Việc Trung Quốc tuyên bố tăng
chi tiêu quốc phòng lên 12,7% khiến các nhà phân tích lo ngại liệu Mỹ có thể duy trì
ưu thế quân sự ở khu vực tối quan trọng: châu Á -
Thái Bình Dương.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng vọt
Nhật, Hàn, Philippines thi nhau đuổi tàu Trung Quốc
Thực hư chuyện hiện đại hóa quân sự Trung Quốc
Nhưng mọi thứ dường như không diễn ra theo chiều hướng ấy nữa.
Trung Quốc thử máy
bay tàng hình J-20, tháng 1/2011. Ảnh: Telegraph
Quân đội Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu vào thời điểm gánh nặng nợ nần khiến chính phủ Mỹ phải cân nhắc việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Thứ sáu trước, Trung Quốc tuyên bố gia tăng chi tiêu quốc phòng lên 12,7% trong năm nay - đánh dấu sự trở lại của việc tăng ngân sách ở mức hai con số.
Tuyên bố này dẫn tới nhiều lo lắng trong quốc hội Mỹ và một số nhà phân tích an ninh về việc liệu Mỹ có thể duy trì ưu thế quân sự trong nhiều thập niên qua tới khu vực tối quan trọng là châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi quân đội Mỹ lao vào những cuộc chiến hao tiền tốn của kéo dài nhiều năm ở Afghanistan và Iraq, Trung Quốc đã phát triển không ngừng các khả năng không quân, hải quân và tên lửa có thể thách thức sự vượt trội của Mỹ ở nơi mà Bắc Kinh xem là sân sau.
Trung Quốc vẫn còn con đường dài trước mặt để xây dựng lực lượng quân sự mạnh như Mỹ. Họ cũng chưa trải qua xung đột lớn nào vài thập niên nay và không phải là một đối thủ kiểu Xô Viết đe dọa Mỹ. Nhưng những thay đổi đang diễn ra đặt ra nhiều câu hỏi về việc Mỹ có thể đảm bảo các cam kết của họ trong việc duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương nhiều thập niên nay - vấn đề không chỉ ở uy tín thương mại mà còn là việc đảm bảo những tuyến vận chuyển sống còn với thương mại thế giới và bảo vệ các đồng minh.
Trung Quốc đã có sẵn một lợi thế địa lý “bẩm sinh” trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc họ quả quyết trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh coi là một “lợi ích cốt lõi” đã khiến nhiều nước láng giềng lo ngại, và củng cố thêm sự ủng hộ của họ về việc Mỹ hiện diện mạnh mẽ trong khu vực.
Tuần trước, Philippines đã phải điều động hai máy bay chiến đấu sau khi một tàu thăm dò dầu khí đánh tín hiệu báo cáo bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu ở Biển Đông. Nhật Bản cũng triển khai các máy bay F-15 sau khi máy bay do thám và chống tàu ngầm Trung Quốc bay gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước ở biển Hoa Đông.
"Khi khả năng của quân đội Trung Quốc ngày một lớn mạnh, Bắc Kinh thì hành xử quyết đoán hơn trong các vấn đề tranh chấp, một số nước đã coi Mỹ như một “hàng rào” đảm bảo cho họ có thể duy trì độc lập, an ninh và ổn định”, Abraham Denmark, giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm an ninh Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, các đồng minh cũng tỏ ra hoài nghi rằng, liệu Mỹ có thể hoạt động tự do trong khu vực và liệu nền kinh tế của họ - mắc nợ lớn với Trung Quốc và đang vật lộn để phục hồi sau một cuộc suy thoái - có thể đảm bảo cho mức chi tiêu quân sự khá cao, Bonnie Glaser, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói.
“Cường quốc có trách nhiệm”
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ có 325.000 thành viên, 5 nhóm tàu sân bay, 180 tàu và gần 2.000 máy bay. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn quân đóng tại các căn cứ lâu năm ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn thấp hơn Mỹ. Thậm chí nếu Trung Quốc thực sự đầu tư gấp đôi cho quân đội so với ngân sách công bố chính thức là 91,5 tỉ USD, thì vẫn chỉ bằng ¼ mức chi tiêu của Mỹ. Họ không có tàu sân bay và đi sau Mỹ trong công nghệ quốc phòng. Một số những tiến bộ gần đây trong các chương trình quân sự cũng phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành.
Ví dụ, Trung Quốc đã bay thử máy bay tàng hình thế hệ năm trong tháng 1, sớm hơn nhiều tháng so với thông tin dự báo của tình báo Mỹ, nhưng người đứng đầu Lầu Năm Góc Robert Gates cho rằng, Trung Quốc sẽ chỉ có vài trăm máy bay thế hệ năm vào 2025, khi Mỹ có thể có 1.500 chiếc.
Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc trong phát triển máy bay chiến đấu, hải quân, tàu ngầm, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay chống vệ tinh, và các khả năng chiến tranh ảo đã đảm bảo cho dự án phô trương sức mạnh của nước này vượt ra ngoài bờ biển. Các kế hoạch mua sắm, phát triển tàu ngầm mới, tàu khu trực hải quân lớn hơn hay máy bay vận chuyển có thể giúp phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc đi xa hơn.
Roger Cliff, một nhà nghiên cứu quốc phòng có tiếng - người gần đây đã xác nhận trước một phiên điều trần của quốc hội Mỹ về Trung Quốc - nói rằng, rất nhiều tên lửa và máy bay chiến đấu của nước này có tầm bắn hơn 1.400km, nghĩa là đặt hầu hết các căn cứ không quân, hải quân Mỹ trong khu vực vào phạm vi tấn công. Trong số đó, tên lửa DF-21D được thiết kế nhằm mục tiêu là tàu sân bay. Nó sử dụng công nghệ mà chưa một đối thủ khác nào của Mỹ có thể nắm vững. Nó chưa xuất hiện trong quá trình thử nghiệm hay trong cuộc diễn tập chống lại mục tiêu trên biển.
Theo Cliff, nếu xu thế này tiếp tục, vào cuối thập niên, Trung Quốc có thể có đủ tên lửa và bom để trong vòng một tuần hay nhiều hơn thế làm tê liệt các căn cứ của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản (thậm chí có thể xa hơn).
Nếu các nhà hoạch định quân sự Mỹ lo lắng về khả năng này, họ cũng không thể hiện nó. Họ nói rằng kế hoạch giới hạn chi tiêu ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm tới không làm chệch hướng nỗ lực hiện đại hóa. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Robert Willard tháng trước nói, trong khi Mỹ thận trọng theo sát các khả năng quân sự ngày một phát triển của Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh cởi mở, minh bạch hơn về khả năng ấy - thì cũng nhấn mạnh, Mỹ không cần phải thay đổi chiến lược của mình.
Trung Quốc luôn tuyên bố không có ý định gây hấn, và the các nhà phân tích, hành động quân sự trong khu vực sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế hướng xuất khẩu, đồng thời có thể đe dọa cả ổn định trong nước của Trung Quốc. Sự hiện diện quân sự của Mỹ còn có lợi cho Trung Quốc khi kiềm chế các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản trong ý định tìm kiếm vũ khí hạt nhân.
Khi lực lượng của cả Mỹ và Trung Quốc tăng cường “để ý” nhau ở tây Thái Bình Dương, thì Mỹ nói rằng, họ muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với Trung Quốc nhằm ngăn chặn nguy cơ đụng độ và mong muốn Trung Quốc phát triển như một “cường quốc có trách nhiệm”. "Đây không phải là chiến tranh Lạnh với hai đối thủ đối mặt với nhau”, Michael Schiffer, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề Đông Á nói. “Chúng tôi đang tìm kiếm mối quan hệ quân sự đủ rộng và đủ sâu để chế ngự những khác biệt trong khi mở rộng trên các lĩnh vực cùng quan tâm”.
-
Thái An (Theo AP)
Chi tiêu quốc phòng Trung Quốc khuấy động bất an khu vực
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng vọt
Nhật, Hàn, Philippines thi nhau đuổi tàu Trung Quốc
Thực hư chuyện hiện đại hóa quân sự Trung Quốc
Chính sách nào cho Biển Đông hòa bình?