Bản Hang Chuồn-Nà Lâm, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình là nơi sinh sống của 67 hộ với 213 nhân khẩu, trong đó 98% dân số là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. 

Trong gần 2 nhiệm kỳ làm trưởng bản Hang Chuồn-Nà Lâm, anh Hồ Văn Mên (SN 1985) đã chứng kiến những tháng ngày khốn khó, thiếu cái ăn, cái mặc, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước của bà con dân bản.

Để góp phần thay đổi diện mạo của bản làng, anh đã cùng chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát triển kinh tế, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực chăm lo phát triển sản xuất bằng nhiều hình thức phong phú như: Qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt bản, đi từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân bản. Từ đó, kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết.

ảnh 1.jpg
Anh Hồ Văn Mên đã góp phần thay đổi diện mạo bản Hang Chuồn-Nà Lâm, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Ảnh: M. Nhân

Là trưởng bản kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của bản, anh luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, trưởng bản trong phát triển kinh tế hộ gia đình, giáo dục con cháu và tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhiều năm liền, anh được bà con bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. 

Với nhiều nỗ lực, tình hình tư tưởng của bà con trong bản ổn định, luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh tế-xã hội có bước phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững. 

Bên cạnh đó, bản Hang Chuồn-Nà Lâm đã xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả, nhiều hộ có kinh tế khấm khá, với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, hiện tại, bản đã thành lập Hợp tác xã Măng giang Trường Xuân với 7 xã viên và 105 thành viên đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, 1 mô hình nuôi gà thả vườn, 1 mô hình chăn nuôi lợn và 1 mô hình trồng rừng theo dự án.

Anh Mên cũng tập trung tuyên truyền, vận động bà con đầu tư phát triển, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt. Toàn bản đã duy trì đàn trâu, bò trên 80 con, đàn lợn trên 90 con/năm, đàn gia cầm trên 2.100 con, đàn dê với 30 con... Bản thân anh Mên và gia đình cũng đang sản xuất 4ha rừng keo, cùng đàn gà, dê, bò và trồng lúa, hoa màu trên diện tích 3.000m2.

Anh còn thường xuyên phối hợp với các hội viên trong Chi hội Nông dân bản vận động bà con vào hội đạt trên 90%, đặc biệt, tỷ lệ hội viên là đồng bào Bru-Vân Kiều rất cao. Từ đó, đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư các mô hình sản xuất, như: Bò, dê, lợn, gà..., hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và vận động hội viên mạnh dạn đầu tư, mở mang chuồng trại, phát triển kinh tế. Chi hội cũng khuyến khích hội viên học nghề, tham gia tập huấn kiến thức mới, tạo việc làm mới tại chỗ, vận động đi xuất khẩu lao động, hiện bản có 8 thanh niên đi lao động ở nước ngoài. 

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, anh tích cực vận động nhân dân đồng tình hưởng ứng hiến đất, hiến tài sản để giải tỏa xây dựng đường giao thông nông thôn. Bản Hang Chuồn-Nà Lâm đã có 12 hộ hiến khoảng 1.000m2 đất rừng trồng, 5.000 cây các loại, hàng chục mét hàng rào các loại để xây dựng tuyến đường nội bản, tuyến đường sản xuất, hệ thống nước sinh hoạt…

Theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, anh Hồ Văn Mên là trưởng bản năng động, nhiệt tình, tâm huyết tích cực trong các hoạt động của xã và thôn bản nên được tín nhiệm, tin tưởng. Anh đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện chương trình, chính sách dân tộc và Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III, năm 2019.