Xin chúc mừng ông đã được Đại hội Đảng tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị phân công giữ trọng trách mới. Xin ông cho biết đánh giá của mình về xu hướng, triển vọng của nền kinh tế với những khó khăn trước mắt do tác động của đại dịch Covid-19?

Nhìn lại năm 2020, chúng ta đã thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.

Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Đầu năm 2021 này, đại dịch Covid-19 lại tái bùng phát ở một số địa phương như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng đã và đang có những tác động, gây khó khăn không nhỏ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta.

Nhưng bước đầu với những cố gắng kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại các điểm dịch như Bộ Y tế đã công bố, với đà phát triển và những cố gắng của chúng ta, tôi tin là năm 2021, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng tôi tin là Chính phủ, cùng các bộ, ngành, với sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng, là một điểm sáng về phát triển kinh tế trong khu vực.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh hiện vẫn kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh hiện vẫn kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Mặc dù chúng ta có những cơ sở để lạc quan như trên nhưng đặt trong một bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, với tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, có nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng rất tồi tệ, có thể không kém thời kỳ 2007-2008, theo ông, nền Việt Nam sẽ chịu những tác động như thế nào?

Đúng là xét về bối cảnh chung thì năm 2020 - 2021 nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tôi cho rằng khó khăn này có những khác biệt khá căn bản so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008. Do vậy, cần đánh giá đúng tình hình để có định hướng giải quyết phù hợp.

Suy thoái kinh tế toàn cầu của năm 2020 lần này có tính chất rất khác so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008, khi đó kinh tế thế giới chủ yếu chịu tác động từ sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng, sụt giảm thị trường chứng khoán, mất giá tiền tệ qui mô lớn... Trong khi suy thoái kinh tế lần này diễn ra ở hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư của thế giới. Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, và như vậy cấu trúc của nền kinh tế thế giới cũng sẽ có những thay đổi.

Bên cạnh đó, các xung đột vốn đã nghiêm trọng giữa một số nền kinh tế lớn ngay từ trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 (như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đối đầu thương mại Mỹ - EU...), thì nay với tác động của dịch Covid-19, không những không thuyên giảm, mà còn đang trở nên ngày càng gay gắt hơn.

Ngoài ra, dịch bệnh lần này cũng tiếp tục tác động mạnh mẽ hơn vào quá trình toàn cầu hóa vốn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc bản địa thời gian qua đang có xu thế trỗi dậy ở một số quốc gia, khu vực; Xu thế quay trở lại chính quốc của các doanh nghiệp đã trở thành xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mặc dù khó khăn thách thức là rất lớn, song tôi tin là chúng ta đã có những quyết sách rất chủ động, kịp thời và hiệu quả. Năm 2020, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt của Đảng và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã đồng lòng, nỗ lực vào cuộc và vượt qua khó khăn, thử thách. Đưa Việt Nam trở thành một trong những nên kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới (2,91%).

Chúng ta đã bước đầu thực hiện thành công mục tiêu kép "Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế", tạo được nền tảng quan trọng cho phát triển của năm 2021 và những năm tiếp theo.

Ông có cho rằng, các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021 mà Quốc hội đặt ra vẫn khả thi? Với những khó khăn mới xuất hiện, liệu có khả năng phải điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu không?

Với cơ sở như trên, tôi cho rằng mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2021 GDP tăng trưởng 6% và Chính phủ xác định phấn đấu đạt ở mức 6,5% vừa thể hiện sự quyết tâm nhưng đồng thời cũng cho thấy khả thực tế của nền kinh tế Việt Nam trong tăng trưởng của năm 2021. Và tôi cho rằng, chưa cần phải đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu đã đặt ra như vậy.

Không chỉ bản thân chúng ta nhận định như vậy. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín cũng đánh giá khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo là rất tích cực. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt khoảng 6,8% và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng 6,5%.

Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng dự báo về tăng trưởng GDP dành cho Việt Nam đều khá khả quan, đều ở mức cao (từ 6 - 6,5%, thậm chí cao hơn).

Như vậy, nhìn về góc độ tăng trưởng kinh tế, tôi cho rằng bức tranh kinh tế của Việt Nam có nhiều khả quan và tích cực hơn so với năm 2020. Đặc biệt là với kết quả tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng vừa qua, các định hướng lớn trong phát triển kinh tế sẽ được triển khai, đưa vào thực thi sẽ tạo động lực lớn cho phát triển chung của nền kinh tế nước ta trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của dịch COVID-19 để có biện pháp ứng phó phù hợp; tập trung vào cải cách thể chế kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, trong đó chú trọng đến việc xử lý hiệu quả những rủi ro đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, thu hút đầu tư nước ngoài; tận dụng lợi ích từ nền công nghiệp 4.0 và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong đó không chỉ chủ động thực hiện cam kết trong FTA, mà còn chủ động đóng góp vào xây dựng luật chơi chung; thúc đẩy hợp toàn diện, tiến bộ trong các diễn đàn quốc tế mà Việt Nam tham gia v.v..

Theo ông, cần có những giải pháp nào để Chính phủ vẫn đạt những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội như Quốc hội đã giao?

Theo tôi, để có thể vượt qua khó khăn, thử thách và tạo được bứt phá trong phát triển, cần quán triệt tinh thần chung đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".

Theo đó, cùng với quá trình hội nhập, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường thì cần hướng trọng tâm cao hơn vào: Củng cố, phát huy vai trò của thị trường trong nước; Đồng thời, thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp Việt Nam.

Trong đó, các định hướng lớn cần tập trung thực hiện là: Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

Thứ hai, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thương mại và công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế và khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị và các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực;

Thứ ba, vẫn cần tập trung khai thác có hiệu quả thị trường trong nước với quy mô dân số và thu nhập đang ngày càng tăng lên; xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu;

Thứ 4, cũng rất quan trọng là cần phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục hỗ trợ hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối; Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nhà báo và Công luận

Theo congluan.vn