Với phương thức thi mới, các trường đại học có tiếp tục yên tâm sử dụng kết quả của kỳ thi chung năm 2017 để tuyển sinh?


Sẵn sàng sử dụng kết quả nếu tổ chức thi nghiêm túc

PGS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, nhận định mở rộng thi trắc nghiệm là khuynh hướng tích cực. “Phương pháp thi này sẽ tránh được khoảng cách giữa các giáo viên, giảng viên trong khi chấm thi, nhất là đối với những môn xã hội”.

{keywords}

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Đối với những môn xã hội lần đầu tiên áp dụng thi trắc nghiệm, ông Sen cho rằng nếu tập trung làm mạnh, làm công phu thì sẽ có đề thi tốt, phân hóa được thí sinh để tuyển sinh đại học.

Tuy nhiên, vấn đề ông Sen đặc biệt quan tâm trong kỳ thi năm tới là khâu tổ chức thi.

“Việc tổ chức thi được giao cho các địa phương, vì vậy việc thanh tra, kiểm tra phải cực kỳ nghiêm túc. Tôi chỉ e ngại rằng sẽ có địa phương quản lý không chặt, dễ để xảy ra tình trạng nhìn bài bạn hay chép “phao” thi, điều này dẫn tới đánh giá chất lượng thí sinh không công bằng.

Nếu để xảy ra tình trạng đó, việc lấy kết quả thi của các địa phương trong toàn quốc để xét tuyển vào đại học thì sẽ rất “căng”.

Ông Sen cho biết nhà trường vẫn mong muốn sử dụng kết quả của kỳ thi chung để tuyển sinh, nhưng với điều kiện cơ quan quản lý phải giải quyết thành công khâu tổ chức thi. Có thể huy động các trường đại học phối hợp với các Sở GD-ĐT để tổ chức thi.

“Nếu cảm thấy khâu tổ chức thi không đảm bảo, trường chúng tôi, và cả các trường đại học khác, có thể sẽ tính đến việc kiểm tra bổ sung một môn nào đó đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường” – ông Sen nêu định hướng.

PGS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng cho biết trường sẽ tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh.

“Việc tổ chức bài thi tổ hợp và áp dụng thi trắc nghiệm theo tôi không có vấn đề gì, trước đây các em thi riêng từng môn thì nay phải thi nhiều môn một lúc, phải học đều các môn hơn”.

Ông Dũng cho rằng với việc mỗi thí sinh có một đề thi riêng sẽ đảm bảo đánh giá khách quan. “Miễn sao khâu tổ chức thi nghiêm túc, trường tôi sẽ sử dụng kết quả thi chung để xét tuyển chứ không cần bổ sung thêm hình thức nào cho tốn kém”.

Lãnh đạo một số trường đại học khác như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM... trước những thông tin ban đầu về phương án thi mới, cũng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi chung năm 2017 để xét tuyển với điều kiện kỳ thi được tổ chức “công bằng, nghiêm túc, khách quan”.

Cần có giải pháp mới để chống ảo

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 đã có “dấu ấn” đặc biệt với việc hàng loạt trường, kể cả trường nhóm trên, phải xét tuyển bổ sung vì số lượng thí sinh ảo quá lớn.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết “Năm 2017, Bộ sẽ cho phép các thí sinh sẽ được đăng ký nhiều trường hơn để đảm bảo quyền lợi thí sinh cao hơn nữa, do đó, lượng ảo sẽ lớn. Vì vậy, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường lọc thí sinh ảo, giảm khó khăn phát sinh”.

{keywords}

Ảnh Lê Văn

Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, để giảm ảo hiệu quả đối với những trường sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển, có hai cách.

Cách thứ nhất, thí sinh có thể ghi nguyện vọng vào trường nào, ngành nào trong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Xem như đây là nguyện vọng 1. Nếu không đạt thì sẽ xét tuyển như là nguyện vọng bổ sung. Việc này vừa phân luồng khá tốt vừa giảm ảo. Và cứ thế xét tuyển tiếp tục.

Cách thứ hai, theo ông Lý, là “tích hợp tinh hoa, tích cực, chọn cái được của 2 kỳ xét tuyển 2015 và 2016 để tạo ra kỳ xét tuyển tốt nhất. Cụ thể, cái được của 2015 là công khai, minh bạch số liệu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển, cái được của 2016 là lấy hướng nghiệp làm gốc, thí sinh trúng tuyển vào đúng ngành phù hợp nhiều hơn”.

Theo đó, thời gian xét tuyển có thể vẫn là 12 ngày, chia thành 3 đợt cho 3 mức điểm gồm điểm cao, vừa và thấp. Ví dụ: 4 ngày đầu những TS có điểm >= 25; 4 ngày tiếp theo cho thí sinh >= 20 (<25); 4 ngày còn lại từ sàn - <20”. Thí sinh đăng ký xét tuyển online 100%.

Thí sinh ĐKXT vào ngành/ trường phù hợp dựa trên điểm thi của mình, cạnh tranh vào ngành theo điểm từ trên xuống đến khi chạm chỉ tiêu. Nếu chưa đủ chỉ tiêu sẽ xét tiếp 4 ngày tiếp theo cho thí sinh vùng điểm 20 - <25 ... và cứ thế. Vì chỉ số chứng khoán điểm chuẩn từ trên xuống nên không có thí sinh bị loại, không ảo, không gây bức xúc.

Tuy nhiên, để thực hiện được theo hình thức này, ông Lý cho rằng điều kiện là phần mềm phải chuẩn, nhanh và mạnh, dữ liệu phải được công khai, nộp từ trên xuống, rút ra (online) là rất bình thường. Thí sinh luôn biết mình đang ở đâu.

“Những kết quả mà nó mang lại sẽ là: Không ảo, đúng ngành, cạnh tranh lành mạnh, không bức xúc, minh bạch” – ông Lý nêu ra những ưu điểm trong đề xuất của mình.

Còn GS Lâm Quang Thiệp nhận định, có lẽ trong năm tới đa phần các trường đại học sẽ vẫn dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển hoặc xét sơ tuyển. Bởi vì, việc tự tổ chức một kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn thật sự có chất lượng rất phức tạp và tốn kém, rất ít trường đại học làm được.

Tuy nhiên, ông Thiệp cho rằng Bộ GD-ĐT nên để các trường đại học hoàn toàn tự chủ trong việc tuyển sinh.

“Bộ không nên quy định thêm điểm sàn, vì điểm tốt nghiệp THPT chính là điểm sàn cho mọi trường. Vấn đề còn lại là các trường phải công khai phương thức và điểm xét tuyển của mình, để thí sinh, phụ huynh và xã hội đánh giá".

Ngân Anh