Tổ công tác của Thủ tướng hôm nay làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho biết, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật ngày càng gia tăng. Hiện các bộ, cơ quan Chính phủ đang còn nợ 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trở về trước gồm: 21 nghị định, 3 thông tư.

Theo đó, Bộ Công an nợ đọng 15 văn bản; Bộ KH-ĐT 2 nghị định, Bộ Công thương 4 nghị định, Bộ Tư pháp 1 nghị định, Bộ Y tế 1 nghị định, Thanh tra Chính phủ 1 nghị định.

{keywords}
 

“Bộ Công an cả văn bản nợ và văn bản chuẩn bị phải được ban hành trước 1/7 rất nhiều, rất nặng nề, vì trong năm 2019, liên quan đến lĩnh vực của Bộ có rất nhiều luật được thông qua, cũng có những luật rất khó. Ví dụ các văn bản hướng dẫn luật An ninh mạng là một vấn đề mới nhạy cảm, phức tạp, cần nhiều thời gian”, ông Sỹ dẫn chứng. 

Ngoài ra, từ 1/7/2020 nhiều luật có hiệu lực, các bộ phải trình ban hành 62 văn bản, trong đó có 35 nghị định, 27 thông tư.

Hàng tháng trời không gửi ý kiến

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nêu vướng mắc lớn nhất hiện nay là trách nhiệm của các bộ, ngành chưa thực sự cao trong tham gia phối hợp xây dựng văn bản. 

“Ngay khâu gửi xin ý kiến cử người tham gia hàng tháng trời cũng không gửi. Tôi lấy ví dụ 1 thông tư, ngày 24/10/2019 chúng tôi đề nghị gửi kết quả về Bộ Công an, đến 15/11/2019 còn nhiều bộ, ngành chưa gửi, đến ngày 3/12/2019 không gửi, đến hôm nay cũng không gửi. Nếu những bộ, ngành này không gửi thì không thể trình được, bị trả lại để về xin thêm ý kiến”, ông nói.
 
Ông dẫn chứng quy định về pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự, yêu cầu phải tổng kết thực tiễn, nhưng thực tế chưa có thì không thể tổng kết được.

{keywords}
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an)

“Tôi nói cái này xin chịu, có những nguyên nhân rất khách quan. Bộ Tư pháp rất nỗ lực, dù nguồn lực ít cũng rất cố gắng, nhưng từ khi tổ chức cuộc họp thẩm định cho đến khi có văn bản chính thức cũng 2 tuần, hoặc lâu hơn nữa. Cho nên, để có bộ hồ sơ hoàn chỉnh rất khó. Trung tướng phải gọi điện hết chỗ này đến chỗ nọ để xin. Đến khi có ý kiến thì ý kiến cũng rất gọn là đề nghị tổng kết thực tiễn, dự báo để văn bản phù hợp với thực tiễn thì không biết làm thế nào đây”, ông nêu khó khăn. 

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ, gần 40 năm làm trong lĩnh vực pháp chế, cũng có ít kinh nghiệm cho thấy việc này đòi hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng rất cao.

"Riêng Bộ Công an, Bộ trưởng yêu cầu 1 tuần phải có báo cáo, nếu không có sẽ kiểm điểm, bắt tất cả ngồi nghe, trách nhiệm rất cao, nhưng có rất nhiều thứ phụ thuộc bên ngoài, làm chậm tiến độ”, ông lưu ý.
 
Từ đó, Trung tướng đề nghị Tổ công tác có báo cáo với Thủ tướng giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các bộ, ngành phải có trách nhiệm trong đó, nếu văn bản xin ý kiến phải nêu rõ bao nhiêu ngày, không có thời hạn cuối cùng chẳng ai kiểm điểm, chẳng ai làm gì.

Cạnh đó, ông cũng xin nhận khuyết điểm trong việc đôn đốc nội bộ chưa được tốt và cam kết về báo cáo Bộ trưởng, đưa ra lời hứa đầu năm với Tổ công tác những gì còn nợ sẽ hoàn thiện.

Bộ Công an đề nghị Tổ công tác báo cáo Thủ tướng cân nhắc cho phép gia hạn trình đối với một số văn bản có nội dung khó, có tính chất phức tạp như nghị định quy định chi tiết thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại và chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; nghị định quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy.  

Nay mai QH đưa lên chất vấn các bộ là rất mệt

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh: "Phải tiêu diệt luôn văn bản nợ đọng, làm như chống dịch virus corona, mạnh mẽ, quyết liệt đi. Nay mai QH mà đưa lên chất vấn các bộ là rất mệt, phải tránh đi”.
 
Bộ trưởng đề nghị, với văn bản còn nợ đọng, các bộ trình Chính phủ trước ngày 1/3. Còn văn bản có hiệu lực từ 1/7/2020, cố gắng trình chậm nhất vào 15/4 để hoàn thiện các thủ tục tiếp theo. Cơ quan phối hợp phải trả lời nhanh cho cơ quan chủ trì.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

"Khi đã có ý kiến thành viên Chính phủ, các vụ phải xử lý, nếu bộ nào nợ đọng, vụ đó chịu trách nhiệm. Anh mà không có lý do chính đáng, để bộ nợ đọng thì vụ theo dõi văn bản là phải chịu trách nhiệm”, Chủ nhiệm VPCP lưu ý. 

Đối với các văn bản nợ đọng trước 1/1/2020, ông Dũng nhắc có văn bản từ năm 2019, thậm chí trước đó, càng để “nguội” thì khoảng trống pháp lý càng rộng, càng nguy hiểm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tán thành với đề nghị của đại diện Bộ Công an, cho phép lùi các văn bản còn nợ đến ngày 15/3 sẽ hoàn thành do đang tổ chức triển khai nhiều văn bản với nhiều khó khăn.

Thu Hằng 

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trước dịch virus corona

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trước dịch virus corona

Tại họp báo Chính phủ chiều tối nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết trước tình hình dịch virus corona, Bộ KH-ĐT trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020.