Đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, việc tích hợp thể thao và giáo dục đã trở thành xu hướng quan trọng và được triển khai thực chất trong cải cách giáo dục.
Nhiều quốc gia đang tích hợp giáo dục thể chất với giáo dục học thuật thông qua hướng dẫn chính sách, cải cách chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên và các biện pháp khác để trau dồi thể lực, tinh thần đồng đội và khả năng thể thao của học sinh, sinh viên.
Khép lại kỳ Olympic 2024, đoàn thể thao Trung Quốc thành công rực rỡ với kỷ lục 40 Huy chương Vàng (HCV). Thành tích giúp Trung Quốc bằng Mỹ về số HCV, nhưng xếp thứ 2 vì ít hơn Huy chương Bạc (HCB), Huy chương đồng (HCĐ).
Trong số này, nhiều vận động viên đang là sinh viên đại học, nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ.
“Thành tích và tinh thần của các vận động viên Trung Quốc tại Thế vận hội Paris 2024 đã truyền cảm hứng cho cả nước, đồng thời khiến mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội phải suy nghĩ về các vấn đề giáo dục và thể thao”, theo đánh giá của Giáo sư Vi Quân - thành viên Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và là Hiệu trưởng Trường Giáo dục Thể chất thuộc Cao đẳng Thể thao Quảng Tây (Trung Quốc).
Coi trọng thực chất giáo dục thể chất trường học
Giáo dục thể chất trường học là một phần quan trọng trong tổng thể nền giáo dục Trung Quốc. Đề cương kế hoạch “Trung Quốc khỏe mạnh 2030” ban hành năm 2016 đưa ra yêu cầu học sinh, sinh viên phải thành thạo ít nhất một kỹ năng thể thao.
Mục tiêu cơ bản của giáo dục thể chất học đường Trung Quốc là "nâng cao chất lượng thể chất của đất nước và đào tạo những người xây dựng, kế thừa sự phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ và thể chất để hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng cách nâng cao thể lực của học sinh và thúc đẩy sự phát triển thể chất và tinh thần lành mạnh của họ”.
Giáo dục thể chất trường học Trung Quốc bao gồm một số thành phần chính như: (1) Giáo dục thể chất thông qua các lớp học trên lớp; (2) Hoạt động thể thao ngoại khóa do nhà trường hoặc học sinh tự tổ chức; (3) Tập luyện theo đội và các hình thức thi đấu thể thao khác nhau (như thi đấu trong lớp, thi đấu liên trường, tham gia các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và thế giới).
Các môn thể thao phổ biến trong trường bao gồm nhảy xa, nhảy cao, nhảy dây, gập bụng, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội, điền kinh hay thể dục nhịp điệu.
Phân bổ tiết học giáo dục thể chất tại trường như sau: Các bậc tiểu học và dưới tiểu học: 3 tiết/tuần, bậc trung học cơ sở: 2-3 tiết/tuần và bậc trung học phổ thông: 2 tiết/tuần.
Ở nhiều khu vực, điểm môn thể dục được tính vào tổng điểm kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Ví dụ, Cơ quan Giáo dục thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) yêu cầu tất cả học sinh lớp 9 đều phải tham gia kỳ thi thể dục và kiểm tra sức khỏe. Nội dung thi thể chất bao gồm 2 phần với tổng điểm 60: đánh giá định kỳ ở trường và bài thi cuối cùng. Kết quả đánh giá định kỳ chiếm 15 điểm (điểm môn giáo dục thể chất và sức khỏe là 6 điểm và điểm bài thi “Tiêu chuẩn sức khỏe thể chất quốc gia cho học sinh” là 9 điểm) và điểm bài thi cuối cùng là 45 điểm.
Kết quả kiểm tra gồm 4 mức: Điểm A (60-54 điểm là xuất sắc), B (53,9-45 điểm là tốt), C (44,9-30 điểm là đủ tiêu chuẩn) và D (29,9 điểm trở xuống là không đạt). Học sinh sẽ được thông báo điểm bài thi thể chất ngay sau khi thi xong. Nếu tổng điểm dưới 30, học sinh đó không được xét tham gia kỳ thi vào trung học phổ thông.
Tương tự, trong kỳ thi tuyển sinh trung học thành phố Thượng Hải, môn thi giáo dục thể chất có tổng cộng 30 điểm, được tổ chức theo quận thường vào giữa đến cuối tháng 4 hàng năm. Kỳ thi cũng gồm 2 phần với tổng 30 điểm: đánh giá ở trường và bài kiểm tra cuối cùng.
Kể từ lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1982 tại thủ đô Bắc Kinh, Đại hội Thể thao Đại học toàn quốc Trung Quốc trở thành sự kiện định kỳ 4 năm/lần.
Các trường đại học, cao đẳng Trung Quốc cũng tổ chức các Đại hội thể thao cấp đại học định kỳ hàng năm để làm phong phú thêm đời sống ngoại khóa, kiểm tra thể lực của sinh viên, đồng thời "đãi cát tìm vàng” để thi đấu ở các cấp cao hơn.
Giáo viên thể dục quan trọng không kém giáo viên các môn văn hóa
Từ thành công của Thế vận hội 2024, Giáo sư Vi Quân đã đúc kết những bài học kinh nghiệm của giáo dục thể thao học đường Trung Quốc:
Thứ nhất, phải nâng cao vị thế của các môn giáo dục thể chất trong nền giáo dục phổ thông. Cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của giáo dục thể chất và đưa thể thao vào kế hoạch phát triển chung của trường để đảm bảo giáo dục thể chất có vị trí quan trọng như các môn khác. Tăng cường tích hợp giáo dục thể chất với các môn học khác thông qua hoạt động giảng dạy liên môn.
Thứ hai, các trường học nên dạy học sinh phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như dựa trên độ tuổi và sở thích của các em. Đổi mới, xây dựng hệ thống giáo trình giáo dục thể chất đa dạng, có thể chia thành các môn giáo dục thể chất cơ bản, chuyên ngành và theo sở thích. Giáo viên cũng nên tìm kiếm các phương pháp giảng dạy đổi mới, trước tiên phải hiểu nhu cầu của học sinh, khám phá và thực hành các phương pháp giảng dạy đa dạng để kích thích sự hứng thú của các em.
Thứ ba, giáo viên thể dục quan trọng không kém giáo viên các môn văn hóa. Giáo viên thể dục giỏi là chìa khóa ươm mầm tài năng và nâng cao chất lượng dạy học thể dục. Các trường học cần tăng cường tuyển dụng, đãi ngộ, đào tạo và nâng cao trình độ giáo viên thể dục. Cơ sở vật chất và trang thiết bị thể thao tốt là cơ sở để thực hiện các hoạt động thể thao. Cần đặc biệt quan tâm đến những trường còn thiếu cơ sở vật chất và có biện pháp nâng cao trang thiết bị thể thao trong trường học.
Thứ tư, trường học cần tăng cường hợp tác với gia đình và xã hội để cùng nhau tạo dựng môi trường giáo dục thể chất tốt. Nhà trường có thể khuyến khích, hướng dẫn phụ huynh và các lực lượng xã hội tham gia hiệu quả vào công tác giáo dục thể chất ở trường, đồng thời có biện pháp tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đối với giáo dục thể chất học đường.