Thuốc bảo vệ thực vật giúp phòng trừ sâu hại cho cây trồng, bảo vệ sản lượng và chất lượng nông sản. Thế nhưng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách có thể vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Mới đây, EU ra quyết định tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20% với sầu riêng của Việt Nam. Lý do chúng ta đã không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, cơ quan chức năng của EU đã phát hiện nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid. EU quy định mức giới hạn tối đa dư lượng được phép (MRL) các hoạt chất này từ 0,005-0,1 mg/kg, tùy loại. Sầu riêng Việt Nam có mức vi phạm từ 0,021-6,3 mg/kg, tức vượt ngưỡng cho phép của EU.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhưng năm 2024, các thị trường xuất khẩu cũng liên tục có thông báo thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) trong nhập khẩu nông lâm thủy sản.
Theo thống kê, năm 2024 các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm, bình quân mỗi ngày văn phòng SPS phải ra 3 thông báo, trong đó có thông báo dài cả trăm trang. Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với các sản phẩm khác, như thanh long, cà phê... cũng khác.
Chẳng hạn, trong tháng 11/2024, Nhật Bản có 10 thông báo về thuốc bảo vệ thực vật, có loại thuốc giảm hoạt chất đến 10 lần. Số thông báo nhận được chủ yếu rơi vào các thành viên của WTO mà chúng ta đang có giao dịch, như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có một số thay đổi.
“Văn phòng SPS rất lo lắng, chỉ mong mỗi ngày không có cảnh báo gì. Tuy nhiên, thực tế gần như thường xuyên có cảnh báo”, ông Nam bày tỏ.
Bên cạnh vấn đề an toàn vệ sinh thực vật, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách còn gây ô nhiễm không khí, nước, đất khu vực trồng trọt và lân cận. Đây cũng là tác nhân góp phần làm gia tăng phát thải khí thải nhà kính.
Tại tọa đàm trực tuyến "Hiểu đúng về thuốc bảo vệ thực vật", một loạt vấn đề về phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và nội địa được nêu ra.
Ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho rằng, điều đơn giản nhất để phát triển một nền nông nghiệp bền vững là bà con nông dân nên suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Trước khi quyết định phun thuốc, nông dân hãy tự hỏi: Liệu có nhất thiết phải sử dụng không? Nếu có các biện pháp khác như cắt tỉa, vệ sinh đồng ruộng hoặc sử dụng thiên địch mà vẫn hiệu quả thì cần ưu tiên áp dụng trước”, ông nói.
Nông dân chỉ nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết, tức là khi sâu bệnh đã vượt ngưỡng gây hại kinh tế và các biện pháp khác không còn hiệu quả.
Tuy nhiên, khi sử dụng cần chọn thuốc trong danh mục được phép, không tự phối trộn các loại thuốc với nhau. Nếu sử dụng đúng cách sẽ đảm bảo chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng". Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn cho cây trồng, môi trường và sức khỏe người sử dụng.
Nhấn mạnh thực hiện nguyên tắc "4 đúng" không chỉ đơn giản mà còn rất hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Sơn, đại diện CropLife cho biết, các đại lý uy tín thường được trang bị kiến thức chuyên môn và có trách nhiệm với sản phẩm mình bán nên bà con khi mua thuốc bảo vệ thực vật có thể hỏi và đọc kỹ nhãn mác của từng loại.
Trên nhãn thuốc luôn có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, liều lượng và loại cây trồng áp dụng. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, được thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi khuyến cáo, ông Sơn cho hay.
Theo các chuyên gia, an toàn thực phẩm sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng quan tâm và nâng cao. Nếu chúng ta vi phạm nhiều lần sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hoặc bị “cấm cửa”.