Nguyễn Đức Tùng, học sinh lớp 12C chuyên tiếng Pháp, trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ vừa nhận thư trúng tuyển vào Đại học Stanford, ngôi trường xếp thứ 2 thế giới. Tùng cho biết, đây là trường ước mơ và cũng là trường cuối cùng gửi thông báo kết quả tới em.
“Ngay trước đó 30 phút, một ngôi trường có “rank” thấp hơn đã từ chối em, vì vậy em cũng không có nhiều kỳ vọng về Stanford – vốn có tỉ lệ đỗ chỉ 4%. Nhưng thật vui, bức thư lại thông báo em đã trúng tuyển. Em hét lên sung sướng, còn bố mẹ cũng như vỡ òa”.
Đại học Stanford là ngôi trường thứ 10 Đức Tùng trúng tuyển trong mùa tuyển sinh vào đại học Mỹ năm nay.
Vốn có ý định đi du học từ những năm cấp 2, vì thế khi còn học ở trường Đoàn Thị Điểm, Tùng bắt đầu luyện thi IELTS và đạt 8.0 ngay trong lần đầu tiên. Nhưng vì muốn khám phá thêm một ngôn ngữ mới, năm cấp 3, nam sinh quyết định thử sức với ngôn ngữ Pháp tại trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ.
Bắt tay vào việc làm hồ sơ từ lớp 11, Tùng trăn trở tìm ra một câu chuyện cá nhân xuyên suốt trong từng yếu tố của bộ hồ sơ. Có ông là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, từ khi còn bé, Tùng thường được nghe các câu chuyện ông kể và được truyền cảm hứng làm việc.
“Ông rất tâm huyết với công việc này, cho nên dù tuổi đã cao, ông vẫn cống hiến và đóng góp cho ngành”.
Với mong muốn thấu hiểu và chia sẻ công việc của ông, Tùng bắt đầu tìm hiểu các vấn đề liên quan đến môi trường ở Việt Nam. Cậu nhận ra ngành môi trường không chỉ dừng lại ở các vấn đề khoa học mà còn “đụng” đến cả kinh tế, xã hội, con người.
“Càng tìm hiểu sâu, em càng cảm thấy có nhiều điều hứng thú và nghiêm túc muốn theo đuổi ngành này lâu dài”, Tùng nói.
“Striped Project” là dự án về môi trường đầu tiên Tùng đăng ký tham gia. Đây là dự án do các học sinh Hà Nội thành lập nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường. Ngoài các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu lượng rác thải giấy, dự án còn khuyến khích việc tận dụng chai nhựa, túi ni lông, giấy vụn… để tái chế.
Các sản phẩm này sau đó được đem đi bán tại các hội chợ, lợi nhuận thu về được nhóm sử dụng làm kinh phí cho chuyến đi thiện nguyện tại các trường học ở Hòa Bình, Tuyên Quang.
Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của một nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford, Tùng còn viết một bài nghiên cứu chính sách liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp dựa trên những chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia xung quanh.
Trong quá trình nghiên cứu, chính ông cũng là người hỗ trợ Tùng về nguồn tài liệu, giải thích những khái niệm khó và đưa ra các nhận xét, góp ý. Sau đó, bài viết được đăng tải trên tạp chí Môi trường vào đầu năm nay.
Ngoài ra, nam sinh còn tham gia một số cuộc thi quốc tế về môi trường và có chuyến đi thực tế tại đảo Cát Hải (Hải Phòng) để tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của rừng ngập mặn. Nhìn tổng thể các hoạt động nghiên cứu, làm dự án Tùng tham gia đều mang “màu sắc” liên quan đến môi trường và hoạt động cộng đồng.
Tuy nhiên, nam sinh cho rằng bản thân làm các hoạt động này không phải để “làm đẹp” hồ sơ hay cố gắng xây dựng một bộ hồ sơ thật hoàn hảo. Sự gắn bó và tâm huyết với từng hoạt động, dự án, theo Tùng chính là yếu tố giúp hội đồng tuyển sinh nhận thấy niềm đam mê thực sự của em.
So với mặt bằng chung những người được nhận vào Đại học Stanford, Tùng tự nhận điểm số của mình không quá ấn tượng. Nam sinh đạt GPA 9.4/10, IELTS 8.5/9.0, SAT đạt 1540/1600. “Với mức điểm không thấp nhưng cũng không quá nổi trội so với mặt bằng chung, em nghĩ điểm số không phải yếu tố lớn nhất giúp em được nhận vào trường”.
Tùng cho rằng có lẽ yếu tố khiến hội đồng tuyển sinh “nhìn” ra con người mình phần lớn dựa vào bài luận.
“Thay vì dùng bài luận để khoe thành tích, điểm số - những thứ đã thể hiện sẵn trong CV, em cho rằng đây là cơ hội để ứng viên thể hiện những điều “thật nhất” về bản thân mình. Qua những dòng viết, hội đồng tuyển sinh có thể cảm nhận được tính cách, con người của mình ra sao”.
Trong bài luận chính, Tùng kể về hành trình em tham gia các dự án về môi trường. Ban đầu, nam sinh không mấy hứng thú với các hoạt động cộng đồng vì cho rằng, chỉ bằng những điều nhỏ ấy không đủ tạo ra sự thay đổi lớn. Nhưng sau khi tham gia, nhìn thấy sự nhiệt huyết, hết mình của những con người trong dự án, em nhận thấy những thay đổi từng ngày và rất tích cực của cộng đồng. Hành trình thay đổi cách nghĩ và cách làm của Tùng được em chia sẻ chân thành, giản dị nhưng cũng rất thật về con người em.
Ngoài ra, Tùng đánh giá đề luận phụ của Stanford cũng rất thú vị, cho em có nhiều cơ hội để viết những thứ bình thường em không hay để ý, chẳng hạn đề yêu cầu liệt kê 5 thứ em thấy quan trọng nhất với bản thân hay viết một bức thư cho người bạn cùng phòng tương lai.
Vốn là người yêu thích việc gặp gỡ, trò chuyện với mọi người xung quanh, khi ngồi taxi, Tùng rất thích bắt chuyện với các bác tài xế. Vì thế, nam sinh mong muốn được lắng nghe câu chuyện từ người bạn tương lai của mình.
Trong bức thư, Tùng cũng nhắc tới niềm đam mê quay phim, chụp ảnh của bản thân. Em mong muốn trong quãng thời gian học tập tại Đại học Stanford, nếu bạn cùng phòng có chung đam mê, cả hai có thể cùng nhau ghi tên vào một vài câu lạc bộ của trường. Ngoài ra, cả hai có thể cùng nhau giải trí hay đi cắt tóc tại một cửa hàng ở ngay gần trường học…
Bài luận phụ này được Tùng viết với tâm thế rất thoải mái, gửi gắm những điều thật nhất về bản thân mình. “Có lẽ vì vậy, giọng văn của em khá hài hước, gần gũi, khác hẳn với những bài luận trước đó”, Tùng kể.
Sự không hoàn hảo và các câu chuyện thực sự cá nhân, theo Tùng đôi khi lại là yếu tố khiến hội đồng tuyển sinh cảm thấy gần gũi vì giúp họ “nhìn thấu” con người thật của ứng viên. Đây cũng là kinh nghiệm nam sinh đúc rút được sau hành trình nộp hồ sơ của mình tới các trường đại học Mỹ.
Tháng 8 này Đức Tùng sẽ lên đường tới Đại học Stanford. Nam sinh hy vọng môi trường mới sẽ giúp em được phát triển đam mê của bản thân liên quan đến kinh tế và chính sách trong lĩnh vực môi trường.