp tới của Thần Châu-8 là lần đầu tiên ghép nối với Thiên Cung-1, một module phòng thí nghiệm vũ trụ được Trung Quốc phóng thành công lên quỹ đạo Trái đất cuối tháng 9 vừa qua. Đây là những thử nghiệm chuẩn bị cho dự án xây dựng trạm vũ trụ của riêng Trung Quốc.

Tàu vũ trụ Thần Châu-8 đang được lắp ráp với tên lửa đẩy Trường Chinh-2F tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Trung Quốc.

Theo China Daily, tàu vũ trụ Thần Châu-8 và tên lửa đẩy Trường Chinh-2F đã được vận chuyển đến Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền từ ngày 23/10 để lắp ráp với nhau, trước khi được đưa tới bệ phóng dự kiến vào sáng hôm nay (27/10).

Lu Jinrong, kỹ sư trưởng của Tửu Tuyền cho biết, trong một vài ngày tới, các chuyên gia kỹ thuật sẽ tiếp tục kiểm tra tàu vũ trụ Thần Châu-8 và tên lửa đẩy và nạp nhiên liệu trước khi phóng lên quỹ đạo vào đầu tháng 11.

Tàu vũ trụ Thần Châu-8 có khả năng ghép nối với Thiên Cung-1 theo phương thức cả thủ công lẫn tự động. Hiện tại, khoang thí nghiệm Thiên Cung-1 đang hoạt động rất tốt trên quỹ đạo Trái đất và đã sẵn sàng cho nhiệm vụ ghép nối sắp tới.

Trung Quốc cũng dự định sẽ phóng hai tàu vũ trụ ghép nối với Thiên Cung-1 vào năm tới. Ít nhất một trong hai tàu vũ trụ này có người lái và phi hành gia sẽ ở lại khoang thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung-1 trong vòng 1 tháng. Trung Quốc cũng sẽ phóng hai module phòng thí nghiệm khác trước khi xây dựng một Trạm vũ trụ chính thức từ năm 2020 đến 2022.

Theo hãng tin AP, Trung Quốc đã khởi động chương trình xây dựng Trạm vũ trụ riêng sau khi họ không được tham gia dự án Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) với sự hợp tác của 16 quốc gia bao gồm cả Mỹ và Nga. Sau khi hoàn thành, Trạm vũ trụ của Trung Quốc ước tính có tổng trọng lượng khoảng 60 tấn, nhỏ hơn so với ISS.

Hà Hương